Những năm gần đây, các bệnh viện phụ sản thường gặp nhiều trường hợp thai quá dự kiến sinh. Trước đây, vấn đề này ít và dễ bị bỏ qua. Nhưng nay, khi mặt bằng y tế cải thiện, dân trí nâng cao, các thai phụ đi khám thuận tiện và thường xuyên hơn. Các thầy thuốc sản khoa có cơ hội phát hiện sớm nhiều trường hợp nghi ngờ thai quá ngày sinh. Việc phát hiện và điều trị sớm đã làm giảm đáng kể chết thai cũng như sơ sinh. Nhưng do hiểu biết về thai quá ngày sinh còn hạn chế, nhiều thai phụ và gia đình vì quá lo lắng đã phải mang vết mổ không đáng có.
Cách tính tuổi thai
Có một vài từ mô tả hiện tượng này, ví như: thai già tháng, thai quá ngày sinh, thai quá dự kiến sinh… Các từ đều mô tả một hiện tượng, đó là thai nhi đã đến ngày sinh nhưng chưa chào đời. Tuy nhiên, giữa các từ này có sự khác biệt. Có thể hiểu như sau: thai già tháng là những thai quá dự kiến sinh. Sức sống của thai nhi trong bụng mẹ suy giảm, nên lấy thai ra bằng phẫu thuật. Thai quá dự kiến sinh và thai quá ngày sinh hiểu như nhau, là những thai quá chín tháng mười ngày như dân gian thường gọi, hay quá 41 tuần hoặc 280 ngày theo cách tính của y học.
Những ngày thấy kinh lần cuối hay kỳ kinh cuối cùng là một câu hỏi luôn được đặt ra khi khám thai. Căn cứ vào ngày đầu tiên của kỳ kinh này, thầy thuốc sẽ tính được tuổi thai. Cách tính tuổi thai dựa vào số tuần không có kinh của thai phụ. Ví dụ: nếu một phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt đều 28 ngày, kinh lần cuối thấy từ ngày 1 - 5 tháng 1 năm 2003. Người phụ nữ này đi khám sau khi chậm kinh 2 tuần. Tuổi thai sẽ được tính là: 4+2 = 6 tuần. Cách tính này nhiều người không đồng tình vì cho rằng đây không phải tuổi thai thật. Đúng như vậy, ngày thụ thai thật không phải là ngày có kinh đầu tiên mà là những ngày giữa của chu kỳ kinh. Tuy nhiên, cách tính này được chấp nhận vì không mấy ai biết chắc ngày mình có thai. Cách tính này khá thuận lợi khi thai phụ có chu kỳ kinh nguyệt đều.
Cũng căn cứ vào ngày đầu kỳ kinh cuối cùng mà thầy thuốc có thể đưa ra dự kiến ngày sinh. Cách tính như sau: tháng cộng thêm 9, ngày cộng thêm 7 (không phải 10, do có những tháng 31 ngày). Với cách tính này thì dự kiến sinh của thai phụ trên là: tháng 1 = 1 + 9 = 10, ngày 1 + 7 = 8. Ngày dự kiến sinh là 8 tháng 10 năm 2003. Đây không phải là ngày sinh thật mà chỉ là ngày dự kiến sinh. Với giới hạn này, nếu sau ngày dự kiến sinh chưa thấy chuyển dạ được gọi là thai quá ngày sinh hay đầy đủ gọi là thai quá dự kiến sinh. Những thai này sẽ được theo dõi với một chế độ khác và thời gian hẹn tái khám cũng sẽ gần hơn.
Dự kiến sinh được tính theo ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng. Đến ngày dự kiến sinh, người phụ nữ không có kinh khoảng 40-41 tuần. Như vậy tuổi thai là 40-41 tuần. Trên thực tế không phải thai phụ nào cũng chuyển dạ đúng vào ngày dự kiến sinh. Nếu cuộc chuyển dạ xảy ra ở tuổi thai 38- 42 tuần được coi là thai đủ tháng. Thai nhi dưới 38 tuần được coi là non tháng. Thai nhi trên 42 tuần sẽ được tính là thai già tháng.
