Theo thời gian, một số các cơ quan tổ chức của người già đã suy giảm chức năng đáng kể, do vậy dễ dẫn đến hiện tượng chậm đáp ứng rồi lại đáp ứng quá mạnh (nghĩa là liều điều trị rất gần với liều độc).
Người già thường mắc nhiều thứ bệnh phối hợp; dùng thuốc điều trị bệnh này, có thể làm nặng thêm bệnh kia. Hơn nữa, việc điều trị nhiều loại bệnh sẽ dễ dẫn đến tương tác thuốc có hại.
Bộ máy tiêu hóa của người cao tuổi có nhiều thay đổi do giảm số lượng các tế bào hấp thu kèm theo giảm nhu động ruột cũng như giảm lượng máu tuần hoàn đến ruột dẫn đến việc hấp thu trở nên khó khăn và chậm chạp hơn, trong khi thuốc lưu lại trên đường tiêu hóa lâu hơn lại dễ gây nên các biến chứng trên đường tiêu hóa.
Ở người cao tuổi, khối lượng các mô giảm, do vậy khối lượng nước giảm mà khối lượng mỡ nói chung lại tăng lên. Do vậy, các thuốc tan trong nước sẽ bị tăng nồng độ còn các thuốc tan trong mỡ sẽ bị chậm khởi đầu, nhưng lại tăng thời gian tác dụng, dễ dẫn đến tích lũy gây độc.
Chuyển hóa và thải trừ thuốc được thực hiện qua gan và thận là chủ yếu, nhưng ở người già, khối lượng gan và thận đều giảm; lượng máu đến cũng giảm, do vậy ảnh hưởng tới chuyển hóa của thuốc; dễ dẫn đến tích lũy và gây độc cho 2 cơ quan này.
Nguyên tắc chung dùng thuốc cho người cao tuổi
Hạn chế tối đa việc dùng thuốc cho người cao tuổi; tránh lạm dụng thuốc, nhất là các thuốc được cho là “thuốc bổ”.
Nếu phải dùng thuốc thì dùng càng ít loại càng tốt, chọn loại thuốc ít độc và hiệu quả cao.
Liều dùng phải thích hợp với từng loại bệnh và luôn xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi và hại; tương tác giữa các loại thuốc; chức năng gan – thận. Không để tình trạng chữa được bệnh này lại làm nặng thêm bệnh khác.
Phải theo dõi, kiểm tra, đánh giá thường xuyên về hiệu quả cũng như tác dụng phụ của thuốc. Với loại thuốc phải dùng kéo dài, nếu có thể được nên có thời gian nghỉ thuốc xen kẽ để tránh hiện tượng tích lũy thuốc.
TS. Nguyễn Hải