Thoái hóa hoàng điểm ở mắt (bệnh AMD) là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh mù lòa cho những người trên 50 tuổi. Theo thống kê của châu Âu và Mỹ, khoảng 25% người trên 60 tuổi bị tình trạng này. Đáng báo động là có đến 82% bệnh nhân không được phát hiện bệnh kịp thời.
Nguy hiểm nhưng chưa được quan tâm
BS. Võ Thị Chinh Nga - Bệnh viện Mắt TP.HCM, cho biết AMD là một tình trạng bệnh lý mãn tính, diễn biến âm thầm, làm giảm thị lực ở trung tâm ở những người trên 50 tuổi. Bệnh do tổn thương các tế bào nhạy cảm ánh sáng vùng hoàng điểm (vùng trung tâm võng mạc) các tế bào lớp thần kinh này bị tổn thương làm mất đi chức năng nhận và đưa hình ảnh lên vùng vỏ não thị giác giúp chúng ta có thể nhìn thấy được hình ảnh.
Vùng hoàng điểm là vùng trung tâm võng mạc, tập trung nhiều tế bào cảm nhận ánh sáng nhất, khi tổn thương sẽ làm mắt mờ, có đốm đen hoặc có quầng đen, mờ ở trung tâm. Hoặc thấy hình ảnh ở trung tâm bị méo mó, làm bệnh nhân cảm thấy khó khăn khi đọc sách báo, khi nhận biết khuôn mặt… mặc dù thị lực ngoại biên vẫn còn tốt, vẫn còn làm các việc thông thường được. Căn bệnh này là nguyên nhân chính gây mù lòa ở những người trên 50 tuổi. Nếu bị thương tổn một mắt, gần nửa số bệnh nhân sẽ có nguy cơ bị bệnh tương tự ở mắt thứ 2 trong vòng 3 - 5 năm. Nguy hiểm hơn, có đến 82% bệnh nhân không được phát hiện bệnh kịp thời. Thực tế, bệnh AMD là một căn bệnh nguy hiểm, tuy nhiên tại Việt Nam lại chưa được quan tâm đầy đủ.
Phát hiện sớm để ngăn chặn sự tiến triển
Theo BS. Võ Chinh Nga, cần đến bác sĩ chuyên khoa mắt để khám khi thị lực mờ dần hay mờ nhanh, đặc biệt là thị lực ở trung tâm. Nhìn thấy các phần của hình ảnh không rõ ràng, có phần rõ, có phần bị mất, bị mờ. Ví dụ khi ta nhìn vào mặt ai đó thấy được cả người, nhưng chỉ thấy được tay, chân rõ, không thấy rõ mặt. Nhìn thấy hình ảnh méo mó. Chẳng hạn, khi nhìn những đường kẻ thẳng sẽ thấy đường kẻ thẳng này trở thành gợn sóng, nhìn sàn nhà bị mấp mô. Thay đổi về nhận thức màu sắc, điểm đặc trưng là khó phân biệt các màu tối với nhau và các màu sáng với nhau, màu sắc kém tươi sáng. Phục hồi chậm của chức năng thị giác sau khi tiếp xúc với ánh sáng chói. Mất sự nhạy cảm tương phản (khả năng phân biệt các mức độ khác nhau của ánh sáng).
Người ta nhận thấy nguy cơ mắc bệnh liên quan đến tuổi tác, như càng nhiều tuổi nguy cơ mắc bệnh càng tăng. Ngoài ra, còn có các yếu tố như hút thuốc lá, béo phì, các bệnh về tim mạch, yếu tố di truyền, giới tính, dinh dưỡng kém…
Khi bệnh AMD ở giai đoạn cuối thì hầu như không thể điều trị được. Tuy nhiên AMD thường tiến triển chậm qua một thời gian dài nên có thể ngăn chặn sự tiến triển đó bằng chế độ dinh dưỡng và chăm sóc mắt thích hợp. Tốt nhất có thể làm giảm nguy cơ tiến triển của AMD bằng cách bổ sung dinh dưỡng cho mắt với một số vitamin và nguyên tố vi lượng chống oxy hóa. Một kết quả nghiên cứu của Viện Mắt Quốc Gia ở Mỹ cho thấy là việc kết hợp chất chống oxy hóa và kẽm làm giảm 25% nguy cơ tiến triển AMD và giảm 19% nguy cơ mất thị lực ở người bệnh. Một số chất chống oxy hóa được điều chế tự nhiên như Lutein và Zeaxanthine đã được sử dụng một cách rộng rãi trong việc giảm nguy cơ AMD.
BS. Võ Chinh Nga khuyến cáo thêm, cách tốt nhất để ngăn chặn tình trạng mất thị lực là phải khám bác sĩ định kỳ. Chẩn đoán bệnh sớm sẽ tăng kết quả điều trị. Ngoài ra, việc sử dụng dụng cụ kiểm tra Amsler có thể giúp phát hiện các thay đổi không rõ ràng của thị lực. Có thể giám sát thị lực của bạn hàng ngày bằng cách nhìn vào ô kẻ Amsler. Chế độ ăn uống cân đối bao gồm nhiều rau xanh, rau quả có màu xanh đỏ, đỏ… Cần bảo vệ mắt khỏi tia cực tím (UV) bằng cách mang kính mát hoặc mũ có vành khi ra nắng.
Theo SKDS