Về chúng tôi

Mạng Yhocsuckhoe.com được điều hành bởi Dược phẩm Davinci Pháp. Chúng tôi luôn nỗ lực góp phần mang lại những giá trị thiết thực vì sức khỏe cộng đồng  Việt.

Tình hình bệnh lao

1. Tình hình bệnh Lao ở Việt Nam

Ở nước ta, bệnh lao còn phổ biến và ở mức độ trung bình cao. Việt Nam đứng thứ 13 trong 22 nước có số bệnh nhân lao cao trên loàn cầu, (TCYTTG, 2004). Trong khu vực Tây - Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ ba sau Trung quốc và Philipinnes về số lượng bệnh nhân lao lưu hành cũng Như bệnh nhân lao mới xuất hiện hàng năm.

Bệnh nhân lao

Năm 1995, trước những biến động xấu đi của tình hình dịch tễ bệnh lao toàn cầu, công tác chống lao thực sự bắt đầu phải đối mặt với những thách thức mới là bệnh lao kháng thuốc và Lao/HIV, Nhà nước và Bộ Y tế Việt nam đã quyết định đưa Chương trình chống lao thành một trong những Chương trình y tế Quốc gia trọng điểm. Cùng với sự đầu tư phát triển các Chương trình y tế quốc gia nói chung, Bộ Y tế và Chính phủ đã ưu tiên đầu tư đồng bộ lượng rất lớn cán bộ, kinh phí và trang thiết bị cho Chương trình chống lao. Ban chỉ đạo chương trình chống lao và Chính quyền địa phương các cấp đã tham gia tích cực triển khai công tác này, cùng với sự hợp tác và giúp đỡ có hiệu quả về tài chính và kỹ thuật của các tổ chức Quốc tế.

Năm 1996, Chương trình chống lao quốc gia với sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của Chính phủ Hà Lan, Hiệp hội chống lao Hoàng gia Hà Lan, Uỷ ban hợp tác y tế Hà Lan - Việt nam, CTCLQG đã hình thành và xây dựng kế hoạch phòng chống lao giai đoạn 1996-2000. Đến năm 1999, chiến lược DOTS (điều trị bằng hoá trị liệu ngắn ngày có kiểm soát trực tiếp) đã được bao phủ 100% số huyện trên cả nước.

Trong giai đoạn 1997-2002, CTCLQG dã phát hiện được 532.703 bệnh nhân lao các thể, tỷ lệ phát hiện đạt 82% số bệnh nhân ước tính (so với mục tiêu của TCYTTG là 70%), CTCLQG đã điều trị 260.698 bệnh nhân lao phổi AFB(+) với tỷ lệ khỏi là 92%.

Năm 2002, khu vực Tây-Thái Bình Dương phát hiện 806.460 bệnh nhân lao các thể, 372.220 bệnh nhân lao phổi AFB(+) mới. Trong đó, số bệnh nhân do CTCLQG Việt nam phát hiện chiếm 12% bệnh nhân các thể và 15% số bệnh nhân lao phổi AFB(+) mới.

Với những kết quả đạt được trong chỉ tiêu phát hiện và điều trị bệnh nhân, năm 1996, Việt nam là nước đầu tiên ở Châu Á đã đạt được mục tiêu của TCYTTG. Việt nam đã được TCYTTG và Ngân hàng thế giới đánh giá cao thành tích đạt được trong mọi hoạt động chống lao. Từ năm 1997, TCYTTG và Hiệp hội Bài lao và Bệnh phổi Quốc tế cùng phối hợp với CTCLQG Việt Nam tổ chức 8 khoá học về quản lý Chương trình chống lao cho các học viên quốc tế tại Việt Nam. Mô hình hoạt động chống lao ở Việt nam được xem là mô hình để học viên các nước học tập.

Vì là một trong số ít nước sớm nhất đạt được các mục tiêu phòng chống lao do TCYTTG đề ra, những kết quả đạt được có tính bền vững, nên tháng 10 năm 2003 vừa qua CTCLQG Việt Nam đã nhận được giải thưởng của Hội Chống lao Hoàng gia Hà lan (KNCV) nhân lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập tổ chúc này.

Nhân ngày Thế giới Chống lao, 24/3/2004, tại Diễn đàn các Đối tác chống lao lần thứ 2 do TCYTTG tổ chức tại New Dehli, CTCLQG Việt Nam là một trong 6 nước trên thế giới (bao gồm: Việt Nam, Pêru, Madives, Cuba, Tunisia và Morocco) và là nước duy nhất trong 22 nước có gánh nặng bệnh lao cao được nhận giải thưởng của TCYTTG về thành tích đã đạt được mục tiêu của TCYTTG và kết quả có tính bền vững trên 4 năm.

Hiện nay nguy cơ nhiễm lao hàng năm ở nước ta ước tính là 1,5% (ở các tỉnh phía Nam là 2%, ở các tỉnh phía Bắc là 1%).

