Về chúng tôi

Mạng Yhocsuckhoe.com được điều hành bởi Dược phẩm Davinci Pháp. Chúng tôi luôn nỗ lực góp phần mang lại những giá trị thiết thực vì sức khỏe cộng đồng  Việt.

Phòng ngừa bệnh quai bị lứa tuổi học đường

 Bệnh quai bị (còn được gọi là bệnh viêm tuyến nước bọt mang tai dịch tễ hay viêm tuyến nước bọt mang tai do virus quai bị) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính hay gặp ở lứa tuổi học đường, lây trực tiếp bằng đường hô hấp, hay gây thành dịch trong trẻ em, thanh thiếu niên do virus quai bị gây nên.

Biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất là viêm tuyến nước bọt mang tai không hoá mủ. Ngoài ra các tuyến nước bọt khác, tinh hoàn, tụy và hệ thần kinh trung ương cũng có thể bị tổn thương.

Virus quai bị có tên khoa học là Mumpsvirus thuộc họ Paramyxovirus. Có hướng tính gây bệnh với các tuyến ngoại tiết và thần kinh. Virus quai bị có sức đề kháng kém, bị bất hoạt nhanh khi ra ánh nắng mặt trời và trong điều kiện khô nóng, nhưng có thể tồn tại lâu ở nhiệt độ thấp. Nguồn bệnh là những người đang mắc quai bị cấp tính. Bệnh lây trực tiếp bằng đường hô hấp qua tiếp xúc giữa người bệnh và người lành. Thời gian lây bệnh từ 7 ngày trước đến 7 ngày sau khi có triệu chứng đầu tiên của bệnh. Bệnh gặp khắp nơi trên thế giới và có thể xảy ra quanh năm nhưng thường thành dịch vào mùa Đông - Xuân. Bệnh thường xảy ra ở thanh, thiếu niên sinh hoạt tập thể: Mẫu giáo, trường học, đơn vị tân binh.

Tất cả những người chưa mắc quai bị đều có thể mắc bệnh, thường ở tuổi thanh thiếu niên. Trẻ dưới 2 tuổi và người già rất hiếm bị bệnh. Sau khi mắc bệnh, bệnh nhân có miễn dịch vững bền tồn tại rất nhiều năm, có thể tái phát, nhưng rất hiếm. Miễn dịch mẹ truyền cho con tồn tại khoảng 1 năm.

Phòng ngừa bệnh quai bị lứa tuổi học đường

Các thể lâm sàng

Các thể bệnh thường được phân loại theo vị trí tổn thương, gồm các thể sau: thể viêm tuyến nước bọt (tuyến mang tai, dưới hàm, dưới lưỡi); thể viêm tinh hoàn; thể viêm tụy; thể thần kinh (viêm màng não, viêm não); thể kết hợp (viêm tuyến nước bọt mang tai kết hợp với viêm tinh hoàn, hoặc viêm tuyến nước bọt mang tai với viêm màng não) v. v...

Viêm tuyến nước bọt mang tai: là thể điển hình hay gặp nhất, chiếm 70% các thể có khu trú rõ. Thời gian nung bệnh trung bình từ 18 - 21 ngày.

Khởi phát bệnh người bệnh sẽ bị sốt 38 - 39oC, đau đầu, đau mỏi toàn thân, ăn ngủ kém.

Giai đoạn toàn phát: sau sốt 24 - 48 giờ xuất hiện viêm tuyến mang tai. Lúc đầu sưng một bên, sau 1 - 2 ngày sưng tiếp bên kia (thường sưng cả hai bên, ít gặp sưng chỉ một bên). Hai bên sưng thường không đối xứng (bên sưng to, bên sưng nhỏ), tuyến mang tai sưng to đôi khi làm mất rãnh trước và sau tai, có khi biến dạng mặt, mặt phình ra, cổ bạnh, cằm xệ. Da vùng má bị sưng căng, bóng, không đỏ, ấn không lõm, sờ nóng, đau, nước bọt ít, quánh.

Giai đoạn lui bệnh: Bệnh tự khỏi trong vòng 10 ngày. Thường hết sốt sau 3 - 4 ngày, tuyến hết sưng trong vòng 8 - 10 ngày, hạch sưng kéo dài hơn tuyến một chút. Tuyến nước bọt không bao giờ hoá mủ (trừ khi bội nhiễm vi khuẩn) và cũng không bao giờ bị teo.

Viêm tinh hoàn: là thể thường gặp thứ hai sau viêm tuyến nước bọt mang tai. Hay gặp ở nam giới đang tuổi dậy thì hoặc đã trưởng thành (khoảng 10% - 30% số mắc bệnh quai bị). Viêm tinh hoàn thường bị một bên, ít gặp cả hai bên. Khi bị cả hai bên thì cũng sưng cách nhau 2 - 3 ngày, thường xuất hiện sau viêm tuyến nước bọt và khi các triệu chứng viêm tuyến nước bọt đã dịu đi. Thường vào ngày thứ 5 đến thứ 10 của bệnh thấy sốt xuất hiện trở lại hoặc sốt tăng lên. Có thể buồn nôn, nôn. Tinh hoàn đau, nhất là khi đi lại và to gấp 2-3 lần bình thường, sờ thấy chắc, da bìu có thể nề, căng đỏ. Trong những trường hợp nặng có thể kèm thêm viêm thừng tinh, viêm mào tinh hoàn và tràn dịch màng tinh hoàn. Thường hết sốt sau 3 - 5 ngày. Tinh hoàn giảm sưng từ từ, có thể 3 - 4 tuần sau tinh hoàn mới hết sưng đau (với thể nặng) và không bao giờ có mủ.

