Để có thể xác định chính xác sự có mặt của giun lươn trong cơ thể hay không, người bệnh cần phải được tiến hành xét nghiệm phân.
Chạm đất, ăn hải sản... vô tình nhiễm giun lươn
Trường hợp anh Viết Điền, 42 tuổi ngụ tại ấp 6, xã Minh Lập tỉnh Bình Phước bị nhiễm giun đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của mọi người bởi lẽ anh đang vô cùng khỏe mạnh hơn 70 cân bỗng một ngày da mặt bỗng đen sạm, toàn thân da bị lột thành từng mảng, cân nặng bị sụt giảm nghiêm trọng còn 30 cân.
Sau khi tiến hành hàng loạt xét nghiệm, các bác sĩ mới phát hiện ra anh bị nhiễm 4 loại ký sinh trùng, chúng chính là nguyên nhân phá hoại cơ thể anh tới mức này. 4 loại ký sinh trùng gồm: Amip lỵ, giun lươn, giun đũa, sán.
Gần đây hơn là trường hợp nhiễm giun của bệnh nhân Lê Lan, 41 tuổi ngụ tại Khương Đình, Hà Nội. Chị vào viện trong tình trạng chân tay có hiện tượng xuất huyết, ký sinh trùng bò dưới da. Công việc của chị Lan thường xuyên phải tiếp xúc với đất, vật nuôi, nhưng chị thường tiếp xúc trực tiếp không bao giờ dùng găng tay bảo hộ lao động. Đó chính là nguyên nhân khiến trứng của những con ấu trùng sống trong đất chui thẳng vào da và ký sinh trong cơ thể chị.
Đinh Thị Nh., 24 tuổi, ở Quỳnh Lưu, Nghệ An cũng là một trong những bệnh nhân bị giun lươn cư trú trong cơ thể. Chị nhập viện trong tình trạng người mệt mỏi, lơ mơ, mê sảng, sốt, đau buốt vùng não… Được biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễm giun của chị là do ăn hải sản chưa chín kỹ.
Để có thể xác định chính xác sự có mặt của giun lươn trong cơ thể
hay không thì người bệnh cần phải được tiến hành xét nghiệm phân
Nên phòng bệnh hơn chữa bệnh
Trả lời về vấn đề này, Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Hồng Quang, Trưởng khoa nghiên cứu lâm sàng và điều trị bệnh nhiệt đới (Viện Sốt rét ký sinh trùng, côn trùng Quy Nhơn) cho biết, tử vong do nhiễm giun là hiếm gặp nhưng một khi có sự xâm nhập của giun lươn vào người thì bệnh nhân sẽ gặp rất nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm cơ tim, viêm màng não hoặc viêm phổi nặng…
Khi giun lươn thâm nhập vào cơ thể, chúng gây ra những tác hại khôn lường: ấu trùng giun lươn đi xuyên qua da, có thể vào trực tiếp các mao mạch, khi vào đến mao mạch, bằng nhiều con đường khác nhau, chúng gây ra những ảnh hưởng tới sức khỏe là khác nhau.
Từ mao mạch phổi, chúng di chuyển dọc tới các phế nang, đến khí quản, đến thực quản và ruột non, tại ruột non chúng trưởng thành. Chúng có thể gây viêm phổi, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, gây tổn thương niêm mạc ruột và tiêu chảy, ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương, gây nhiễm trùng đường huyết. Chu trình tự nhiễm có thể gây khó chịu và viêm nhiễm tại chỗ hoặc lan tỏa tới toàn thân người bệnh.
Mặc dù, hiện nay các chuyên gia trên thế giới đã phát hiện và liệt kê ra được rất nhiều loại giun lươn có khả năng gây bệnh cho người và vật nuôi, song hầu hết bệnh nhiễm giun lươn chủ yếu là do loài Strongyloides stercoralis gây nên.
Người bệnh nhiễm ký sinh trùng giun lươn mạn tính với loại Strongyloides stercoralis thường không có triệu chứng, biểu hiện gì cụ thể nhưng nếu để đến khi xuất hiện triệu chứng rõ ràng thì bệnh đã nặng.
