Vắcxin Quinvaxem: tái sử dụng và tăng cường theo dõi sau tiêm chủng
Ngày 20.6, bộ Y tế đã họp báo công bố việc tái sử dụng vắcxin Quinvaxem sau hai tháng tạm ngưng. Trước đó, chỉ mấy tháng đầu năm 2013, đã có năm ca tử vong sau khi sử dụng vắcxin này. TS Trần Đắc Phu, phó cục trưởng cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) cho biết hội đồng chuyên môn của bộ Y tế đã thống nhất để sử dụng lại vắcxin 5 trong 1 Quinvaxem.
Bộ Y tế sẽ báo cáo với Chính phủ đề xuất cho phép sử dụng lại vắcxin 5 trong 1 Quinvaxem. Sau khi có văn bản đồng ý của Chính phủ, bộ Y tế sẽ có kế hoạch truyền thông. Trong lúc này, ngành y tế cũng có chuẩn bị để việc tiêm lại được tốt.
Sở dĩ đưa ra quyết định này, TS Nguyễn Trần Hiển, viện trưởng viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trưởng ban quản lý dự án tiêm chủng mở rộng, cho biết sau khi tạm ngừng sử dụng vắcxin Quinvaxem, bộ Y tế đã phối hợp với tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiến hành một số biện pháp cần thiết và các kết quả đánh giá đều khẳng định, từ năm 2010 (Việt Nam bắt đầu đưa vắcxin 5 trong 1 Quinvaxem vào tiêm miễn phí cho trẻ) đến nay, có 43 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm, trong số này 27 trường hợp tử vong không liên quan đến tiêm chủng. Có chín trường hợp có thể coi là có liên quan đến tiêm vắcxin, nhưng đều hồi phục. Các trường hợp còn lại đều xác định không liên quan đến tiêm chủng và chất lượng vắcxin. Hiện không có bất kỳ dấu hiệu nào liên quan đến tính an toàn của vắcxin và kỹ thuật tiêm chủng.
TS Takeshi Kasai, trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cũng khẳng định: “Dù là vắcxin tốt nhất thì cũng có một tỷ lệ nhất định có tai biến, nếu có thì thường nhẹ, có thể xử lý tại cơ sở y tế, những tai biến nặng rất hiếm gặp. WHO vẫn khuyến nghị rất mạnh mẽ việc tiêm chủng, vì nó giúp và mang lại sự an toàn lớn hơn rất nhiều trong việc phòng chống các bệnh truyền nhiễm, so với các tai biến có thể có trong quá trình tiêm chủng”. Băn khoăn trước việc tại Hàn Quốc – nơi sản xuất vắcxin này – đã không sử dụng Quinvaxem trong khi Việt Nam vẫn cho tiếp tục dùng, TS Takeshi Kasai cho biết Hàn Quốc có lịch tiêm chủng vắcxin khác với các nước khác. Ngoài ra, viêm gan ở Hàn Quốc cũng khác với các quốc gia, vì vậy, họ tiêm phòng viêm gan và các bệnh khác theo chu trình khác nhau nên họ không sử dụng loại vắcxin như Việt Nam.
Việc tái sử dụng vắcxin này được dự tính trong vòng một tháng nữa. TS Nguyễn Trần Hiển cũng khẳng định, khi chúng ta tái sử dụng vắcxin, chúng ta nhìn thấy trước sẽ có những trường hợp có phản ứng phụ không mong muốn. Mỗi năm có khoảng 22.000 trẻ dưới một tuổi tử vong do nhiều nguyên nhân. Vì thế, WHO khuyến nghị Chính phủ và bộ Y tế tiếp tục nâng cao chất lượng và tính hiệu quả của các biện pháp theo dõi sau tiêm chủng, để phát hiện sớm và điều trị kịp thời những trường hợp phản ứng nặng sau tiêm.
Theo GGTT