Dị ứng thức ăn có tỉ lệ cao ở trẻ em, đặc biệt ở trẻ dưới 3 tuổi, vì hệ miễn dịch và đường ruột của trẻ còn non yếu, tính thấm của niêm mạc đường tiêu hóa cao, nếu tiếp xúc với những thức ăn có tính dị nguyên cao thì dễ phát triển thành dị ứng.
Dị ứng thức ăn là phản ứng của cơ thể đối với một số chất có trong thức ăn. Theo thuật ngữ chuyên môn, các chất này được gọi là dị nguyên.
Thành phần chủ đạo gây ra dị ứng thức ăn ở trẻ em là các chất protein trong thực phẩm. Đây là những protein không dễ bị phân hủy bởi các men phân cắt protein như protease và không dễ dàng bị biến tính bởi nhiệt độ. Vì thế mà các protein này cứ thế lọt nguyên xi qua lớp màng nhầy hệ tiêu hóa, vào tế bào ruột thậm chí là vào máu. Sự đi vào toàn vẹn này là cơ sở gây ra một đáp ứng với vật “lạ” của hệ miễn dịch. Các phân tử protein thực phẩm này kết hợp với các IgE trong dịch tiết, trong máu rồi chúng lại tiếp tục được gắn với các dưỡng bào, những tế bào có rất nhiều điểm tiếp nhận với IgE. Sự kết hợp mang tính đồng loạt, mạnh mẽ này đã làm vỡ một số lượng lớn những tế bào dưỡng bào, giải phóng ra một nồng độ cao các chất trung gian hóa học, đặc biệt là các histamin. Những chất trung gian này bắt đầu gây ra những biến đổi cơ thể, là cơ sở của bệnh dị ứng: giãn mạch khiến sung huyết, phù nề, tiết dịch, nổi mẩn, nổi ban; co thắt cơ trơn khiến đau bụng, buồn nôn, khó thở; kích thích khiến gây ngứa dữ dội mà gãi không thể hết.
Các biểu hiện
Dị ứng có thể xảy ra vài phút hoặc vài giờ sau ăn. Các triệu chứng có thể gặp: sưng, ngứa họng, miệng, đau bụng, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, hoa mắt, chóng mặt, nổi ban đỏ, ngứa trên da. Nặng hơn là khó thở, huyết áp giảm, thậm chí tử vong...
Một số trẻ xuất hiện các triệu chứng muộn (vài ngày sau khi ăn thức ăn chứa dị nguyên) gồm viêm da, hen, viêm mũi dị ứng, viêm xoang, ho dai dẳng, chảy nước mũi, táo bón, ra mồ hôi, biếng ăn, giảm tập trung và ngủ kém.
Mức độ nặng của bệnh phụ thuộc vào thời gian xuất hiện phản ứng sau khi ăn, lượng thức ăn mà trẻ đã tiêu thụ và cơ địa của trẻ.
Tuy nhiên, nên phân biệt dị ứng thức ăn với triệu chứng bất dung nạp thức ăn, ví dụ như bất dung nạp lactose. Do thiếu lactose là một loại enzym giúp tiêu hóa đường lactose trong sữa nên khi ăn sữa bò, trẻ sẽ có các triệu chứng như: nôn, buồn nôn, tiêu chảy, chướng bụng, đầy hơi, thậm chí có thể nổi ban trên da. Tuy nhiên, hệ miễn dịch không tham gia vào cơ chế của các triệu chứng trên nên chúng ta không gọi đó là dị ứng. Một số nước kém phát triển, người dân ít tiêu thụ các chế phẩm chứa đường lactose (sữa và các chế phẩm làm từ sữa) nên tuyến tiết enzym lactose bị teo, gây ra hiện tượng bất dung nạp lactose mắc phải.
