Khi dùng thuốc dù là thuốc kê đơn theo chỉ định của bác sĩ hay thuốc không kê đơn thì người bệnh đều phải rất thận trọng, nhất là với người cao tuổi. Người cao tuổi và gia đình cần biết về cách sử dụng một số loại thuốc thường sử dụng sau.
Thuốc giảm đau paracetamol
Đây là thuốc hay được người cao tuổi sử dụng khi bị đau đầu, đau cơ trong cảm cúm. Trong các bệnh về khớp, paracetamol là thuốc thay thế salicylat (ví dụ như aspirin) khi người bệnh có chống chỉ định hoặc không dung nạp salicylat để giảm đau nhẹ. Paracetamol được dùng giảm đau tạm thời trong điều trị chứng đau nhẹ và vừa. Thuốc có tác dụng làm giảm đau cường độ thấp có nguồn gốc không phải nội tạng. Bên cạnh đó, đây cũng là thuốc được dùng để hạ sốt tương đối an toàn.
Khi dùng thuốc này người cao tuổi cần chú ý, đối với người có bệnh nghiêm trọng về tim, phổi, thận hoặc gan, người mẫn cảm với các thành phần của thuốc... không được sử dụng paracetamol để hạ sốt hoặc giảm đau.
Paracetamol tương đối không độc với liều điều trị thông thường nhưng khi dùng liều cao, kéo dài có thể gây tổn thương gan (ngộ độc gan), thận. Một số dạng thuốc paracetamol có trên thị trường chứa sulfit có thể gây phản ứng kiểu dị ứng, gồm cả phản vệ và những cơn hen đe dọa tính mạng hoặc ít nghiêm trọng hơn ở một số người quá mẫn. Sự quá mẫn thường gặp ở người bệnh hen nhiều hơn ở người không hen. Vì vậy, đối với người cao tuổi bị hen phải dùng hết sức thận trọng. Không uống rượu khi dùng thuốc này (vì rượu có thể gây tăng độc tính với gan của paracetamol). Cần tránh hoặc hạn chế uống rượu khi dùng paracetamol.
Thuốc trị ngạt mũi oxymetazolin
Ngạt mũi là triệu chứng thường gặp ở người cao tuổi. Vì vậy, thuốc trị ngạt mũi oxymetazolin cũng hay được người bệnh mua về sử dụng. Khi bị ngạt mũi, khó thở, nhỏ thuốc vào, thuốc có tác dụng co mạch làm cho mũi thông thoáng, dễ thở. Thuốc có tác dụng làm giảm tạm thời sưng huyết mũi do cảm lạnh, viêm mũi, viêm xoang, hoặc dị ứng đường hô hấp trên...
Tuy nhiên, thuốc có thể gây tác dụng phụ toàn thân như: gây tăng huyết áp, hồi hộp lo lắng, buồn nôn, chóng mặt, đau đầu, đánh trống ngực hoặc nhịp tim chậm phản xạ. Vì vậy, những người bị bệnh mạch vành, đau thắt ngực hoặc tăng huyết áp (bệnh có thể tăng lên do thuốc gây tác dụng trên tim mạch), người đái tháo đường, cường tuyến giáp... phải dùng hết sức thận trọng.
Không nên tự dùng thuốc nhỏ mũi oxymetazolin quá 3 ngày. Nếu sau 3 ngày vẫn còn các triệu chứng, phải ngừng thuốc và hỏi ý kiến thầy thuốc.
Thuốc chống dị ứng clopheniramin
Do sức đề kháng ở người cao tuổi thường kém hơn so với người trưởng thành nên mỗi khi thời tiết thay đổi là điều kiện thuận lợi khiến người cao tuổi dễ bị cảm lạnh, viêm mũi dị ứng... Khi bị các bệnh liên quan đến dị ứng có thể dùng thuốc chống dị ứng clopheniramin. Ngoài ra, thuốc còn dùng trong các trường hợp dị ứng thức ăn, phản ứng huyết thanh, côn trùng đốt, ngứa ở người bệnh bị sởi hoặc thủy đậu...
Cần lưu ý, clorpheniramin có thể làm tăng nguy cơ bí tiểu tiện do tác dụng phụ chống tiết acetylcholin của thuốc, đặc biệt ở người bị phì đại tuyến tiền liệt, tắc đường niệu, tắc môn vị tá tràng và làm trầm trọng thêm ở người bệnh nhược cơ... nên nếu người cao tuổi có triệu chứng phì đại tuyến tiền liệt hay glocom góc hẹp, loét dạ dày, chít hoặc tắc môn vị - tá tràng hoặc người đang bị cơn hen cấp thì không được dùng thuốc này. Tác dụng an thần của clorpheniramin tăng lên khi uống rượu và khi dùng đồng thời với các thuốc an thần khác nên trong quá trình dùng thuốc người bệnh không được uống rượu, và không dùng cùng các thuốc an thần khác (ví dụ như thuốc ngủ).
Thuốc có thể gây ngủ gà, chóng mặt, hoa mắt, nhìn mờ, và suy giảm tâm thần vận động trong một số người bệnh và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng lái xe hoặc vận hành máy. Cần tránh dùng cho người đang cần sự tỉnh táo để làm việc. Dùng thuốc thận trọng với người trên 60 tuổi vì những người này thường tăng nhạy cảm với tác dụng chống tiết acetylcholin.
WHO khuyến cáo 5 điểm cần lưu ý khi sử dụng thuốc kháng sinh
1. Kháng sinh không dùng để điều trị các bệnh do virut gây ra như cảm, cúm: Kháng sinh không có hiệu quả đối với tất cả lây nhiễm. Kháng sinh chỉ có hiệu quả đối với vi khuẩn chứ không phải đối với các loại lây nhiễm như virut, nguyên nhân của cảm, cúm.
Sử dụng kháng sinh khi không cần thiết sẽ không giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi và có thể gây ra những tác dụng phụ. Khi người bệnh cảm thấy khá hơn sau khi bị cảm, cúm, thông thường là do hệ thống miễn dịch của cơ thể đang thực hiện các việc để điều trị nhiễm khuẩn.
2. Hãy giữ kháng sinh cho riêng mình: Không dùng chung kháng sinh với người khác. Người khác có thể có những nhiễm khuẩn khác nhau và không thể dùng cùng loại kháng sinh như mình, điều này có thể dẫn đến kháng thuốc.
3. Không dùng kháng sinh còn lại cho lần sử dụng sau.
4. Dùng kháng sinh đúng thời điểm: Nếu bạn được kê dùng kháng sinh, điều quan trọng là bạn phải tuân thủ lời khuyên của bác sĩ là dùng kháng sinh như thế nào, vào thời điểm nào và dùng trong bao lâu.
5. Hãy thực hiện các bước đơn giản để phòng, chống nhiễm khuẩn: che miệng khi ho, hắt hơi; rửa tay với xà phòng, nhất là trước khi ăn hoặc sau khi lau mũi.
Theo SKDS