Kể từ khi ra đời năm 2006, chuẩn tăng trưởng mới ở trẻ đã được hơn 140 quốc gia sử dụng. Đánh dấu 5 năm thành công của tiêu chuẩn mới này, chúng ta cùng tìm hiểu vì sao nó lại hữu ích và được sử dụng rộng rãi đến vậy.
->> Bảng chiều cao và cân nặng theo chuẩn mới của trẻ dưới 5 tuổi
Dưới đây là cuộc trao đổi với TS Mercedes de Onís, phụ trách nghiên cứu đánh giá về chuẩn tăng trưởng mới của WHO, về lý do tại sao chuẩn này đã đại diện cho một phương pháp tiếp cận mới và tại sao chúng hữu ích.
Tiêu chuẩn của WHO về tăng trưởng trẻ em là gì?
Các biểu đồ này là những công cụ đơn giản để đánh giá xem liệu một đứa trẻ đã tăng trưởng và phát triển đúng với tuổi chưa. Chúng cũng có thể được sử dụng để xem liệu những nỗ lực nhằm giảm tỉ lệ tử vong và bệnh tật ở trẻ em có hiệu quả.
Cũng là lần đầu tiên, các tiêu chuẩn mới này đã dung hòa được sự khác nhau của trẻ ở các vùng miền trên thế giới, nơi mang lại sự khởi đầu cuộc sống, các tiềm năng để phát triển và tăng trưởng cả về chiều cao và cân nặng theo tuổi ở trẻ. Tiêu chuẩn này của WHO đã được các chính phủ, các tổ chức y tế sử dụng hiệu quả trong việc phát hiện những trẻ em không phát triển đầy đủ, suy dinh dưỡng hay thừa cân ở mức trung bình.
Phương pháp đo sự tăng trưởng của trẻ em trước đây là gì?
Trước khi Tiêu chuẩn tăng trưởng trẻ em được phát triển, WHO đã khuyến nghị sử dụng tài liệu kham khảo về tăng trưởng của TT Phân tích y tế Mỹ được thực hiện cuối năm 1970 (bản tham chiếu).
Năm 1993, WHO đã tiến hành đánh giá toàn diện bản tham chiếu về tăng trưởng này. Kết quả cho thấy chúng có những hạn chế về sinh học và kỹ thuật và đề xuất 1 phương pháp mới: Tiêu chuẩn thay vì bản tham chiếu.
Tiêu chuẩn mới được thiết lập dựa trên việc nuôi con bằng sữa mẹ với các chỉ tiêu sinh học của trẻ bú mẹ là tiêu chuẩn cho sự tăng trưởng và phát triển. Các biểu đồ trước đó phần lớn dựa trên sự tăng trưởng của trẻ dùng sữa công thức.
Tiêu chuẩn tăng trưởng của WHO là cho trẻ em toàn cầu và mọi trẻ em còn tiêu chuẩn trước đây là dựa trên thông số về trẻ em từ một quốc gia (Hoa Kỳ).
Bản tiêu chuẩn tăng trưởng của WHO đã được xây dựng như thế nào?
Tiêu chuẩn về tăng trưởng của WHO được dựa trên những dữ liệu từ nghiên cứu về Bản tham chiếu tăng trưởng đa trung tâm (1997-2003). Nghiên cứu này đã áp dụng một phương pháp khắt khe với sự hợp tác của nhiều nhà nghiên cứu quốc tế.
Nghiên cứu này cung cấp một nền tảng vững chắc để phát triển một tiêu chuẩn mới bởi vì các mẫu được lấy là dựa trên các trẻ em khỏe mạnh, lớn lên trong môi trường không hạn chế sự tăng trưởng. Hơn nữa, các bà mẹ của các trẻ được lựa chọn để xây dựng các tiêu chuẩn đã thực hiện các tiêu chuẩn cơ bản đảm bảo cho sức khỏe như cho con bú và không hút thuốc. Ngoài ra, với phương pháp thu thập số liệu và chuẩn hóa nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn của 6 nước là Brazil, Ghana, Ấn Độ, Na Uy, Oman và Hoa Kỳ đã giúp tạo ra những dữ liệu có chất lượng rất cao.
Mối liên quan giữa tiêu chuẩn tăng trưởng của WHO với trẻ sơ sinh và việc nuôi con trẻ là gì?
Sự phát triển của trẻ sơ sinh liên quan chặt chẽ với cách bé được cho ăn. Những lợi ích dinh dưỡng, miễn dịch và tăng trưởng của việc cho trẻ bú sữa mẹ được chứng minh và vì vậy trẻ sơ sinh bú sữa mẹ là tiêu chuẩn tự nhiên cho sự phát triển sinh lý.
Sự hoàn hảo của sữa mẹ không chỉ hỗ trợ cho sự tăng trưởng khỏe mạnh mà còn giúp phát triển nhận thức và sức khỏe lâu dài hạn… là những cơ sở để WHO xây dựng bảng tiêu chuẩn dựa trên trẻ sơ sinh bú sữa mẹ.
Với các tiêu chuẩn phát triển mới, không chỉ bác sĩ nhi có một công cụ tốt hơn để giám sát sự phát triển của trẻ sơ sinh mà còn là những chính sách y tế và hỗ trợ cộng đồng trong việc khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ.
Một đứa trẻ ở mức dưới hay trên so với các tiêu chuẩn về trọng lượng, chiều cao nên được hiểu như thế nào?
Các yếu tố này không phản ánh rằng có vấn đề nào đó ở đứa trẻ. Đây chỉ là một yếu tố bác sĩ nhi cần chú ý.
Đối với trẻ trên 10 tuổi, nghiên cứu của WHO và nhiều nghiên cứu khác cho thấy trẻ có tiềm năng để phát triển ở mức trung bình khi chúng được chăm sóc thích hợp, nuôi dưỡng và tiêm chủng.
(Theo Nhân Hà // Dân trí // WHO)