U xơ tử cung (UXTC) là những khối u nhỏ lành tính phát triển và thành hình từ cơ tử cung, thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi hoạt động tình dục. UXTC có thể có một hay nhiều u, đường kính thay đổi từ vài milimét đến vài chục milimét, gọi là lành tính tức không phát triển thành ung thư.
Nguyên nhân vì sao phụ nữ bị UXTC hiện nay vẫn chưa rõ, nhưng giả thuyết do cường nội tiết tố (hoóc-môn) nữ là estrogen, tức estrogen tiết ra nhiều và hoạt động mạnh, được nhiều người ủng hộ. Nếu UXTC phát triển to gây biến chứng chèn ép hay gây các rối loạn, thương tổn ở cơ quan sinh dục thì sẽ được bác sĩ điều trị bằng cách mổ, bóc UXTC hoặc có khi cắt một phần hay toàn phần tử cung để loại bỏ hoàn toàn UXTC. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp bị UXTC nhưng không biểu lộ triệu chứng và bác sĩ không can thiệp bằng phẫu thuật, chỉ theo dõi (có khi điều trị nội khoa bằng thuốc là progesterone). Có khoảng 1/3 số trường hợp UXTC không triệu chứng ở quanh tuổi 40 sẽ đi vào thời kỳ mãn kinh và từ đó UXTC sẽ không phát triển nữa. Với giả thuyết cho rằng UXTC do cường estrogen, người ta giải thích lý do UXTC không phát triển khi mãn kinh là do người phụ nữ mãn kinh cơ thể bị suy giảm thậm chí không tiết ra estrogen nữa. Đó cũng là lý do người ta có quan điểm tránh những yếu tố làm gia tăng sự hiện diện estrogen trong cơ thể người phụ nữ có u xơ tử cung và đã đến thời kỳ mãn kinh. Vấn đề bạn đọc hỏi, người có UXTC đến thời kỳ mãn kinh có thể dùng thực phẩm chức năng (TPCN) chứa mầm đậu nành hay không, cũng nằm trong quan điểm này.
Hiện nay, người ta đã ghi nhận trong đậu nành có chứa phytoestrogen (chất có tác dụng như estrogen nhưng có nguồn gốc thực vật). Vì vậy, có lời khuyên người phụ nữ nên dùng sữa đậu nành và các loại thực phẩm chế biến từ đậu nành để bổ sung phytoestrogen trong những trường hợp cần đến estrogen (như phụ nữ ở tuổi mãn kinh do thiếu estrogen đưa đến bị những rối loạn như rối loạn vận mạch làm bừng bốc hoả, mất ngủ, mệt mỏi, dễ mắc chứng loãng xương và tăng mỡ trong máu…). Hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu khoa học thực chứng là uống sữa đậu nành hằng ngày có thể thay thế liệu pháp hoóc-môn thay thế (hormone replacement therapy, viết tắt HRT) là cách điều trị bằng thuốc là estrogen ở người phụ nữ để sửa chữa các rối loạn do mãn kinh gây ra. Nhưng có điều có thể chắc chắn là trong sữa đậu nành và và các loại thực phẩm chế biến từ đậu nành mà người phụ nữ dùng hằng ngày không thể nào chứa đủ phytoestrogen có tác dụng tương đương với estrogen gây ra cường estrogen đến độ làm người phụ nữ có UXTC đến thời kỳ mãn kinh bị UXTC phát triển gây hại. Người phụ nữ bị UXTC loại này có thể an tâm dùng sữa đậu nành và và các loại thực phẩm chế biến từ đậu nành mà mình ưa thích. Nhưng đối với TPCN chứa mầm đậu nành thì phải suy nghĩ khác, không thể dùng tùy tiện! Vì sao? Mặc dù các TPCN được bày bán với với bao bì chai lọ giống chai lọ thuốc và dạng bào chế là viên nén, viên nang giống y như viên thuốc nhưng không được xem là thuốc. Trên nhãn, bao bì của TPCN bắt buộc phải ghi rõ: “Đây không phải là thuốc và không được dùng để thay thế thuốc”. Nhưng TPCN là trung gian giữa thực phẩm và thuốc, vẫn ít nhiều có ảnh hưởng của thuốc. Tuy tác dụng của nhiều TPCN chưa thông qua nghiên cứu khoa học để chứng thực như là thuốc nhưng cũng cần lưu ý, chúng có thể gây tác dụng phụ có hại thậm chí có thể gây dị ứng nặng nề và nguy hiểm là sốc phản vệ (như báo chí đã đưa tin có người dùng TPCN để trị bệnh lupus ban đỏ đã bị dị ứng rất nặng, phải nhập viện để chữa trị). Vì vậy có khuyến cáo, TPCN phải dùng đúng liều lượng theo hướng dẫn thì mới an toàn. Cũng như, người bệnh khi đi khám bệnh nên kể rõ cho bác sĩ biết đã dùng các loại thuốc và TPCN nào, nếu muốn dùng thêm thuốc hay TPCN nào khác cũng cần hỏi ý kiến của bác sĩ trực tiếp khám bệnh.
Đối với TPCN chứa mầm đậu nành mà bạn đọc hỏi, chưa rõ chế phẩm này có chất gì khác hay không và nhất là mầm đậu nành có tác dụng như thế nào đối với người phụ nữ có UXTC đến thời kỳ mãn kinh. Cho nên, người phụ nữ bị UXTC loại này tốt nhất nên hỏi ý kiến của bác sĩ đã phát hiện và trị UXTC về việc dùng TPCN chứa mầm đậu nành. Quyền quyết định cho dùng thuộc bác sĩ trực tiếp điều trị của bạn.
Theo SKDS