Đột quỵ có xu hướng ngày càng phổ biến vàtheo một khảo sát gần đây thì nguy cơ đột quỵ ở phụ nữ tuổi từ 35 - 44 tăng tới 36% trong vòng một thập kỷ qua.
Các bác sỹ cho rằng những yếu tố nguy cơ hay gặp nhất gây đột quỵ như béo phì, cao huyết áp, tăng cholesterol xảy ra ngày càng nhiều ở phụ nữ trẻ có thể là một phần nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng này. Tuy nhiên 80% ca đột quỵ có thể phòng ngừa được.
Theo Ths. Bs. Ngô Trọng Toàn, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, có rất nhiều dấu hiệu thể hiện bệnh đột quỵ, nổi bật nhất vẫn là dấu hiệu liệt một phần cơ thể nào đó như liệt nửa người, liệt tay, liệt chân hoặc nói khó, liệt mặt, sụp mi mắt. Dấu hiệu thứ 2 của bệnh là về mặt ý thức, bệnh nhân đang tỉnh táo trở nên hôn mê, lú lẫn, nói không có định hướng.
Đột quỵ là một trong những nguyên nhân dẫn đến những tình trạng khuyết tật nặng nề và lâu dài. Chính vì vậy, chúng ta cần thực hiện lối sống khoa học lành mạnh để phòng tránh đột quỵ. Hãy thực hiện những nguyên tắc dưới đây để phòng tránh đột quỵ.
Kiểm soát huyết áp và cholesterol: Theo Hiệp hội đột quỵ thì cao huyết áp là một yếu tố nguy cơ quan trọng nhất gây đột quỵ. Cao huyết áp khiến tim hoạt động vất vả hơn và gây áp lực lên mạch máu. Tăng cholesterol có thể ngăn chặn tuần hoàn máu tới não dẫn tới đột quỵ.
Duy trì cân nặng khỏe mạnh: béo phì có thể làm tăng nguy cơ tiểu đường, cao huyết áp, qua đó góp phần làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Vận động: hoạt động thể chất có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ. Một nghiên cứu gần đây cho thấy những người tập thể dục ≥ 5 lần/tuần có nguy cơ bị đột quỵ thấp hơn so với những người không tập luyện.
Chế độ ăn lành mạnh: duy trì chế độ ăn lành mạnh với nhiều hoa quả và rau xanh, giảm lượng muối và chất béo trans để kiểm soát nồng độ cholesterol và huyết áp cũng như giảm nguy cơ béo phì.
Bỏ thuốc lá: nguy cơ đột quỵ tăng gấp 2 lần ở những người hút thuốc lá so với người không hút thuốc.
Hạn chế đồ uống có cồn: sử dụng đồ uống có cồn ở mức vừa phải không chỉ giúp ngăn ngừa đột quỵ mà còn cải thiện sức khỏe tổng thể.
Theo Vnmedia