Tinh hoàn có bị teo hay không phải đợi khoảng hai tháng sau mới biết chắc (tỷ lệ teo tinh hoàn khoảng 5/1000), chứng vô tinh trùng rất hiếm. Chức năng nội tiết thường không bị ảnh hưởng. Theo kinh điển nếu teo tinh hoàn có thể gây các tình trạng như: Không có tinh trùng, vô sinh, chậm lớn, mất nam tính và liệt dương. Ngày nay, qua theo dõi nhiều năm, đa số các tác giả thấy rằng: Nếu teo một tinh hoàn sẽ không có ảnh hưởng gì, bên lành sẽ hoạt động bù trừ, khi bị teo cả hai bên hoặc ở người chỉ có một tinh hoàn thì tỷ lệ bị ảnh hưởng hoạt động sinh dục và vô sinh cũng thấp.

Ngoài ra có thể gặp thể viêm buồng trứng, viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim, tuy nhiên ít gặp trên lâm sàng.

Nhìn chung, quai bị là bệnh lành tính. Hãn hữu có thể có tử vong do viêm não, viêm cơ tim, viêm tuỵ. Tuy nhiên, cần chú ý phụ nữ có thai bị quai bị có thể bị sảy thai, đẻ non, ở nam giới tuổi trưởng thành nếu viêm tinh hoàn nặng cả hai bên có thể dẫn đến vô sinh.

Điều trị như thế nào?

Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, điều trị chủ yếu là nâng đỡ, tăng cường dinh dưỡng, điều trị triệu chứng. Phát hiện sớm các biến chứng như viêm tinh hoàn, viêm màng não... Điều trị cụ thể với thể viêm tuyến mang tai: xúc miệng bằng nước muối 0,9%, dung dịch axit boric 5%, hạ sốt nếu sốt quá cao, có thể dùng giảm đau (paracetamol), an thần nhẹ (rotunda), dùng các vitamin nhóm B, C, uống nước chanh, cam, ăn lỏng. Nằm nghỉ tại giường, hạn chế đi lại, trong thời gian còn sốt, còn sưng tuyến (thường là 7 - 8 ngày đầu). Cách ly tối thiểu 10 ngày. Còn với thể viêm tinh hoàn, bệnh nhân phải được nằm nghỉ tại giường khi còn sưng đau, mặc quần sịp để treo tinh hoàn; giảm đau bằng cách chườm đá, uống paracetamol, dùng 3 - 4 ngày, giảm viêm bằng thuốc cortanxy, dùng 3 - 4 ngày. Sau khi tinh hoàn đỡ sưng đau có thể dùng vitamin E từ 1 - 2 tháng để tăng sinh tinh trùng.

Nếu bệnh nhân chỉ có sưng đau tuyến nước bọt mang tai đơn thuần có thể điều trị ngoại trú theo đơn của bác sĩ. Khi đã sưng cả tuyến dưới hàm, dưới lưỡi gây khó nuốt, khó thở hay viêm tinh hoàn thì phải nhập viện điều trị ngay.

Dự phòng

- Tuyên truyền cho cộng đồng biết các dấu hiệu của bệnh, giáo dục cách phòng bệnh như: cải thiện chế độ dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, giữ gìn vệ sinh thân thể, đặc biệt đường hô hấp.

- Khi có trẻ bị bệnh phải cho nghỉ tại nhà để cách ly 10 - 21 ngày (thường là 10 ngày) để tránh lây lan cho các cháu khác.

- Tiêm phòng vaccin quai bị: đây là loại vaccin sống giảm độc lực. Vaccin có thể dùng đơn độc hoặc kết hợp các vaccin khác như vaccin tam liên MMR (Measles-mump-rubella) ngừa bệnh sởi, quai bị và sởi Đức (Rubella).

Khuyến cáo sử dụng vaccin: Trẻ 12 đến 14 tháng tuổi nên được tiêm ngừa mũi vaccin tam liên MMR, liều thứ 2 nhắc lại khi trẻ được 4 đến 6 tuổi.

Tiêm chủng quai bị rất quan trọng ở những trẻ dậy thì, thiếu niên và người trưởng thành chưa có miễn dịch chống quai bị.

Phụ nữ có thai bị bệnh nếu có điều kiện tiêm globulin miễn dịch đặc hiệu, dùng 1 liều duy nhất.
 
Theo SKDS

Liên hệ với chúng tôi

  • Số 4/9/259 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam.
  • (+84.4) 22 42 01 68 // 85 85 26 70 - Fax: (+84.4) 3650 1791
  • contact@davincipharma.com
Thời tiết hôm nay