Các thức ăn hay gây dị ứng là lạc, hạnh nhân, cá, hải sản, trứng (đặc biệt lòng trắng trứng), sữa... Nên nhớ rằng, hệ thống miễn dịch của trẻ cần có thời gian để hình thành phản ứng miễn dịch với dị nguyên có trong thức ăn. Chính vì thế dị ứng thức ăn ít khi xảy ra khi lần đầu tiếp xúc với loại thức ăn đó.
Tần suất xuất hiện dị ứng thức ăn?
Theo thống kê các nghiên cứu gần đây có đến 40% trẻ nhỏ có nguy cơ dị ứng thức ăn. Tỉ lệ này giảm dần theo tuổi và phụ thuộc vào sự thay đổi môi trường, thói quen ăn uống và cách sống của từng cộng đồng, cá thể.
Những trẻ nào dễ bị dị ứng?
Tỉ lệ dị ứng ngày càng gia tăng trên thế giới đặc biệt ở trẻ nhỏ. Dựa vào tiền sử bệnh dị ứng của bố mẹ, chúng ta có thể xác định được nguy cơ dị ứng của đứa trẻ ngay khi còn nằm trong bụng mẹ. Ví dụ: nếu cả hai bố mẹ cùng mắc các bệnh dị ứng thì 50 - 80% con nguy cơ mắc; nếu một trong hai bố mẹ bị dị ứng thì khoảng 20 - 40% con có nguy cơ bị dị ứng, và ngay cả khi bố và mẹ không bị dị ứng vẫn có 5 - 15 % trẻ nguy cơ mắc bệnh dị ứng.
Vậy những trẻ nào cần phải chú ý đề phòng dị ứng? Đó là những trẻ sinh ra trong các gia đình có cả bố và mẹ bị dị ứng hoặc một trong hai bố mẹ bị dị ứng. Đây được gọi là nhóm trẻ có nguy cơ cao.
Điều trị dị ứng như thế nào?
Nguyên tắc điều trị dị ứng là phát hiện ra các dị nguyên nào là nguyên nhân gây dị ứng và tránh tiếp xúc với các dị nguyên. Nhiều khi phải thay đổi thói quen ăn uống và cẩn trọng hơn trong việc sử dụng thức ăn cho trẻ.
Khi trẻ bắt đầu ăn dặm nên bắt đầu với các thức ăn ít dị ứng như gạo và các loại củ. Tránh cho trẻ dùng các loại thức ăn chế biến theo lối công nghiệp như: thịt lợn xông khói, thịt lợn muối, các chất nhuộm màu, gia vị nhân tạo.
Nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa dị ứng khi bạn nghi ngờ con mình dị ứng với một loại thức ăn nào đó. Các bác sĩ sẽ thăm khám, hỏi bệnh và có thể thực hiện một số xét nghiệm chuyên khoa như: xét nghiệm trên da của trẻ hoặc làm xét nghiệm máu để xác định một cách chắc chắn thức ăn mà trẻ bị dị ứng. Tuy nhiên, tính chính xác của xét nghiệm này chưa cao. Chính vì thế, bạn không thể dựa đơn thuần vào kết quả xét nghiệm để quyết định chế độ ăn cho trẻ. Một số xét nghiệm có độ chính xác cao hơn nhưng độ an toàn thấp hơn như test kích thích với chính loại thức ăn nghi ngờ. Nên thực hiện xét nghiệm này khi có sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa dị ứng.
Khi biết trẻ dị ứng với một loại thức ăn nào đó, nên loại bỏ nó ra khỏi thực đơn của trẻ. Không nên chế biến hoặc đựng thức ăn của trẻ trong các âu bát có dính các thức ăn mà trẻ dị ứng.
Tuy nhiên, dị ứng thức ăn không kéo dài suốt cả đời, chính vì thế bạn không cần bắt trẻ kiêng khem kéo dài một loại thực phẩm nào cả. Sau một thời gian, bạn có thể cho trẻ ăn lại thức ăn đó (ngoại trừ những món gây phản ứng dị ứng cấp tính như sốc phản vệ).
