Valparin tôi là thuốc được dùng để điều trị các chứng co giật như: co giật ở trẻ em, co giật cơ, sốt cao co giật... Ngoài ra, tôi còn được dùng trong các cơn động kinh vắng ý thức, cơn động kinh co cứng toàn bộ, cơn động kinh khó chữa... Bạn nên lưu ý nhé, khi dùng tôi phải nuốt trọn viên thuốc và không được nhai vì tôi được hòa tan trong môi trường pH kiềm của ruột. Phụ nữ mang thai, người rối loạn chức năng gan và những ai quá mẫn với natri valproate thì không được dùng tôi nhé.
Khi dùng valparin cần nuốt trọn viên thuốc, không được nhai.
Valparin tôi ít gây ra các tác dụng ngoại ý trên đường tiêu hóa như: khó tiêu, buồn nôn, nôn. Tuy nhiên, ở số ít trường hợp dùng tôi có thể bị mất cảm giác đau, run, mất điều hòa trương lực cơ, rung giật nhãn cầu, nhức đầu, loạn vận ngôn, chóng mặt... Cũng có một số trường hợp khi dùng tôi bị nổi mẩn trên da và rụng tóc.
Để tránh những tương tác thuốc gây bất lợi cho sức khỏe của bạn, khi dùng tôi bạn không nên dùng cùng với các thuốc đã được khuyến cáo nhé. Tôi có thể làm gia tăng hiệu quả của các thuốc an thần kinh, chất ức chế monoamine oxidase và các thuốc chống trầm cảm khác. Nên thận trọng khi dùng tôi với các thuốc chống đông. Sự hấp thụ tôi có thể bị giảm khi dùng kèm với cholestyramine. Thuốc cimetidine kéo dài thời gian bán thải và thanh thải của valparin tôi.
Liều dùng tôi phụ thuộc vào độ tuổi và thể trọng. Do tôi cũng thuộc hàng “dễ tính” nên đã có vài trường hợp dùng tôi quá liều. Ở trường hợp nồng độ thuốc tôi trong huyết tương gấp 5-6 lần nồng độ trị liệu, hầu như không xảy ra triệu chứng gì khác ngoài chóng mặt và nôn. Nhưng khi tôi bị dùng quá liều với lượng lớn, tức khi nồng độ tôi trong huyết tương gấp 10-20 lần nồng độ trị liệu, có thể xảy ra sự ức chế thần kinh trung ương nặng và có thể suy hô hấp. Còn nếu dùng tôi quá liều với lượng lớn hơn nữa có thể bị tử vong. Cuối cùng, vì tôi là loại thuốc trị co giật nên khi dùng tôi kèm với các thuốc chống co giật khác thì liều dùng nên ở mức vừa phải, không được tự ý tăng liều và nên tuyệt đối tuân thủ chỉ định của thầy thuốc.
Theo SKDS