Vitamin B6 (pyridoxin) thuộc nhóm vitamin B, được phát hiện vào năm 1930 đến nay đã 85 năm, các công trình nghiên cứu về vitamin B6 được thực hiện cho ta thấy nhiều tác dụng quý của vitamin B6.
Các dạng thuốc vitamin B6
Vitamin B6 khi vào cơ thể được hấp thu nhanh và dự trữ phần lớn ở gan, một phần ở não và cơ; thải trừ chủ yếu qua thận dưới dạng chuyển hóa (acid 4 pyridoxic). Nếu lượng đưa vào vượt quá nhu cầu thì đào thải dưới dạng không biến đổi.
Nhu cầu vitamin B6 hàng ngày của người bình thường là: 2mg/ngày với nam và 1,6mg/ngày cho nữ. Trẻ em 0,3mg/ngày tăng dần đến 0,6mg/ngày khi trẻ lớn đến 5 tuổi. Tuổi đi học là 1mg/ngày tăng dần đến tuổi trưởng thành (1,6mg/ngày cho nữ và 2mg/ngày cho nam). Theo Cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm Anh (FSA), ngưỡng tối đa của vitamin B6 là 10mg.
Rối loạn thần kinh cảm giác do lạm dụng vitamin B6.
Chức năng của vitamin B6
Khi vào cơ thể, vitamin B6 biến đổi thành pyridoxan 5’- phosphat (PLP) một phần thành pyridoxamin 5’-phosphat (PMP) chúng hoạt động như những coenzym. Có gần 100 enzym sử dụng pyridoxan 5’- phosphat để tham gia các chuyển hóa, trong đó có chức năng tổng hợp những chất dẫn truyền thần kinh (serotonin, dopamin, taurin, norepinephrin, histamin, gamma-aminobutyric acid...) và các phản ứng chuyển hóa amino acid (là trung tâm của quá trình sinh tổng hợp và chuyển đổi các nhóm acid amin cần thiết và không cần thiết trong cơ thể) chuyển hóa lipid và glucid, tổng hợp hemoglobin, tổng hợp vitamin B3 từ tryptophan, chuyển glycogen thành glucose duy trì đường huyết/máu ổn định, bảo vệ tim mạch. Giảm lượng cholesterol/máu ở người vữa xơ động mạch. Giảm sự hình thành oxalat/máu và tống oxalat thừa ra đường tiểu chống tạo sỏi thận. Chống stress. Tăng cường hệ miễn dịch. Tăng hoạt tính của vitamin C.
Vitamin B6 là thành phần quan trọng trong phát triển bào thai và trẻ em sau khi sinh, trong đó quan trọng nhất là phát triển hệ thần kinh và não.
Vitamin B6 và methionin có tác dụng tốt trong việc giảm thiểu ung thư phổi (cho cả người nghiện thuốc lá và người không hút thuốc lá). Đó là kết quả nghiên cứu từ năm 1992 - 2000 ở 591.000 người trên 10 nước châu Âu của các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu ung thư quốc tế Lyon (Pháp).
Nguồn cung cấp vitamin B6
Vitamin B6 có nhiều trong các loại thực phẩm gồm: Thức ăn động vật như: thịt bò, thịt gia cầm, thịt lợn, trứng, cá... Thức ăn thực vật như: ngũ cốc nguyên hạt, khoai tây, đậu nành, đậu hạt, lạc, cà rốt, cải bắp, súp lơ, chuối, dưa hấu,... (các thực phẩm này nếu bảo quản lâu, hầm nhừ, đông lạnh hoặc là đồ hộp sẽ mất nhiều vitamin B6 và các loại vitamin khác).
Một số vi khuẩn đường ruột cũng tổng hợp được vitamin B6, đáp ứng một phần nhu cầu của cơ thể.
Do đó, lượng vitamin B6 trong thức ăn hàng ngày nếu khéo sử dụng (loại có nguồn gốc thực vật) cũng đủ cho nhu cầu cơ thể của người bình thường.
Nhiều nhà khoa học đề xuất ý kiến: nên bổ sung pyridoxin vào khẩu phần ăn: liều trên 1mg/ngày (cho người lớn) để giúp sự chuyển hóa được bình thường và trên 25mg cho người có PLP/huyết tương giảm do rối loạn chức năng chuyển hóa trong cơ thể.
Những trường hợp cần bổ sung vitamin B6
Phụ nữ thời kỳ mang thai hoặc cho con bú, trẻ em chậm lớn, người già, khi ăn nhiều protein, vận động viên tập luyện, ăn mất ngon, uể oải, mất ngủ, uồn nôn.
Những người rụng lông tóc, thiếu máu nhược sắc, cơ thể dễ bị kích thích, rối loạn tâm thần, co giật, động kinh, tổn thương niêm mạc miệng, viêm lưỡi, viêm da, tăng tiết bã nhờn, nhiễm độc thai nghén, bỏng nặng, cắt dạ dày, cường giáp, suy tim sung huyết, sốt kéo dài, nhiễm khuẩn nặng, nghiện thuốc lá, thuốc lào hoặc thường xuyên phải ngửi khói thuốc. Các trường hợp: viêm thần kinh thị giác do rượu, viêm thần kinh ngoại vi;
Rối loạn chuyển hóa bẩm sinh; rối loạn hấp thu, có những trường hợp phải bổ sung vitamin B6 suốt đời (trẻ em bị co giật do lệ thuộc pyridoxin. Người thiếu máu nguyên bào sắt di truyền).
Rối loạn do thuốc: thuốc tránh thai uống cho nữ. Vitamin B6 điều trị ngộ độc isoniazid (bị co giật hoặc hôn mê); hoặc ngộ độc penicilamin, quá liều cycloserin, ngộ độc hydralazin cấp.
Vitamin B6 dùng hỗ trợ điều trị ngộ độc cấp do nấm thuộc chi Giromitra (để chống các tác hại trên thần kinh như co giật, hôn mê); hỗ trợ điều trị đau do thần kinh (kết hợp B1, B6 và B12 liều cao dạng tiêm).
Pyridoxin làm giảm tác dụng của levodopa trong điều trị bệnh Parkinson.
Tác hại do sử dụng quá liều vitamin B6: quá 100mg/ngày sẽ tổn hại thần kinh. Các trường hợp dùng liều dưới 100mg/ngày, nếu thấy tê chân, tay hoặc mất cảm giác là tín hiệu báo phải giảm liều.
Theo SKDS