Thuốc tránh thai là biện pháp được khá nhiều chị em sử dụng. Tuy nhiên, trong bối cảnh có khá nhiều thông tin trái chiều về thuốc tránh thai hiện nay, vậy sử dụng thuốc thế nào cho hiệu quả?
Những sự cố từ thuốc tránh thai
Năm 2012 được giới truyền thông gọi vui là năm của thuốc tránh thai vì có quá nhiều ca cấp cứu liên quan đến việc lạm dụng thuốc. Một phụ nữ đã phải phẫu thuật cắt bỏ ruột non vì bị tắc mạch máu ruột ở Bệnh viện Nguyễn tri Phương, TP.HCM. Theo các bác sỹ, một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng của người phụ nữ này được cho là do bệnh nhân đã uống thuốc ngừa thai hàng ngày kéo dài đến 10 năm.
Trên thế giới một nữ sinh 15 tuổi người Anh đã đột quỵ khi sử dụng thuốc tránh thai được chừng 2 tháng. Các bác sỹ xác định cô bị chứng đông máu trong não dẫn đến đột quỵ. Tuy được cứu sống nhưng hiện nay nữ sinh này bị giảm thị lực nghiêm trọng và không thể đi lại được. Và đến đầu năm 2013, Pháp đã có thông báo đình chỉ sử dụng thuốc tránh Diana 35, một loại thuốc có dùng ở nước ta và ở 115 nước khác.
Rồi đến thông tin hàng chục phụ nữ Canada tử vong do sử dụng thuốc ngừa thai Yaz và Yasmin của công ty dược phẩm Bayer. Hai loại thuốc trên cũng đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Theo thông tin từ Cục quản lý Dược, tại Canada, Cơ quan quản lý dược Canada thông báo bắt đầu đánh giá tính an toàn của thuốc có chứa Drospirenone (Yaz; Yasmin) và nguy cơ huyết khối. Các nghiên cứu cho thấy thuốc tránh thai đường uống có chứa Drospirenone có nguy cơ gây huyết khối cao hơn từ 1,5 lần đến 3 lần so với các thuốc tránh thai khác. Điều này đã gây hoang mang, lo lắng cho không ít chị em khi sử dụng thuốc tránh thai.
Sử dụng sao cho đúng?
Các chuyên gia cho biết, thuốc tránh thai hàng ngày (viên uống tránh thai tổng hợp) là sự kết hợp giữa hai hoóc môn estrogen và progesterone gây ức chế tuyến yên khiến các nang noãn ở buồng trứng không phát triển được, từ đó giúp tránh thai.
Tất cả các loại thuốc tránh thai chứa hoóc môn thuộc diện thuốc phải kê đơn, nhưng vì có tính an toàn và để tiện dùng trong kế hoạch hóa gia đình nên riêng thuốc tránh thai vẫn được cấp phát hay bán không cần kê đơn. Và vì nghĩ là khá an toàn nên nhiều người đã sử dụng khá tùy tiện. Điều này dẫn đến khá nhiều nguy hại về sức khoẻ.
Theo ông Nguyễn Thế Tín, Phó chủ tịch Hội Dược học Việt Nam, đối với tất cả các loại thuốc khi cần dùng đều phải có sự hướng dẫn của thầy thuốc, trong đó bao gồm cả viên uống tránh thai. Trong mỗi loại thuốc, hộp thuốc hay vỉ thuốc đều có hướng dẫn sử dụng rất ngặt nghẽo, thậm chí có khi dài khoảng 2 - 3 trang giấy. Người sử dụng cần đọc kỹ hướng dẫn này.
Theo bà Lưu thị Hồng, Phó vụ trường Vụ Chăm sóc bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế), khi sử dụng thuốc tránh thai phải tuân theo những chống chỉ định. Chỉ sử dụng cho bệnh nhân không có những bệnh về tim mạch, không có bệnh rối loạn về huyết khối hay đông máu. Ngay cả những người trong gia đình có người có tiền sử về những bệnh tim mạch hay đông máu khi sử dụng cũng phải rất cẩn thận, cần có những khám xét và chỉ định của thầy thuốc. Những người đang có bệnh rong kinh, rong máu, bệnh đang nghi ngờ ung thư… cũng không nên sử dụng viên uống tránh thai.
Đứng trước những thông tin chống chỉ định của viên thuốc tránh thai, người phụ nữ cần có hiểu biết về thuốc. Và người phụ nữ cần đến những cơ sở y tế để gặp các bác sỹ chuyên khoa để được tư vấn và lựa chọn loại thuốc phù hợp cũng như biện pháp tránh thai phù hợp.
Những sự cố về sức khoẻ được cho là có nguyên nhân từ thuốc tránh thai tổng hợp một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo cho người sử dụng. Trước khi để có thể sử dụng thuốc tránh thai hiệu quả, chị em cần cân nhắc kỹ lưỡng, tham khảo ý kiến từ giới chuyên môn về các loại thuốc chứ không chỉ riêng những loại thuốc đã được cảnh báo.
Theo VNmedia