Các trường hợp không nhớ ngày kinh sẽ căn cứ vào siêu âm 3 tháng cuối để xác định tuổi thai và dự đoán ngày sinh. Chú ý một điều rằng, siêu âm 3 tháng cuối cho phép sai số 3 tuần. Như vậy, không nên lấy siêu âm 3 tháng cuối để dự kiến ngày sinh. Siêu âm, căn cứ vào các phép đo chiều dài xương để đánh giá tuổi thai, thông thường là đường kính lưỡng đỉnh (2 xương đỉnh), chiều dài xương đùi… Hai thai phụ sinh con đủ tháng, nhưng một người sinh 2.500g, một người sinh 4.000g, không thể nói tuổi thai 2.500g nhỏ hơn thai 4.000g.
Xử trí thai quá ngày
Thai già tháng sinh ra sẽ gặp nhiều rủi ro hơn thai đủ tháng. Sẽ không thể nói những thai này cứng cáp hơn được. Ta hình dung các thai này giống như người già yếu, không khỏe như những người trưởng thành. Trao đổi chất giữa mẹ và thai nhi ở những thai già tháng kém đi, cung cấp dinh dưỡng và oxy thiếu. Rất hay gặp hiện tượng chết thai trong tử cung. Khi ra đời, các thai già tháng hay gặp các bệnh về đường hô hấp, điều nhiệt… nguy cơ tử vong cũng cao. Nhưng không phải thai quá ngày sinh nào cũng sẽ là thai già tháng, sẽ yếu. Chúng ta có thể hiểu như không phải người cao tuổi nào cũng yếu. Siêu âm là một phương pháp để theo dõi thai quá dự kiến sinh. Lượng nước ối là căn cứ chính để theo dõi.
Nếu kết quả siêu âm trả lời lượng nước ối trung bình hay bình thường, các thai phụ sẽ được hẹn tái khám sau 24-48 giờ. Nếu lượng nước ối thấp, thai phụ nên vào bệnh viện theo dõi. Một vài trường hợp lượng nước ối quá ít, phải mổ lấy thai ngay, còn lại đa số sẽ được thực hiện một thử nghiệm (test). Cách thử như sau: thai phụ sẽ được kích thích tạo cơn co tử cung giống như chuyển dạ. Nếu thai nhi chịu đựng được, coi như thử nghiệm âm tính, thai phụ tiếp tục theo dõi chờ chuyển dạ và làm thử nghiệm này sau 24-48 giờ.
Các thai phụ này vẫn có thể sinh theo đường tự nhiên. Nếu thai nhi không chịu đựng được, biểu hiện bằng những thay đổi bất thường của nhịp tim thai, thử nghiệm có kết quả dương tính. Thai nhi sẽ được lấy ra bằng phẫu thuật.
Các trường hợp không nhớ kỳ kinh cuối, khi siêu âm nghi ngờ đủ tháng cũng nên vào bệnh viện theo dõi như vậy. Siêu âm màu ra đời cho phép đánh giá dòng máu chảy trong cuống rốn, tử cung… giúp cho chẩn đoán thai già tháng, thuận lợi hơn. Sự trao đổi chất giữa mẹ và thai nhi thông qua bánh nhau, dây rốn thay đổi, tiên lượng xấu cho thai, việc lấy thai sẽ đặt ra. Siêu âm màu ứng dụng rất hiệu quả trước các trường hợp nghi ngờ quá ngày sinh kết hợp suy dinh dưỡng trong tử cung. Siêu âm màu khác siêu âm 3 chiều, nhưng đây cũng là một loại máy siêu âm đắt tiền, không phải cơ sở y tế nào cũng có được. Ứng dụng siêu âm màu cho thai quá ngày sinh chưa rộng rãi.
Tóm lại, thai quá dự kiến sinh chưa hẳn đã là thai già tháng. Không nên lo lắng thái quá để rồi gây áp lực buộc nhân viên y tế phải phẫu thuật lấy thai. Việc theo dõi thai quá dự kiến sinh dựa trên bởi lâm sàng và siêu âm. Khi có những nghi ngờ về lượng nước ối nên vào nội trú bệnh viện. Các thử nghiệm (test) nếu âm tính, tức không suy thai cứ tiếp tục chờ chuyển dạ, hoặc bình tĩnh nếu được gây chuyển dạ. Số trường hợp gây chuyển dạ, sinh nở an toàn là không nhỏ.
Theo SKDS