Dùng thuốc bằng đường uống là cách sử dụng thuốc thông dụng nhất. Tuy nhiên, thuốc là con dao hai lưỡi, nhiều tác dụng phụ của thuốc có thể gây hại cho cơ thể nếu sử dụng không đúng. Có một số thuốc gây tổn thương đường tiêu hóa ở nhiều mức độ khác nhau. Người sử dụng cần biết để phòng tránh và dùng thuốc hợp lý, an toàn.
Theo thống kê chưa đầy đủ, tỷ lệ người dùng thuốc bị tác dụng phụ trên hệ tiêu hoá vào khoảng 17-20%. Các tổn thương tiêu hoá do thuốc là rất đa dạng, bao gồm: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón, rối loạn hấp thu, rối loạn nhu động, viêm loét, chảy máu, thủng tiêu hóa, thậm chí cả ung thư...
Những thuốc gây hại hệ tiêu hóa
Thuốc chống viêm không steroid: Đứng đầu trong danh mục các thuốc gây hại nghiêm trọng hệ tiêu hoá gồm: diclofenac, indomethacin, phenybutazol, ibuprofen, entodolac, meloxicam, tenoxicam... Các thuốc này có tác dụng đặc hiệu trong bệnh viêm xương khớp: chống viêm, giảm đau và hạ sốt. Đây là những thuốc được sử dụng khá phổ biến, đặc biệt ở người cao tuổi. Các tác dụng phụ trên tiêu hóa mà nó gây ra là: viêm, loét, chảy máu, thậm chí là thủng dạ dày, ruột. Tỷ lệ bị biến chứng ước chừng cứ 100 người bị thấp khớp phải sử dụng chúng thì có khoảng 13 người bị viêm loét và chảy máu tiêu hoá. Trong số đó, piroxicam, azapropazone, tolmetin và ketoprofen thường gây hại cho đường tiêu hoá dưới như ruột non, ruột già. Biến chứng trên hệ tiêu hoá còn phụ thuộc vào nồng độ, thời gian và sự kết hợp thuốc. Càng sử dụng thuốc liều cao, phối hợp nhiều thuốc thì càng tai hại. Đặc biệt khi kết hợp giữa thuốc chống viêm không steroid và corticoid hoặc thuốc chống viêm với thuốc chống phân hủy serotonin...
Cấu tạo hệ tiêu hóa ở người.
Nhóm bisphosphat(alendrolate, pamidronate…): Là những thuốc chống loãng xương, dùng điều trị các bệnh có giảm mật độ xương như bệnh loãng xương, bệnh Paget. Thực tế cho thấy, alendrolate có thể gây viêm loét thực quản và viêm loét dạ dày trong khi đó pamidronate thì lại gây ra viêm thực quản. Sử dụng thuốc này kéo dài, không đúng dễ xuất hiện các rối loạn như bỏng rát sau xương ức, đau rát khi nuốt, kèm theo đó là những dấu hiệu rối loạn tiêu hoá, hay ợ hơi, ợ chua, hay bị đầy bụng...
Thuốc ức chế phân hủy serotonin: Là các thuốc điều trị bệnh trầm cảm. Những thuốc này ức chế các enzym phân hủy serotonin và do đó gián tiếp làm tăng nồng độ serotonin trong máu. Tuy nhiên, thuốc không chỉ tác động vào quá trình phân hủy serotonin mà còn tác động vào hệ tiêu hoá. Mặc dù cơ chế gây ra biến chứng chưa được chỉ rõ nhưng có một mức độ liên quan nhất định tới tai biến chảy máu tiêu hoá. Ước tính có khoảng 16% người uống thuốc này bị chảy máu dạ dày. Đây là một biến chứng nặng với hệ cơ quan này.
Thuốc kích thích tiêu hoá chiết xuất từ men của dạ dày, tụy: Đây thực chất là những enzym đông khô, enzym chưa hoạt động được bổ sung vào chế độ điều trị nhằm làm tăng khả năng phân giải thực phẩm. Phần nhiều những thuốc này là những men phân hủy chất đạm động vật như protease, pepsin. Những thuốc này rất có ý nghĩa khi người bệnh bị các chứng bệnh như viêm dạ dày mạn tính, viêm tụy mạn tính không còn đủ khả năng chế tiết đủ pepsin và protease nữa nhưng nó lại là kẻ thù của những người có lớp niêm mạc nhạy cảm. Khi dùng quá liều, nó có thể làm tăng nguy cơ viêm loét vì nó làm tiêu hủy lớp niêm mạc che phủ trong lòng của cơ quan tiêu hoá. Phần bị nặng nhất là dạ dày và lớp niêm mạc. Người sử dụng có nguy cơ bị viêm loét thì thuốc sẽ gây ra viêm loét. Nếu dùng thuốc cho người đang viêm loét dạ dày thì sẽ gây ra viêm loét nặng, dẫn tới biến chứng chảy máu hoặc thủng.
Kháng sinh đường uống: Điển hình là metronidazol, erythromycin, cephalosporin, spiramycin, tetracyclin... Những thuốc này có tác dụng diệt vi khuẩn gây bệnh như H. pylori trong dạ dày, Salmonella, klebshiella, đồng thời cũng diệt luôn cả vi khuẩn có lợi dẫn đến những rối loạn tiêu hoá mà thường gặp là tình trạng đi ngoài phân lỏng, nhất là ở trẻ em và người già là hai nhóm tuổi mà men tiêu hoá có sự thiếu hụt và không hoàn chỉnh.
Làm gì để giảm tác hại?
Giảm tác hại trên đường tiêu hóa của thuốc nhằm hai mục tiêu: bảo tồn chức năng bình thường cho hệ tiêu hoá đồng thời tránh những tổn thương bề mặt. Với những thuốc có thể gây viêm và loét tiêu hóa như các thuốc chống viêm không steroid, nhóm bisphosphat thì cần phải dùng kèm thuốc có các chất che phủ niêm mạc để tăng cường lớp bảo vệ cơ quan tiêu hóa. Người có tiền sử bị tác hại trên tiêu hóa do thuốc cần thông báo cho thầy thuốc để lựa chọn những thuốc an toàn nhất trong cùng một nhóm. Cần lưu ý thời điểm uống thuốc với những người bị viêm loét dạ dày tá tràng, tốt nhất nên uống trong hoặc sau bữa ăn để giảm sự kích ứng với niêm mạc. Khi có rối loạn tiêu hóa, sau khi uống kháng sinh thì nên bổ sung men vi sinh dưới dạng là các vi khuẩn đông khô như các lactobacillus. Những vi khuẩn sống này sẽ giúp hỗ trợ tiêu hoá khi mà cộng đồng vi sinh vật có lợi đang bị thiếu hụt. Trong thời gian uống thuốc, cần tránh mọi thực phẩm làm tăng nồng độ axit trong dạ dày (axit lactic, axit axetic, vitamin C )...
Theo SKDS