Khi dị ứng thức ăn đã được khẳng định, việc điều trị cần phải được tiến hành ngay khi có thể với hai biện pháp chủ yếu:
1 . Loại trừ những thực phẩm gây dị ứng ra khỏi chế độ ăn của trẻ.
2. Sử dụng các thuốc điều trị thích hợp cho tình trạng dị ứng.
Loại trừ khỏi chế độ ăn của trẻ các thức ăn gây dị ứng là biện pháp có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, nhằm giảm bớt mức độ và ngăn ngừa sự tái xuất hiện của các phản ứng dị ứng.
Một số thức ăn có mẫn cảm chéo với các thức ăn gây dị ứng cũng cần được loại trừ khỏi bữa ăn của trẻ, như: sữa dê với sữa bò, thịt bò (thịt bê) với thịt cừu thường mẫn cảm chéo với nhau trong 50 - 90% trường hợp, giữa các loại cá, các loại đậu cũng thường có mẫn cảm chéo với nhau. Trong những trường hợp dị ứng nhẹ, việc giảm bớt các thức ăn gây dị ứng trong chế độ ăn cũng có thể đủ để giảm thiểu các triệu chứng dị ứng, không nhất thiết phải loại bỏ hoàn toàn những thức ăn này, tuy nhiên tốt nhất vẫn là loại bỏ hoàn toàn những thức ăn này.
Với những trẻ em bị dị ứng với sữa, các bà mẹ cần lưu ý đọc kỹ thành phần của các loại sữa bột hoặc bột dinh dưỡng trước khi sử dụng cho con. Những trẻ bị dị ứng với sữa bò thường có thể sử dụng các loại sữa bột hoặc bột dinh dưỡng được sản xuất từ bột đậu nành một cách an toàn. Nếu trẻ dị ứng với cả sữa bò và bột đậu nành, các bà mẹ nên tìm các loại sữa bột với thành phần dinh dưỡng đã được thủy phân (hydrolyzed formula). Một số trường hợp dị ứng thức ăn ở trẻ em, đặc biệt là những trường hợp dị ứng xuất hiện sớm, trẻ thường giảm và mất dần tình trạng mẫn cảm với thức ăn sau một thời gian do sự dung nạp miễn dịch của cơ thể. Trong những trường hợp này, khi trẻ đã lớn có thể thử dùng lại các thức ăn đã từng gây dị ứng một cách thận trọng. Lưu ý là những trường hợp dị ứng thức ăn xuất hiện muộn hoặc dị ứng với một số loại thức ăn như: lạc, tôm, cá, tình trạng dung nạp miễn dịch này thường không xảy ra và không nên thử dùng lại các thức ăn đã từng gây dị ứng trong những trường hợp này. Tương tự, những trẻ đã từng bị sốc phản vệ do thức ăn cũng không nên thử dùng lại các thức ăn đó.
Việc loại trừ một số thức ăn khỏi chế độ ăn của trẻ có thể dẫn đến sự mất cân đối của những chế độ ăn này và gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, do đó tốt nhất các bà mẹ nên tham khảo ý kiến của các nhà dinh dưỡng học để tìm được một chế độ ăn thích hợp cho con mình, việc bổ sung các vitamin và muối khoáng có thể là cần thiết .
Sử dụng các thuốc chống dị ứng trong điều trị dị ứng thức ăn nhằm giảm bớt triệu chứng hoặc ngăn ngừa sự xuất hiện của các triệu chứng này khi trẻ bị dị ứng với nhiều loại thức ăn hoặc khi không thể tránh được thức ăn gây dị ứng. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc phải do bác sĩ chuyên khoa Nhi hay Da liễu chỉ định và theo dõi chặt chẽ.
Thức ăn hay gây dị ứng là lạc, hạnh nhân, cá, hải sản, trứng (đặc biệt lòng trắng trứng), sữa...
Theo SKDS