Táo bón là một bệnh thường gặp ở người cao tuổi với tỷ lệ ước tính vào khoảng 28 - 50% số người từ 60 tuổi trở lên bị mắc. Tại sao người cao tuổi lại hay gặp hiện tượng này?
9 nguyên nhân gây táo bón ở người cao tuổi
Chế độ ăn: Nguyên nhân đầu tiên gây ra chứng táo bón ở người cao tuổi phải kể đến là việc thay đổi chế độ ăn. Người cao tuổi thường có xu hướng ăn ít chất xơ hơn do khả năng nhai nuốt và tiêu hóa kém. Vì lượng chất xơ trong khẩu phần ăn giảm nên dễ dàng bị táo bón.
Suy giảm các hoạt động thể chất:
ở người cao tuổi, do rất nhiều lý do như tình trạng sức khỏe không đảm bảo, bị mắc các bệnh mạn tính như thoái hóa, viêm khớp, loãng xương; các bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường; các bệnh hô hấp mạn tính như tâm phế mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, do thói quen ít hoạt động hoặc thói quen nhịn đại tiện lâu. Việc giảm hoạt động thể chất dẫn tới giảm nhu động ruột, giảm bài tiết dịch ruột gây táo bón.
Do thuốc đang được sử dụng để điều trị các bệnh mạn tính như thuốc kích thích beta-2 giao cảm. Nhóm thuốc này gây giảm nhu động ruột dẫn đến táo bón.
Bệnh trĩ: Khi bị trĩ, bệnh nhân thường có xu hướng nhịn đi đại tiện vì sợ đau và chảy máu. Khi nhịn đại tiện lâu và nhiều lần sẽ giảm phản xạ đại tiện, gây tích trữ phân dẫn đến táo bón. Bệnh nhân càng bị táo bón, đi ngoài càng đau và càng dễ chảy máu, kết quả là bệnh nhân càng nhịn đi đại tiện và táo bón ngày càng tiến triển thành vòng luẩn quẩn.
Sau các phẫu thuật ổ bụng: Sự giảm nhu động ruột và cảm giác đau khi rặn dẫn đến bệnh nhân khó đại tiện kèm theo tình trạng phải ăn thức ăn tinh, ít chất xơ, lượng dịch bù không đủ làm phân khô lại, có trường hợp sờ thấy thành chuỗi cứng dọc theo khung đại tràng.
Do uống không đủ lượng nước hàng ngày: Việc này có thể do người cao tuổi bị các bệnh mạn tính như suy tim phải hạn chế nước nhưng cũng có thể do bệnh nhân bị mắc chứng tiểu đêm, bị u xơ tiền liệt tuyến nên hạn chế uống nước để đỡ đi tiểu tiện.
Do nhu động đại tràng giảm, các cơ trực tràng và cơ thành bụng yếu nên khả năng tống phân ra bị suy giảm.
Các khối u, polyp của đại trực tràng.
Do suy tuyến giáp: Các triệu chứng kèm theo thường là mạch chậm và phù niêm, ăn uống khó tiêu tuy không rõ rệt như ở người trẻ.
Giải phẫu hệ tiêu hóa trong ổ bụng.
Nguy cơ của bệnh táo bón ở người cao tuổi
Bên cạnh những khó chịu do bệnh táo bón gây ra, ở người cao tuổi còn có nhiều nguy cơ khác có thể nguy hại đến tính mạng nếu bị táo bón. Đây là các trường hợp bệnh nhân bị các bệnh tim mạch như suy tim, bệnh mạch vành nên phải hạn chế gắng sức. Nhiều trường hợp rặn nhiều do bị táo bón dẫn đến đột tử do nhồi máu cơ tim. Gắng sức nhiều khi đại tiện cũng có thể làm vỡ các phế nang (đã giãn to) ở các bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gây tràn khí màng phổi. Táo bón cũng có thể là yếu tố nguy cơ ở người cao tuổi có tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, loạn nhịp tim...
Một số phương pháp phòng chống táo bón
Có nhiều phương pháp đơn giản để dự phòng và điều trị táo bón ở người cao tuổi. Đầu tiên là tập thói quen đi đại tiện vào đúng một giờ nhất định, tốt nhất là vào buổi sáng. Những ngày đầu có thể cứ rèn thói quen đi đại tiện dù có muốn đi hay không.
Tiếp theo là điều chỉnh chế độ ăn uống. Tạo một chế độ ăn đầy đủ về lượng, đảm bảo nhiều chất xơ như rau xanh, nguồn vitamin từ rau củ quả tươi, uống đủ lượng nước theo nhu cầu. Vào buổi sáng, khi dạ dày rỗng, nên uống một cốc nước ấm hoặc nước có pha mật ong để kích thích nhu động ruột.
Thường xuyên uống nước, không chờ có cảm giác khát mới uống do cảm giác khát ở người cao tuổi có thể bị suy giảm, nên cố gắng tăng cường các hoạt động thể chất phù hợp với sức khỏe để tăng cường trương lực cơ bụng. Hàng ngày, nên tập cơ bụng bằng cách xoa từ hạ sườn phải sang hạ sườn trái xuống hố chậu trái để tăng cường nhu động ruột; Cần điều trị tốt các bệnh mạn tính kèm theo hoặc các bệnh là nguyên nhân gây táo bón như suy giáp. Bên cạnh đó, người cao tuổi nên chú ý tới tác dụng phụ gây táo bón của một số loại thuốc như thuốc giãn phế quản; Luôn giữ cho tinh thần được sảng khoái, vui vẻ, giảm stress.
Cuối cùng, có thể dùng các thuốc nhuận tràng giúp cho việc đại tiện được dễ dàng hơn như microlax thụt hậu môn, lactulose, sorbitol dùng đường uống. Cá biệt có trường hợp táo bón quá nặng phải dùng phương pháp thụt tháo để tống phân ra ngoài.
Theo SKDS