Hăm tã là tình trạng trẻ bị viêm ở vùng da quấn tã, có thể xảy ra ở mọi trẻ, ít nhất một lần trong 3 năm đầu đời nhưng phổ biến vào giai đoạn từ 9 - 12 tháng tuổi.
Thông thường, trẻ bị hăm tã có thể được điều trị tại nhà. Người chăm sóc trẻ nên tắm cho trẻ bằng xà phòng dịu nhẹ, nước ấm và dùng khăn mềm lau sạch da. Chú ý lau kỹ các vùng nếp kẽ nhưng không cọ xát hay kì mạnh làm da kích ứng nhiều hơn.
Sau khi tắm, nên để cho da nơi bị hăm thoáng mát một chút trước khi quấn tã. Không lau cho trẻ bằng chất có cồn hay propylene glycol khi đang hăm tã vì sẽ làm bỏng da và lây lan vi khuẩn sang vùng da lành khác.
Nếu sử dụng tã vải, tránh dùng bột giặt có chất tẩy rửa mạnh, thuốc tẩy và nước làm mềm vải. Lưu ý không dùng các loại máy sấy cho trẻ nhỏ cũng như dùng quần ni-lông cho trẻ; tránh xa các loại kem, phấn bôi cho trẻ bị hăm tã vì sẽ khiến các vùng nếp kẽ ẩm ướt.
Tuy nhiên, trong các trường hợp trẻ bị hăm kéo dài hơn 7 ngày, hăm trở nên nặng hơn và lan rộng, không tìm ra nguyên nhân và hăm tã đi kèm tiêu chảy trong hơn 48 giờ hay kèm sốt... thì gia đình cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Tùy theo mức độ mà bác sĩ sẽ sử dụng các loại thuốc phù hợp như kháng nấm nếu nhiễm nấm, kháng sinh nếu bị chốc và bôi corticoid trong trường hợp hăm tã do dị ứng hoặc chàm thể tạng, chàm tiết bã.
Để đề phòng tình trạng này, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần sử dụng những loại tã mềm, thấm nước tốt, tránh ẩm mốc; thay tã thường xuyên khoảng 3 giờ/lần nhằm tránh ứ đọng phân và nước tiểu tiếp xúc với da. Trước khi thay tã mới, cần dùng khăn ẩm lau da thật khô và sạch
Trong khi thay, tránh để băng keo dính vào da làm tổn thương và kích ứng da trẻ. Khi thay tã, tay người thay phải được rửa sạch sẽ; không quấn tã quá chật.
Theo SKDS