Nhiều ổ dịch sốt xuất huyết, với hàng ngàn ca mắc đã xuất hiện ở nhiều tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Khánh Hòa là một trong những tỉnh có số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tăng cao nhất. Tính từ đầu năm đến nay, Khánh Hòa có không dưới 2.000 ca mắc SXH, tăng gấp vài chục lần so với cùng kỳ năm ngoái và đã có 2 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2012, số ca mắc SXH ở Khánh Hòa tăng 430% và là địa phương dẫn đầu miền Trung, đứng thứ tư cả nước về tỷ lệ mắc SXH/100.000 dân.
Ông Lâm Quang Chứng - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết, dù ngành y tế Khánh Hòa đã thực hiện rất tích cực nhiều biện pháp, song diễn biến dịch bệnh SXH ở tỉnh này vẫn rất phức tạp. Từ tháng 1 đến tháng 3/2013, dịch có xu hướng giảm nhưng không bền vững, vẫn vượt ngưỡng chuẩn và từ tháng 4/2013 đến nay thì có xu hướng tăng trở lại. Hiện tỉnh Khánh Hòa đang nỗ lực tìm giải pháp hữu hiệu để kéo giảm số ca mắc SXH .
Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cũng vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tăng cường các giải pháp phòng chống dịch SXH. Tại Phú Yên, tuy chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào do SXH từ đầu năm đến nay, song thống kê của ngành y tế Phú Yên cho thấy, số ca mắc SXH tăng rất cao. Tính đến trung tuần tháng 6/2013, toàn tỉnh Phú Yên có 579 ca mắc SXH, tăng gần 470% so với cùng kỳ năm ngoái. Toàn tỉnh đã xuất hiện 22 ổ dịch SXH tại 13 xã, phường, thị trấn, tăng gần 270% số ổ dịch so với cùng kỳ năm 2012. Theo UBND tỉnh Phú Yên, tình hình SXH trong tỉnh có nguy cơ bùng phát thành dịch.
Tây Nguyên đang vào mùa mưa, đây là điều kiện thuận lợi cho đàn muỗi truyền bệnh SXH phát triển và lan rộng; trong khi đó, bệnh SXH vẫn chưa có vaccin phòng bệnh. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đăk Lăk, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có 800 ca bệnh SXH ghi nhận tại 13 huyện, thị xã, thành phố; phát hiện 28 ổ dịch tại 7 huyện, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2012. BS. Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đăk Lăk cho biết, số ca SXH đã tăng đột biến từ nửa cuối tháng 4 đến nay. Mặc dù đến nay chưa có trường hợp mắc SXH nào tử vong nhưng ghi nhận tại BVĐK tỉnh Đăk Lăk cho thấy, có nhiều ca SXH nhập viện trong tình trạng bị biến chứng nặng, sốc, nhất là đối với các ca bệnh nhi bị SXH (thể SXH Dengue nặng). Bệnh SXH ở Đăk Lăk sẽ diễn biến phức tạp vào thời gian tới, khi mùa mưa, Tây Nguyên bước vào giai đoạn đỉnh điểm. Theo nhận định của ngành y tế Đăk Lăk, bệnh SXH tăng đột biến tại Đăk Lăk trong thời gian qua một phần là do tâm lý còn chủ quan, lơ là của người dân. Theo kết quả cuộc kiểm tra mới đây của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đăk Lăk, trên 70% các dụng cụ có chứa nước, đồ phế thải... xung quanh nhà dân có lăng quăng (bọ gậy) sinh sống, đây là tiền đề cho muỗi mang mầm bệnh SXH phát triển và phát tán mạnh trên diện rộng. Nhằm hạn chế SXH đang lây lan tại Đăk Lăk hiện nay, ngành y tế tỉnh đã thành lập các ban chỉ đạo phòng chống SXH 3 cấp: tỉnh, huyện, xã; thành lập các tổ diệt lăng quăng, phát quang bụi rậm tại các thôn, buôn, tổ dân phố... Cùng với việc chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị phòng chống bệnh SXH, ngành y tế Đăk Lăk cũng đã chuẩn bị thuốc men, trang thiết bị phòng chống SXH và cử cán bộ y tế xuống tận các điểm nóng về SXH để chỉ đạo kỹ thuật và trực tiếp phòng chống SXH. Ngành y tế tỉnh Đăk Lăk cũng phối hợp với các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền tăng cường công tác truyền thông phòng chống SXH đến từng hộ gia đình, nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng chống SXH đang diễn biến ngày một phức tạp.
Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, hiện nay đang bước vào mùa mưa, là thời điểm thuận lợi cho các loại dịch bệnh truyền nhiễm phát triển mạnh, đặc biệt là bệnh SXH. Hơn 2 tháng trở lại đây, tình hình dịch bệnh này đang có chiều hướng gia tăng tại một số địa phương trong tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2013, số ca mắc SXH toàn tỉnh đã lên tới trên 800 ca, trong đó, địa phương có số ca mắc cao nhất là thành phố Biên Hòa trên 300 ca, Trảng Bom và Long Thành trên 100 ca... Trước tình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các ngành chức năng phát động phong trào mỗi người, mỗi cơ quan tổ chức, ban, ngành, đoàn thể với tinh thần và trách nhiệm nêu cao ý thức, vai trò trong công tác phòng chống SXH; chuyển từ ứng phó sang sẵn sàng bằng những việc làm cụ thể, thực hiện phương châm “Không có lăng quăng, không có SXH”.
Theo đánh giá của y tế các địa phương, SXH hiện đang tăng nhanh là do sự biến đổi của thời tiết và sự chủ quan của người dân. Trong những ngày gần đây, thời tiết ở các tỉnh miền Trung, Đông Nam Bộ có mưa sau đợt khô hạn, khiến muỗi rất dễ sinh sôi làm gia tăng nguy cơ bệnh SXH.