Vòi trứng bình thường nhìn qua soi ổ bụng chỉ gần bằng đầu nhỏ của chiếc đũa ăn cơm. Khi bị chít hẹp, lòng vòi trứng vốn đã rất nhỏ (có thể thông bằng sợi chỉ mổ giống như sợi cước) còn bị hẹp hơn nữa do dính với các cơ quan lân cận hay do hậu quả của viêm vòi trứng. Chụp tử cung, vòi trứng với thuốc cản quang có thể giúp nhìn thấy vòi trứng thông suốt giống như một sợi chỉ trắng trên nền của phim.
Nguyên nhân
Vòi trứng bị chít hẹp có thể là do bẩm sinh (gây thiếu hụt cả một phần hay cả vòi trứng), tuy nhiên trường hợp này rất hiếm. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do nhiễm khuẩn (phổ biến nhất là vi khuẩn lậu), 15% số phụ nữ bị nhiễm khuẩn lậu ở cổ tử cung tuy không thể hiện triệu chứng nhưng đã phát triển thành viêm vòi trứng cấp mà hậu quả là chít hẹp hoặc tắc vòi trứng.
Bệnh thường gặp ở những đối tượng nào?
Phụ nữ có nhiều bạn tình hay bạn tình đã từng bị nhiễm lậu, nhiễm chlamydia, nhiễm một loại vi khuẩn khác ít được biết đến có tên mycoplasma homonis là những người rất dễ bị tắc vòi trứng. Ngoài ra, bệnh còn hay gặp ở những phụ nữ không quan tâm đúng mức đến vệ sinh hàng ngày, khi có kinh nguyệt hay trong đời sống tình dục; những phụ nữ bị nhiễm khuẩn ở đường tiết niệu.
Nguy cơ bị chít hẹp vòi trứng cũng tăng lên ở những phụ nữ trẻ chưa lập gia đình nhưng thường xuyên nạo phá thai, những phụ nữ đặt dụng cụ tử cung... Đó là do cổ tử cung đóng vai trò như bộ phận ngăn cản nhiễm khuẩn do bài tiết ra chất niêm dịch chảy vào âm đạo; chất niêm dịch này chứa các enzim có khả năng phân hủy vi khuẩn, nhưng khi bị sảy thai, nạo thai, sinh đẻ, đặt dụng cụ tử cung hay làm phẫu thuật ở cổ tử cung thì sự nhiễm khuẩn có điều kiện thuận lời để vượt qua hàng rào ngăn cản.
Vì sao bệnh gây vô sinh và thai ngoài tử cung?
Tắc vòi trứng, có thể do nhiễm khuẩn hoặc do lạc nội mạc tử cung và chiếm tỷ lệ khoảng 40 - 50% và thường được phát hiện bằng chụp tử cung - vòi trứng.
Tổn thương lành tính ở vòi trứng thường không thể hiện triệu chứng gì nhưng có thể sờ nắn thấy khi khám phụ khoa, nhiều khi tình cờ phát hiện trong lúc mổ vì một bệnh lý khác ở vùng tiểu khung. Những hình thái bệnh lý ở vòi trứng cũng có thể làm cho phụ nữ bị hiếm muộn.
Vòi trứng bị nhiễm khuẩn có thể để lại di chứng là sẹo và tắc vòi nên nhiều khi trứng đã gặp tinh trùng ở vòi trứng nhưng không thể di chuyển về tử cung để làm tổ mà phát triển ngay tại vòi trứng, gây thai ngoài tử cung. Nhưng vòi trứng không phải là nơi thích hợp để thai phát triển, không thể giãn to theo sự tăng trưởng của thai, vì thế gây cảm giác đau và có thể vỡ. Nếu vỡ vòi trứng thì là một biến chứng chảy máu nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong nếu không được mổ kịp thời và được truyền máu.
Điều trị
Chít hẹp vòi trứng có thể được điều trị bằng vi phẫu thuật. Tuy nhiên, khả năng có thai sau điều trị không thể khẳng định chắc chắn. Ngoài ra, khả năng thụ thai phụ thuộc vào tuổi của người bệnh và mức độ tổn thương của vòi trứng. Cũng có trường hợp đậu thai sau điều trị nhưng là thai ngoài tử cung.
Phòng ngừa
Chít hẹp vòi trứng thường là hậu quả của viêm vòi trứng cấp mà nguyên nhân ban đầu là các nhiễm khuẩn đường sinh dục như viêm âm đạo, viêm tử cung, viêm niệu đạo... Chính vì vậy, cách tốt nhất để phòng ngừa chít hẹp vòi trứng là phát hiện và điều trị sớm các nhiễm khuẩn đường sinh dục. Nếu được điều trị kịp thời, các nhiễm khuẩn phần phụ sẽ không phát triển lên trên gây viêm vòi trứng hoặc viêm tiểu khung.
Theo SKDS