Về chúng tôi

Mạng Yhocsuckhoe.com được điều hành bởi Dược phẩm Davinci Pháp. Chúng tôi luôn nỗ lực góp phần mang lại những giá trị thiết thực vì sức khỏe cộng đồng  Việt.

Chữa rong kinh vô tình phát hiện máu tụ trong tim

Điều trị rong kinh tại tuyến dưới 10 ngày không đỡ, chị Thư (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) được chuyển ra Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. Các bác sĩ phát hiện chị bị kẹt van tim do có khối máu tụ, có thể tử vong nếu không mổ cấp cứu.

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Tim mạch và Lồng ngực (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, trước đó 8 tháng, bệnh nhân đã được các bác sĩ tại khoa phẫu thuật thay van tim. Theo bệnh án tuyến dưới chuyển lên, bệnh nhân đang điều trị rong kinh.

“Tuy nhiên, khi tiến hành siêu âm thực quản, chúng tôi phát hiện bệnh nhân bị kẹt van tim có khối máu tụ. Nếu không phẫu thuật bệnh nhân có thể tử vong bất cứ lúc nào. Vì thế, ngay lập tức chúng tôi đã tiến hành cấp cứu, phẫu thuật thay van tim mới”, phó giáo sư Ước nói.

Theo phó giáo sư, biến chứng kẹt van tim khá thường gặp và nguy hiểm sau thay van tim. Nguyên nhân thường do người bệnh không dùng thuốc chống đông máu đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ, dù chi phí loại thuốc này chưa đầy 20 nghìn đồng một tháng.

Nhiều người thấy khỏe khoắn thì chủ quan không đi khám lại nên không dùng thuốc chống đông máu đầy đủ. Khi yếu tố đông máu trở lại gần như người bình thường do không dùng thuốc, trong tim dễ bị tụ máu làm kẹt cứng van tim.

Có trường hợp van tim bị kẹt cứng ngay lập tức, chỉ trong một vài giây, khối máu tụ bịt lỗ van khiến bệnh nhân bị ứ máu cấp tính ở phổi, gây phù phổi cấp, dẫn đến chết đột tử. Có những bệnh nhân van bị kẹt từ từ, trong vài ngày diễn biến suy tim cấp, phù phổi, khó thở nên thường được chuyển đi cấp cứu.

Với trường hợp chị Thư, theo các bác sĩ chị bị kẹt van khoảng 5 - 7 ngày. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy tim nặng và dọa phù phổi. Hiện sức khỏe bệnh nhân hồi phục tốt.

“Trong khi đó, với bệnh nhân thay van tim thì bắt buộc phải dùng thuốc chống đông máu suốt đời. Bệnh nhân cần đi khám thường xuyên để điều chỉnh lượng thuốc, tránh nguy cơ biến chứng tăng đông hay giảm đông máu đều rất nguy hiểm”, phó giáo sư Ước nói.

(Theo Phương Trang // VnExpress)

Bài thuộc chuyên đề: Tim mạch

Liên hệ với chúng tôi

  • Số 4/9/259 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam.
  • (+84.4) 22 42 01 68 // 85 85 26 70 - Fax: (+84.4) 3650 1791
  • contact@davincipharma.com
Thời tiết hôm nay