Về chúng tôi

Mạng Yhocsuckhoe.com được điều hành bởi Dược phẩm Davinci Pháp. Chúng tôi luôn nỗ lực góp phần mang lại những giá trị thiết thực vì sức khỏe cộng đồng  Việt.

Phòng viêm phổi mùa xuân

 Do sức khỏe yếu, khả năng thích nghi kém nên người cao tuổi rất dễ viêm đường hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi, thậm chí viêm phổi cấp tính.

Mùa xuân là mùa của nhiều bệnh tật xuất hiện, do nhiều khi trời đang nắng ấm bỗng dưng gió mùa đông bắc tràn về, gây mưa, rét làm thay đổi đột ngột thời tiết. Do sức khỏe yếu, khả năng thích nghi kém nên người cao tuổi (NCT) rất dễ viêm đường hô hấp trên, dẫn đến viêm phế quản, viêm phổi, thậm chí viêm phổi cấp tính.

Những nguyên nhân

Khi tuổi càng cao thì càng có sự lão hóa về phổi (cả về khối lượng và thể tích), phổi ít di động hoặc di động kém càng dễ mắc bệnh về hô hấp. Thêm vào đó là hiện tượng vách phế nang và mao mạch bị teo dần theo năm tháng làm giảm vách phế nang; mao mạch thường bị teo và mô tạo keo dần dần thay thế cho những mao mạch đã bị thưa đi, khiến cho không khí qua lại không được dễ dàng như lúc tuổi còn trẻ. Bởi sự giảm bớt mao mạch đưa máu đến các phế nang, cho nên làm cho độ đàn hồi của các phế nang bị suy giảm gây nên hiện tượng hô hấp kém, dung tích sống của phổi giảm rõ rệt. Vừa bị suy giảm về chức năng của phế quản vừa bị suy giảm chức năng miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh nhất là tác nhân nhiễm trùng, cho nên NCT rất dễ mắc bệnh viêm phổi. Tác nhân gây viêm phổi ở NCT hoặc do vi sinh vật (vi khuẩn, virút, vi nấm), hoặc do khói bụi (môi trường ô nhiễm, khói bếp, thuốc lá, thuốc lào) hoặc ít vận động, nằm lâu do liệt hoặc kết hợp các loại tác nhân.

Tất cả yếu tố đó, nếu có sự thay đổi đột ngột về thời tiết, nhất là vào giữa hoặc cuối mùa xuân thì bệnh càng dễ xuất hiện ở NCT.

Triệu chứng

Viêm phổi ở NCT khác với người trẻ tuổi, nhiều trường hợp chỉ viêm họng, mũi cũng rất dễ dẫn đến viêm phế quản, viêm phổi.

Một số trường hợp NCT mắc một số bệnh mạn tính đường hô hấp (bệnh giãn phế quản, khí phế thũng, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc hen suyễn), khi sức đề kháng của cơ thể giảm xuống, gặp thời tiết thay đổi đột ngột thì bệnh bùng phát thành bệnh viêm phổi, thậm chí viêm phổi cấp tính. Viêm phổi ở NCT có dấu hiệu lâm sàng rất khác so với người trẻ tuổi. Nhiều khi người bệnh không sốt cao, thậm chí không sốt, nhất là NCT có tuổi cao, sức yếu, lú lẫn, ít vận động hoặc đi lại khó khăn, ăn uống thất thường. Một số NCT mắc một số bệnh mạn tính kéo dài nằm liệt giường do tai biến mạch máu não hoặc bệnh Parkinson, hoặc do biến chứng của thoái hóa khớp, hư khớp rất khó khăn trong việc đi lại càng dễ mắc bệnh viêm phổi.