Ước tính với dân số 70-80 triệu, hàng năm ở nước ta có:

Số mới mắc lao (mọi thể):130.000
Số lao phổi BK dương tính mới:60.000
Tổng số trường hợp lao:260.000
Tổng số lao phổi BK dương tính:120.000

Nước ta thuộc loại trung bình về dịch tễ lao so với các nước vùng Tây Thái Bình Dương là vùng dịch tễ lao vào loại trung bình trên thế giới.

Trên thực tế có thể chỉ số nguy cơ nhiễm lao hàng năm có thể cao hơn 1,5% như vậy các con số nêu trên có thể còn lớn hơn. Điều đó sẽ tăng thêm sự khó khăn đối với công tác chống lao không những trong những năm tới mà có thể còn trong thời gian khá dài, ngay cả khi đã bước sang thiên niên kỷ mới.

2. Tình hình Lao/HIV tại Việt Nam

Qua theo dõi một số địa phương cho thấy xu hướng tăng số lượng bệnh nhân Lao/HIV hàng năm. Số lượng bệnh nhân Lao/HIV tăng sẽ làm tăng gánh nặng và giảm hiệu quả của CTCLQG vì việc chẩn đoán bệnh lao ở người HIV(+) khó khăn hơn, tỷ lệ tử vong trong số bệnh nhân Lao/HIV cao hơn sẽ làm giảm kết quả điều trị khỏi bệnh của Chương trình.

Theo số liệu giám sát trọng điểm của Chương trình HIV/AIDS cho thấy tỷ lệ HIV(+) trong số bệnh nhân lao năm 2002 trên cả nước khoảng 3.2%, trong đó có 10 tỉnh > 3% (Hồ Chí Minh 9,4% và An Giang 4,8%).

3. Tình hình lao trên thế giới
a. Tình hình bệnh lao

Bệnh lao gắn liền với sự phát triển xã hội loài người từ hàng ngàn năm nay, trên thế giới chưa bao giờ và không có một quốc gia nào, một khu vực nào, một dân tộc nào không có người mắc bệnh lao và chết do lao. Do sự phát minh các thuốc hóa học chống lao khiến việc chữa lao đơn giản hơn và hiệu quả hơn, đồng thời đã phát sinh tâm trạng lạc quan của y giới, đã làm lãng quên căn bệnh nguy hiểm này. Ngày nay, bệnh lao đang xuất hiện trở lại và cùng với đại dịch HIV/AIDS trở thành một trong những căn nguyên gây mắc bệnh và tử vong chủ yếu, đặc biệt tại các nước đang phát triển.

Năm 1993, Tổ chức Y tế thế giới (TCYTTG) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu của bệnh lao và mối hiểm hoạ của nó trong tương lai là bệnh lao kháng thuốc.

Hiện nay, trên thế giới có khoảng 2,2 tỷ người đã nhiễm lao (chiếm 1/3 dân số thế giới). Theo số liệu công bố của Tổ chức Y tế thế giới (TCYTTG, 2004), ước tính trong năm 2003 có thêm khoảng 9 triệu người mắc lao mới và 2 triệu người chết do lao. Khoảng 95% số bệnh nhân lao và 98% số người chết do lao ở các nước có thu nhập vừa và thấp, 75% số bệnh nhân lao cả nam và nữ ở độ tuổi lao động. Trong đó, có khoảng 80% số bệnh nhân lao toàn cầu thuộc 22 nước có gánh nặng bệnh lao cao.

Hiện nay, tỷ lệ điều trị thành công trên toàn cầu đạt 82%, nhưng tỷ lệ phát hiện chỉ đạt 37% số bệnh nhân ước tính. Như vậy, còn rất nhiều bệnh nhân lao không được chữa trị đang tiếp tục lây bệnh cho cộng đồng, và theo ­ước tính của TCYTTG, mỗi năm có thêm 1% dân số thế giới bị nhiễm lao (65 triệu người).

Hơn 33% số bệnh nhân lao toàn cầu tại khu vực Đông-Nam Châu Á. Dưới đây là ước tính tỷ lệ mắc và tử vong do lao ở các khu vực (TCYTTG, 2004)

Ước tính bệnh nhân lao mới mắc năm 2002 theo khu vực (TCYTTG)

Khu vực Số BN (nghìn) Tỷ lệ/100 000 Tử vong do lao (bao gồm cả nhiễm HIV)
 Các thể AFB (+) Các thể AFB (+) SL (nghìn) TL/100000
Châu Phi 2354 (26%) 1000 350 149 556 83
Châu Mỹ 370 (4%) 165 43 19 53 6
Trung Đông 622 (7%) 279 124 55 143 28
Châu Âu 472 (5%) 211 54 24 73 8
Đông nam Châu Á 2890 (33%) 1294 182 81 625 39
Tây Thái Bình Dương 2090 (24%) 939 122 55 373 22
Toàn cầu 8797 (100%) 3887 141 63 1823 29

