DẤU HIỆU NGHI NGỜ VÀ CÁC PHƯƠNG PHÁP PHÁT HIỆN BỆNH LAO
1. Dấu hiệu nghi ngờ
Một người bị nghi ngờ mắc bệnh lao khi:
- Sống ở môi trường ẩm thấp, có nhiều người mắc bệnh lao.
- Gầy sút cân, ăn uống kém, người mệt mỏi.
- Ho không rõ nguyên nhân kéo dài, điều trị bằng các loại thuốc ho, kháng sinh không khỏi.
- Hay ra mồ hôi trộm.
2. Các phương pháp phát hiện lao
Có 2 phương pháp phát hiện bệnh lao: phát hiện chủ động và phát hiện thụ động.
Chủ động hay thụ động là đối với người thầy thuốc, không phải là đối với người bệnh.
Phát hiện chủ động
Người thầy thuốc, người cán bộ y tế chủ động đưa các phương tiện phát hiện bệnh (kính hiển vi, máy chụp X-quang) tới xã, phường, thôn bản, chủ động phát hiện lao: chụp X-quang, lấy đờm tìm trực khuẩn lao cho tất cả mọi người.
Phương pháp phát hiện chủ động (cán bộ y tế chủ động, đối tượng được phát hiện thụ động) rất tốn kém vì phải tiến hành trên rất nhiều người để có thể tìm ra một số rất ít người mắc bệnh như kiểu mò kim dưới đáy biển.
Ví dụ tỷ lệ mắc lao là một phần ngàn thì phải tiến hành trên một ngàn người để có thể tìm ra một người mắc bệnh (có trực khuẩn lao trong đờm). Do vậy khó có thể tiến hành được trên diện rộng, khó có thể làm thường xuyên. Hiệu quả của công tác phát hiện lại không cao.
- Phát hiện thụ động
Người bệnh nghi mình mắc lao khi có các triệu chứng hô hấp như ho, sốt kéo dài, khạc máu, gầy sút cân v.v... tự chủ động tới cơ sở y tế để khám bệnh và làm xét nghiệm phát hiện bệnh.
Cơ sở y tế phát hiện bệnh cho người bệnh một cách thụ động. Số người phải phục vụ ít hơn rất nhiều so với phương pháp phát hiện chủ động nhưng hiệu quả rất cao vì số người đến đã được sàng lọc chỉ tiến hành trên những người thực sự có triệu chứng. Sự tốn phí cũng ít hơn rất nhiều nên có thể tiến hành trên những địa bàn rộng rãi thời gian có thể kéo dài.
Muốn phát hiện thụ động có hiệu quả cao công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe phải được làm tốt cho mọi người biết được càng nhiều, càng chỉ tiết những dấu hiệu chính của lao phổi càng tốt với cách truyền thông gọn gàng, đơn giản dễ nhớ.
Khi phát hiện được người lao phổi có trực khuẩn lao trong đờm, cơ sở y tế phải tiến hành khám cho mọi người trong gia đình bệnh nhân ngoài việc phải xét nghiệm đờm tìm trực khuẩn lao đối với bất kỳ người nào đến khám vì nghi mắc lao hoặc có hình ảnh X-quang phổi bất thường.
(Theo cimsi)