Một số triệu chứng điển hình khi NCT bị viêm phế quản, viêm phổi là thở nhanh nông, đôi khi có thở rít, cánh mũi phập phồng (do thiếu dưỡng khí). Triệu chứng ho là hay gặp nhất, đặc biệt là ở những NCT có bệnh mạn tính về đường hô hấp (viêm họng mạn tính, giãn phế quản, hen suyễn, COPD). Ho thường có đờm lỏng hoặc đặc quánh, một số trường hợp có dính một ít máu do mao mạch bị vỡ ra. Tuy vậy, có một số ít trường hợp không ho. Đa số đều có tức ngực, khó thở nhẹ. Người bệnh thường có dấu hiệu mất nước thể hiện môi khô, lưỡi trắng (bẩn), má hóp, da nhăn nheo.

Chụp X-quang phổi, sẽ cho thấy hình ảnh viêm đông đặc phổi biểu hiện bằng hội chứng viêm phế nang cục bộ hoặc rải rác kèm theo có hội chứng viêm phế quản (rốn phổi đậm) và hội chứng nhu mô có thể làm nhầm lẫn với lao phổi (cần chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ để phân biệt). Trong trường hợp đặc biệt có thể nuôi cấy, phân lập vi khuẩn từ dịch nhầy phế quản, trên cơ sở đó thực hiện kỹ thuật kháng sinh đồ để giúp cho bác sĩ chữa bệnh chọn kháng sinh thích hợp điều trị nhằm giảm bớt thời gian nằm viện.

Nguyên tắc phòng và điều trị

Trước hết, khi NCT nghi ngờ bị viêm long đường hô hấp trên hoặc viêm phổi cần được khám bệnh một cách toàn diện để xác định nguyên nhân. Đối với NCT mắc viêm phổi, việc điều trị dùng thuốc rất khó khăn, nhất là viêm phổi do virút. Vì vậy, cần dùng thuốc gì, dùng trong bao lâu, liều lượng như thế nào là do bác sĩ khám bệnh kê đơn và tư vấn.

Ngoài ra, NCT không nên làm việc quá sức. Tránh để cơ thể nhiễm lạnh bất kể mùa nào trong năm. Không bất chợt ra nơi lộng gió và không tắm nước lạnh nhất là khi người đang ra nhiều mồ hôi. Cẩn thận khi phải ra vào những nơi có máy điều hòa nhiệt độ (để không bị nóng, lạnh đột ngột). Những hôm lạnh, ẩm, gió nhiều, nên hạn chế tối đa đi ra khỏi nhà. Cần sống trong bầu không khí trong lành ít khói, bụi. Hàng ngày cần uống đủ lượng nước cần thiết (1,5 - 2 lít), ăn thêm rau xanh trong các bữa ăn và tăng cường ăn trái cây hàng ngày. Cần vệ sinh họng, miệng hàng ngày như đánh răng, súc họng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy.

Hàng ngày, NCT nên tập thở đúng phương pháp, đó là phương pháp thở bụng mà một số nhà chuyên môn đã đề xướng, cụ thể: ngồi yên trên ghế hoặc nằm trên giường, hai vai không nhúc nhích, không cúi gập người, thở nhẹ nhàng (không phì phò), chậm rãi. Sau đó bắt đầu thót bụng lại, thở ra hết sức. Khi bụng đã thót hết thì ngừng thở, cho bụng phình lên một cách tự nhiên nhẹ nhàng để thở vào; khi bụng phình lên hết, ngừng một tý, rồi lại thở ra. Tập như vậy khoảng từ 4 - 5 phút rồi nghỉ. Ngày tập 5 - 7 lần hoặc nhiều hơn càng tốt. Khi đã tập thở quen rồi thì ngồi chờ tàu xe, ngồi nghe nói chuyện, xem ti vi... đều có thể tranh thủ tập thở được.Trong một số trường hợp bị liệt cần được ngồi nhiều hơn nằm và xoa bóp các cơ bắp, bụng và tập hít thở bằng bụng càng hay.

Theo SKDS

Liên hệ với chúng tôi

  • Số 4/9/259 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam.
  • (+84.4) 22 42 01 68 // 85 85 26 70 - Fax: (+84.4) 3650 1791
  • contact@davincipharma.com
Thời tiết hôm nay