Khi nhiễm ký sinh trùng giun lươn, người bệnh sẽ có những triệu chứng bất thường gặp chủ yếu ở hệ tiêu hóa, người bệnh có cảm giác trướng bụng, khó tiêu, sôi bụng ậm ạch. Nhiều bệnh nhân có biểu hiện ấu trùng giun lươn di chuyển quanh vùng hậu môn, bắp tay, mắt, ho, thở ngắn…
Để có thể xác định chính xác sự có mặt của vị “khách không mời” này hay không thì người bệnh cần phải được tiến hành xét nghiệm phân tuy nhiên, điều này không đơn giản vì lượng giun đường ruột khá thấp, không có hội chứng tăng nhiễm thì lại càng khó phát hiện và điều trị hơn. Thêm vào đó triệu chứng nhiễm bệnh mơ hồ khiến nhiều bác sĩ ví dụ bác sĩ tiêu hóa và da liễu đôi khi còn bị nhầm lẫn.
Để có thể điều trị tận gốc nhiễm giun lươn thì phương cách làm ngăn ngừa hội chứng tăng nhiễm và biến chứng nghiêm trọng trên các bệnh nhân này được bác sĩ quan tâm hơn cả. Việc phát hiện, chẩn đoán sớm, đúng loại ký sinh trùng vô cùng quan trọng, nếu không kịp thời có thể gây nguy hiểm tới tính mạng.
Con đường đi của ấu trùng giun lươn khó đoán định, chúng có thể di chuyển khắp nơi trong cơ thể người, nhiều bệnh nhân thấy nó di chuyển ở mô dưới da là như vậy, chúng để lại các vết mẩn đỏ dưới da. Khi bệnh bị biến chuyển thành dạng nặng, người bệnh bị suy giảm hệ miễn dịch nhanh chóng như: đái tháo đường, suy dinh dưỡng, suy gan, suy thận, tắc ruột,… Mức độ bệnh tùy thuộc độ tự nhiễm của giun ký sinh tới mực nào.
Sự di chuyển của chúng sẽ dẫn tới những biến chứng khôn lường. Giun lươn có thể đi thẳng lên hệ thống thần kinh trung ương gây viêm não, xuất huyết não: trường hợp này nếu không được điều trị kịp thời bệnh nhân dễ tử vong. Giun lươn có thể ẩn nấp trong hệ hô hấp gây nên những bệnh như viêm phổi, thở khó, xuất huyết phổi…
Ý thức phòng bệnh nhiễm giun sán nói chung
và giun lươn nói riêng là vô cùng quan trọng.
Bác sĩ Hồng Quang nhấn mạnh việc tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng bệnh nhiễm giun sán nói chung và giun lươn nói riêng là vô cùng quan trọng.
Mọi người cần vệ sinh nhà cửa, nhà vệ sinh, xây dựng ý thức vệ sinh thân thể tốt: rửa tay sạch trước và sau khi ăn, đi vệ sinh, đi làm về. Ăn uống phải luôn tuân thủ vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín uống sôi, không ăn đồ ăn không hợp vệ sinh, lưu cữu lâu ngày, không ăn rau sống chưa rửa sạch. Định kỳ thăm khám, kiểm tra sức khỏe, tẩy giun định kỳ 2 lần/năm.
Khi tiếp xúc với đất, với vật nuôi, mọi người cần sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động như găng tay, giày dép chuyên dụng. Người có những biểu hiện nghi ngờ bị nhiễm giun lươn nên đến khám chuyên khoa ký sinh trùng càng sớm càng tốt để kịp thời chữa trị. Ngoài ra, tránh ăn hải sản sống nếu hải sản đó không được mua ở nguồn có kiểm định. Bên cạnh đó, mọi người nên chủ động nâng cao sức đề kháng cơ thể, ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, luyện tập thể dục thể thao hàng ngày... để tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Theo afamily.vn