Tên gốc: Phenytoin
Biệt dượcDILANTIN
Nhóm thuốc và cơ chế: Phenytoin là một thuốc chống động kinh đường tiêm và uống đầu tiên được tổng hợp năm 1908.
Kê đơn: có
Dạng dùng: viên nén (hình chữ nhật; màu vàng) 50mg; viên nang (màu trắng có băng màu): 30mg (băng hồng); 100mg (băng đỏ). Thuốc cũng có ở dạng dịch treo (125mg/5ml).
Bảo quản: nên bảo quản viên nén, viên nang và dịch treo ở nhiệt độ phòng 15-30oC.
Chỉ định: mặc dù được dùng trong nhiều chứng bệnh, phenytoin chỉ được cấp phép sử dụng làm thuốc chống động kinh (chống co giật), đặc biệt là để ngăn ngừa động kinh cơn lớn và động kinh cục bộ phức tạp (động kinh tâm thần vận động). Có thể dùng thuốc riêng rẽ hoặc phối hợp với phenobarbital hay các thuốc chống co giật khác.
Cách dùng: cách dùng phenytoin rất đặc trưng cho từng bệnh nhân. Có thể dùng thuốc 1, 2 hoặc 3 lần/ngày. Liều thường được điều chỉnh để tìm ra liều tối ưu, dựa trên đánh giá nồng độ trong máu. Uống phenytoin cùng đồ ăn có thể giảm được một số tác dụng phụ. Người già, người tàn tật, và bệnh nhân bị bệnh gan hoặc bệnh thận có thể cần liều thấp hơn. Không nên dùng dịch treo cùng lúc bơm thức ăn.
Tương tác thuốc: nhiều tương tác thuốc có thể xảy ra với phenytoin. Phenytoin có thể làm tăng chuyển hóa (đào thải) nhiều thuốc, gây giảm nồng độ những thuốc đó trong cơ thể. Những thuốc có thể bị ảnh hưởng là: digoxin, carbamazepin, clonazepam, corticosteroid (như prednison), cyclosporin, disopyramid, doxycyclin, estrogen, felodipin, levodopa, lidocain, methadon, mexiletin, thuốc tránh thai uống, paroxetin, quinidin, tacrolimus, theophyllin, phenobarbital và warfarin. Phenytoin có thể tương tác với những thuốc này không chỉ khi dùng cùng nhau mà còn khi đã ngừng thuốc. Trong trường hợp sau, nồng độ các thuốc đó có thể tăng.
Chuyển hóa của phenytoin bị ảnh hưởng bởi nhiều thuốc khác. Những thuốc làm giảm lượng phenytoin trong cơ thể gồm rifampin và phenobarbital. Những thuốc làm tăng nồng độ phenytoin gồm amiodaron, chloramphenicol, cimetidin, disulfiram, fluconazol, fluoxetin, isoniazid (INH), omeprazol và paroxetin. Do đó, cần đo nồng độ phenytoin trong máu khi bệnh nhân bắt đầu hoặc ngừng dùng các thuốc khác.
Hấp thu phenytoin qua đường tiêu hóa có thể giảm do các yếu tố sau: các chất chống acid có chứa magiê, carbonat calci hoặc nhôm; muối calci hoặc các chế phẩm nuôi theo đường bơm qua ống. Dùng phenytoin cách các sản phẩm nuôi theo đường ống, chất chống acid hoặc muối calci ít nhất 2 giờ sẽ giúp tránh được tương tác này.
Đối với phụ nữ có thai: nguy cơ dị tật và khuyết tật bẩm sinh có vẻ tăng ở những phụ nữ dùng phenytoin. Do đó chỉ dùng phenytoin cho phụ nữ có thai nếu thầy thuốc cảm thấy lợi ích vượt quá nguy cơ.
Đối với bà mẹ cho con bú: Phenytoin được bài tiết vào sữa mẹ. Những người dùng phenytoin không nên cho con bú.
Tác dụng phụ: nhiều phản ứng có hại khác nhau có thể xảy ra khi điều trị phenytoin, bao gồm chóng mặt, đờ đẫn, nhìn mờ, dáng đi lảo đảo, mệt mỏi, cử động vô thức bất thường, buồn nôn, nôn, táo bón, đau bụng và chán ăn. Trẻ em và thanh thiếu niên có thể bị quá sản lợi trong khi điều trị dài ngày, cần được bác sĩ nha khoa điều trị thường xuyên. Vệ sinh răng miệng tốt và xoa bóp lợi có thể làm giảm nguy cơ. Phát ban có thể xảy ra ở 1/20 đến 1/10 số người; một số trường hợp nặng. Ngoài ra, có thể gặp sạm da (thường ở phụ nữ). Phenytoin gây mọc lông tóc bất thường ở một số bệnh nhân. Phản ứng này hay ảnh hưởng nhất đến cánh tay và cẳng chân, nhưng cũng có thể ở thân mình và mặt; có thể không hồi phục.
Đã có báo cáo về nhiều loại phản ứng hạch lympho khác nhau khi điều trị phenytoin. Hạch lympho có thể sưng, đôi khi đau. Phenytoin làm tăng đường huyết. Do đó, cần theo dõi đường huyết chặt chẽ khi dùng phenytoin ở bệnh nhân đái đường. Phenytoin có thể gây tổn thương gan mặc dù hiếm. Phenytoin có thể làm giảm số lượng tiểu cầu hoặc bạch cầu, tăng nguy cơ chảy máu hoặc nhiễm trùng. Phenytoin cũng có thể gây thiếu máu. Vì thuốc cản trở chuyển hóa vitamin D, phenytoin có thể gây yếu xương (chứng nhuyễn xương). Phenytoin có thể gây rối loạn chức năng tình dục, bao gồm giảm ham muốn, liệt dương và chứng cương dương (dương vật cương đau và kéo dài).
(Theo cimsi)