Có thể nói các bệnh tại mắt rất đa dạng và phức tạp. Tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của mỗi bệnh đòi hỏi việc dùng thuốc khác nhau hoặc đôi khi phải phối hợp bằng nhiều đường như uống, tiêm, tra (nhỏ) tại chỗ... Một số thuốc sau thường được dùng trong điều trị cần lưu ý.
Thuốc kháng sinh
Trong các tổn thương tại mắt, viêm có kèm nhiễm khuẩn là quá trình xảy ra phổ biến. Các tổn thương loại này phần lớn là nhiễm khuẩn trực tiếp, một phần nhỏ là quá trình viêm không do nhiễm khuẩn trực tiếp mà do cơ chế miễn dịch, dị ứng, sau đó bội nhiễm, do đó kháng sinh là thuốc dược sử dụng rất phổ biến trong nhãn khoa.
Dùng thuốc tra nhỏ mắt cần theo chỉ định của bác sĩ để phòng tránh tai biến do thuốc gây ra.
Các kháng sinh diệt khuẩn hiện được sử dụng cả đường uống và đường tiêm là các penicilin, cephalosporin, aminozid, vancomycin. Kháng sinh diệt khuẩn chỉ dùng tại chỗ (nhỏ và tra mắt) là bacitracin, neomycin và polymyxin B... Ngoài ra còn có các chế phẩm phối hợp như neomycin + polymyxin + bacitracin hoặc oxytetracyclin + polymyxin B...
Khi dùng kháng sinh nhóm aminoglycosid cần thận trọng vì chúng gây độc cho thận và tai. Không dùng cho những bệnh của thị thần kinh vì nó có tác dụng xấu lên thị thần kinh. Các sulfamid cũng là những thuốc kháng khuẩn tốt, thường dùng trong nhiễm các loại vi khuẩn Gram (+) và Gram (-) và đặc biệt trong điều trị bệnh mắt hột.
Thuốc kháng virut
Có nhiều loại virut gây bệnh trên mắt nhưng thường gặp hơn cả là Herpes simplex (gây viêm loét giác mạc tái phát), Adenovirus (gây viêm kết mạc thành dịch), Herpes zoster (còn gọi là bệnh zona)... Nhiễm virut mắt là tổn thương thường gặp trong nhãn khoa. Tùy theo từng trường hợp mà virut có thể gây tổn thương từ các tổ chức phần trước nhãn cầu (kết, giác mạc, màng bồ đào) đến các tổ chức phần sau (màng bồ đào sau, võng mạc).
Việc điều trị tổn thương do virut khá khó khăn do bệnh thường xuyên tái phát và việc dùng kháng sinh chỉ có tác dụng phòng bội nhiễm vi khuẩn mà không chống được virut.
Các chế phẩm chống virut như acyclovir, vidarabin, idoxuridin... Thuốc có tác dụng ức chế tổng hợp AND của virut nên cũng có tác động lên tế bào chủ, nhưng lượng thuốc đủ có tác dụng chống virut thấp hơn nhiều so với ngưỡng độc tính lên tế bào. Trong các loại thuốc trên vidarabin, idoxuridin có thể gây độc cho phần trước của mắt nếu dùng kéo dài. Các tổn thương do độc tính của thuốc khi dùng kéo dài là viêm kết mạc có hột, phù kết mạc nhãn cầu, co chít điểm lệ hoặc lệ quản, viêm giác mạc chấm nông biểu mô, giảm chế tiết nước mắt. Acyclovir ít gây độc cho tế bào chủ hơn vì cơ chế trực tiếp chống sự sao chép của AND virut.
Khi có vấn đề tại mắt cần đi khám để được điều trị thích hợp.
Thuốc chống nấm
Trong nhãn khoa, nhiễm nấm là nguyên nhân đứng hàng thứ hai sau vi khuẩn gây tổn thương trên giác mạc. Những năm gần đây, số lượng bệnh nhân nhiễm nấm giác mạc tăng lên và mức độ tổn thương trầm trọng hơn do việc sử dụng một cách bừa bãi thuốc kháng sinh và nhất là các thuốc tra có corticoid. Nấm thường phát triển và gây tổn thương trên giác mạc khi biểu mô giác mạc bị phá vỡ ở một vị trí nào đó do chấn thương (lá lúa, que, cọng rơm) hoặc bệnh lý khác. Tổn thương sẽ lan rộng và vào sâu trong bề dày giác mạc tạo ổ áp-xe và mủ tiền phòng. Nếu không được điều trị kịp thời và tích cực, nấm sẽ lan vào sâu gây nhiễm nấm toàn mắt, hoại tử các tổ chức nội nhãn và gây mù vĩnh viễn.
Có nhiều loại nấm gây bệnh ở mắt và có nhiều loại chế phẩm chống nấm, do vậy khi điều trị phải tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh để chọn thuốc cho phù hợp.
Các corticoid
Người ta thấy rằng hiệu quả của corticoid trong điều trị các tổn thương viêm và dị ứng tại mắt rất hiệu quả. Trong nhãn khoa, các thuốc này được sử dụng khá phổ biến, thường xuyên là vũ khí lợi hại trong điều trị các bệnh mắt. Tuy nhiên, mặt trái của thuốc này là gây nhiều tác dụng phụ nguy hiểm cho toàn thân cũng như tại mắt, thậm chí dẫn đến mù lòa do dùng không đúng chỉ dịnh hoặc thiếu thận trọng. Ngoài các biến chứng toàn thân khi sử dụng kéo dài như hội chứng Cushing, tăng huyết áp, xốp xương, chậm liền vết thương, rối loạn kinh nguyệt, tăng đường máu... thì tai biến tại mắt thường gặp nhất là làm giảm khả năng đề kháng của mắt với nhiễm khuẩn nên dễ nhiễm nấm và virut, chậm liền vết thương, đục thủy tinh thể. Đặc biệt, khi tra, nhỏ corticoid kéo dài sẽ gây ra tăng nhãn áp, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa. Mức độ tăng nhãn áp khác nhau tùy thuộc từng sản phẩm corticoid. Ví dụ: các chế phẩm như dexamethason hoặc betamethason gây tăng nhãn áp nhiều hơn những loại khác.
Vì vậy, khi dùng thuốc trị các bệnh tại mắt cần theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh không được tự ý sử dụng để tránh những tai biến do thuốc gây ra.
Theo SKDS