Mức độ nặng nề của bệnh lao đã ảnh hưởng tới thu nhập quốc dân và chỉ số phát triển con người của các quốc gia. Các nghiên cứu về kinh tế y tế cho thấy, mỗi bệnh nhân lao sẽ mất trung bình 3-4 tháng lao động, làm giảm 20-30% thu nhập bình quân của gia đình. Những gia đình có người chết sớm vì bệnh lao có thể sẽ mất tới 15 năm thu nhập. Bệnh lao đã tác động mạnh tới 70% đối tượng lao động chính của xã hội, làm lực lượng sản xuất bị giảm sút, năng suất lao động giảm và mùa màng, chợ búa sẽ không tham gia được. Diễn đàn các Đối tác chống lao lần thứ nhất diễn ra năm 2001 tại trụ sở của Ngân hàng thế giới ở Washington D.C với sự có mặt của đại diện cấp Bộ trưởng từ các quốc gia có tình hình bệnh lao nặng nề đã nhận định, bệnh lao là nguyên nhân chủ yếu làm nghèo đói dai dẳng và là trở ngại đối với sự phát triển kinh tế xã hội.

Bệnh lao là bệnh của người nghèo, lây lan nhanh trong cộng đồng có điều kiện sống chật chội, thiếu vệ sinh, thông khí và dinh dưỡng kém. Trên 95% số bệnh nhân lao, 98% số chết do lao trên toàn cầu thuộc các nước có thu nhập vừa và thấp, 75 % số người mắc bệnh lao ở các lứa tuổi 14-55, là tuổi làm ra nhiều của cải nhất trong cuộc đời.

Bệnh lao là kết quả của nghèo đói và nghèo đói lại là nguyên nhân làm cho bệnh lao phát triển.

b. Bệnh lao và HIV/AIDS

Theo TCYTTG đến cuối năm 2002, trên thế giới có 42 triệu người nhiễm HIV, trong đó 50% đồng nhiễm lao.

HIV là yếu tố nguy cơ làm cho người nhiễm lao phát triển thành bệnh lao, nguy cơ đó cao gấp 30 lần so với người HIV (-). Đại dịch HIV/AIDS đã làm tăng ít nhất 30% số bệnh nhân lao trên loàn cầu, bệnh lao là nguyên nhân gây lử vong cho 1/3 số bệnh nhân HIV trên toàn cầu, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho những người HIV (+). Như vậy, đại dịch HIV đang làm tăng thêm gánh nặng đồng thời làm giảm hiệu quả của Chương trình chống lao.

TCYTTG và nhiều đối tác đang kêu gọi tăng cường sự hợp tác và liên kết giữa Chương trình chống lao quốc gia và Chương trình HIV/AIDS, đặc biệt là ở Cam-pu-chia, Trung Quốc, Pa-pua-Niu-Ghi-nê và Việt Nam, là những nơi có số người đồng nhiễm Lao/HIV đang gia tăng. Nghiên cứu về tỷ lệ HIV trong số bệnh nhân lao tại Cam-pu-chia năm 2003 cho thấy lại thủ đô Phnom Penh, tỷ lệ bệnh nhân lao có HIV (+) tăng gần gấp 3 lần so với năm 1995 (từ 11% năm 1995 lên 31% năm 2003).

c. Tình hình bệnh lao kháng thuốc

Theo TCYTTG, hiện nay bệnh lao kháng thuốc là một vấn đề toàn cầu, đặc biệt nghiêm trọng là tình hình kháng đa thuốc. Bệnh lao kháng thuốc xuất hiện khi có vi khuẩn lao kháng với một hoặc nhiều loại thuốc chống lao, nguyên nhân là do bệnh nhân không hợp tác, không luân thủ đúng nguyên tắc điều trị được quy định của CTCL, một nguyên nhân khác hay gặp là do thầy thuốc kê đơn không đúng do không phối hợp đầy đủ các thuốc chống lao, liều lượng thuốc không đủ, hướng dẫn bệnh nhân không đúng cách, điều trị không đủ thời gian, ...

Kết quả điều trị với bệnh nhân kháng thuốc thường không cao, nhất là đối với bệnh nhân kháng đa thuốc. Chi phí điều trị bệnh nhân lao kháng đa thuốc tăng lên 100 lần so với bệnh nhân lao không kháng thuốc và thậm chí không điều trị được ở một số trường hợp.

Tỷ lệ kháng đa thuốc trong bệnh nhân lao mới ở khu vực Tây Thái Bình Dương dao động trong khoảng 0% đến 10,8% (theo một số nghiên cứu trong khu vực).

(Theo cimsi)

Liên hệ với chúng tôi

  • Số 4/9/259 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam.
  • (+84.4) 22 42 01 68 // 85 85 26 70 - Fax: (+84.4) 3650 1791
  • contact@davincipharma.com
Thời tiết hôm nay