Tại Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam vừa được tổ chức chiều 1/7, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận do chất lượng khám chữa bệnh chưa đáp ứng nhu cầu như thủ tục phiền hà, phân biệt đối xử khi khám bệnh bằng bảo hiểm y tế (BHYT), quá tải ở tuyến trên… nên khiến nhiều người dân không thiết tha với BHYT.
Theo thống kê, việc khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến đang tiếp tục tăng. Năm 2010, 9 triệu lượt còn năm 2012 tăng lên 11 triệu người. Tình trạng này cho thấy người bệnh không tin tưởng vào chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới, buộc phải vượt tuyến dù được thanh toán BHYT ít hơn (30% tiền viện phí).
Tính đến hết tháng 5/2013, số người tham gia (BHYT) là 62 triệu người chiếm 68% dân số. Năm 2012, người cận nghèo được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng BHYT để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế thôn qua BHYT. Tuy nhiên, nhiều hộ vẫn thờ ơ với chính sách này. Toàn xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp có hơn 800 người cận nghèo nhưng chỉ có 87 người mua BHYT.
Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, chi phí y tế rất đắt, không có bảo hiểm y tế khả năng chi trả của người dân rất khó khăn. Vì thế, mục tiêu trong thời gian tới là tăng tỷ lệ bao phủ của bảo hiểm. Bộ y tế sẽ dây dựng đề án thí điểm toàn quốc một số sử dụng phổ biến, chọn khoảng 5-7 loại tương đương với 150-200 tên thuốc, như thế sẽ kiểm soát khoảng 20-25% tổng chi phí. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng cần nâng cao chất lượng dịch vụ của tuyến dưới bằng cách mở rộng danh mục thuốc ở tuyến dưới, đề xuất Chính phủ cho phép với các bệnh thông thường giá ở tuyến trên và dưới bằng nhau.
Sau 4 năm triển khai thực hiện luật, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đã tăng lên nhưng còn thấp. Người thuộc hộ cận nghèo dù đã được ngân sách hỗ trợ 70% mức đóng nhưng cũng chỉ đạt 20% số người tham gia. Nhóm tự nguyện tham gia đạt 25%, vẫn còn tình trạng “lựa chọn ngược”, chỉ có người ốm, người bị bệnh mới tham gia bảo hiểm y tế.
Vụ trưởng BHYT (Bộ Y tế) , bà Tống Thị Song Hương cho biết hạn chế của Luật BHYT sẽ được sửa đổi để mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHYT trong thời gian tới. Hiện nay, dù BHYT mang lại nhiều lợi ích, giúp giảm bớt tiền viện phí cho người dân song do chất lượng khám chữa bệnh chưa đáp ứng được nhu cầu nên sau 4 năm Luật BHYT được ban hành (từ 1/7/2009), nhiều người dân vẫn “thờ ơ” với loại hình dịch vụ này. Nhiều người cảm thấy khi sử dụng loại hình dịch vụ này vừa phải mất thời gian chờ đợi vừa không đảm bảo chất lượng khi có bác sỹ cũng không “mặn mà” với người dân khi dùng BHYT. Do đó, nếu muốn người dân tin tưởng sử dụng loại hình dịch vụ này thì cần cải tiến quy trình khám chữa bệnh cũng như chất lượng ở mỗi bệnh viện.
*Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 1/7 hàng năm là Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức, vai trò và trách nhiệm của các ngành, các cấp, các đơn vị và toàn dân trong công tác BHYT, góp phần quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Theo VNmedia