Dược thiện cho người rối loạn tiền mãn kinh
Phụ nữ độ tuổi từ 45 - 55, do chức năng buồng trứng suy giảm dẫn đến rối loạn nội tiết và hệ thống thần kinh thực vật. Có đến 85% phụ nữ lâm vào một tình trạng bệnh lý được gọi là hội chứng tiền mãn kinh (menopausal syndrome) ở các mức độ nặng nhẹ khác nhau. Biểu hiện bằng các triệu chứng như: rối loạn kinh nguyệt, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, mất ngủ, tim hồi hộp, có các cơn “bốc hỏa”, thay đổi tính tình, dễ mệt mỏi.
Trong y học cổ truyền, tình trạng này thuộc phạm vi các chứng “tạng táo”, “tuyệt kinh tiền hậu chư chứng”... với cơ chế bệnh sinh chủ yếu là do thận khí suy nhược, tinh huyết sút kém, kinh mạch hư tổn, công năng tạng phủ rối loạn dẫn đến tình trạng mất cân bằng giữa phần âm và phần dương trong cơ thể. Về mặt trị liệu, tùy thể mà áp dụng bài thuốc thích hợp.
Thể can thận âm hư: kinh nguyệt rối loạn, lượng ít, sắc đỏ tươi, hay có cảm giác sốt về chiều, lòng bàn tay và bàn chân nóng, tinh thần căng thẳng bức bối khó chịu, đầu choáng mắt hoa, tai ù, mất ngủ, môi khô miệng khát, đại tiện táo, chất lưỡi đỏ, ít hoặc không có rêu.
Bài 1: kỷ tử 30g, bách hợp 60g, trứng gà 2 quả. Sắc kỷ tử và bách hợp với 1.000ml nước lấy 300ml, đập trứng gà lấy lòng đỏ đánh tan rồi đổ vào nước thuốc, gia thêm một chút đường phèn, ăn trong ngày.
Bài 2: táo nhân 30g, sinh địa 30g, gạo tẻ 100g. Táo nhân đập vụn, sinh địa thái phiến, sắc kỹ cả hai vị lấy 200ml nước thuốc rồi cho gạo vào nấu thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày.
Bài 3: ba ba 1 con, kỷ tử 30g, gia vị vừa đủ. Ba ba làm sạch, bỏ nội tạng, cho kỷ tử, hành, gừng tươi và một chút rượu vang vào trong bụng rồi đem hấp cách thủy cho chín, chia ăn vài lần trong ngày.
Thể thận dương hư: kinh nguyệt rối loạn, có lúc đột nhiên ra nhiều, sắc nhạt, tinh thần mỏi mệt, ăn kém, sợ lạnh, tứ chi lạnh, sắc mặt nhợt nhạt, đại tiện lỏng, lưng đau, âm bộ lạnh lẽo, có thể bị phù, chất lưỡi nhợt.
Bài 1: chim sẻ 3 - 5con, gạo tẻ 60g, hành 3 củ. Chim sẻ làm sạch rán chín rồi ninh với gạo thành cháo, chế thêm một chút rượu vang, hành và gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.
Bài 2: đông trùng hạ thảo 10g, thịt gà 250g. Thịt gà rửa sạch thái miếng, cho vào nồi đun sôi, hớt hết bọt rồi cho đông trùng hạ thảo vào hầm nhỏ lửa cho nhừ, chia ăn 2 lần trong
ngày.
Bài 3: tôm nõn loại to 10 con, gạo kê 100g, dầu vừng và gia vị vừa đủ. Tôm rửa sạch thái nhỏ, nấu với gạo kê thành cháo, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.
Thể tâm tỳ lưỡng hư: đầu choáng, mắt hoa, sắc mặt nhợt nhạt, ngủ ít, hay mê mộng, dễ hồi hộp, có cảm giác khó thở, trí nhớ giảm sút, kinh nguyệt lượng ít và loãng, có thể rong kinh,
chất lưỡi nhợt.
Bài 1: thịt gà ác (ô kê nhục) 200g, hà thủ ô 20g, hoàng kỳ 15g, đại táo 10 quả. Thịt gà rửa sạch thái miếng, đại táo bỏ hạt, hà thủ ô và hoàng kỳ cho vào túi vải buộc kín miệng. Tất cả cho vào nồi đất, chế nước vừa đủ, đun to lửa cho sôi rồi dùng lửa nhỏ hầm kỹ trong 2 giờ, bỏ túi thuốc, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.
Bài 2: long nhãn 30g, nhân sâm 3g, nấm linh chi 5g. Tất cả tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày, có thể chế thêm một chút đường phèn cho dễ uống.
Lời khuyên thầy thuốc
Theo quan điểm của thực liệu học cổ truyền, phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh nên trọng dụng những thực phẩm có công dụng tư bổ can thận, dưỡng huyết bổ huyết, tư âm giáng hỏa như thịt vịt, thịt gà ác, tim cật lợn, sò biển, hàu, trai, cá mực, ba ba, rùa, sữa ong chúa, mộc nhĩ, yến, bách hợp, hạt sen, kỷ tử, tang thầm... Nên hạn chế những đồ cay nóng, có tính kích thích như ớt, hạt tiêu, quế, hồi, tỏi, trà đặc, rượu... và chất quá béo bổ như trứng, thịt mỡ, não tủy động vật, các thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ...
Theo SKDS