Tuy hiếm nhưng bệnh đái tháo đường (ÐTÐ) xảy ra khi mang thai (còn gọi là đái tháo đường thai nghén) có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho mẹ và con. Bệnh thường xảy ra vào 3 tháng giữa thai kỳ. Tỷ lệ bị ÐTÐ thai nghén dao động từ 1-14% tổng số phụ nữ có thai.
Yếu tố nguy cơ gây ÐTÐ thai nghén
Các biến chứng có thể gặp
Thông thường, các biến chứng của ĐTĐ thai nghén hiếm khi nghiêm trọng, vì thế tử vong chu sản (quanh cuộc đẻ) rất thấp. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm và điều trị thì có nhiều nguy cơ và biến chứng cho mẹ và thai.
Với mẹ: Có nguy cơ gặp nhiều biến chứng như tăng huyết áp, tim mạch và đối diện với khả năng bệnh ĐTĐ thai nghén sẽ chuyển thành ĐTĐ vĩnh viễn týp 2… Tiếp theo là dễ gặp các biến chứng như tiền sản giật, đẻ non, mổ lấy thai. Nếu mẹ kèm béo phì thì cũng tăng nguy cơ dị tật tim cho thai.
Với thai: Chính thai nhi phải gánh chịu nhiều biến chứng quan trọng như dị tật thần kinh hay tim, nguy cơ thai quá to (làm cho sinh đẻ khó khăn, chiếm tỷ lệ 20-30% số trường hợp ĐTĐ thai nghén, trong khi với thai nghén bình thường chỉ là 10%, tuy to nhưng lại không khỏe, vì thế, người ta gọi những trẻ đó là “người khổng lồ chân đất sét”), đẻ non… Ngoài ra, biến chứng lâu dài với con là tăng nguy cơ bị quá cân, béo phì và cả ĐTĐ sau này.
Ðiều trị ÐTÐ thai nghén
Điều trị có hiệu quả là giữ cho mức đường huyết không dao động và là cách tốt để phòng ngừa các biến chứng. Trong hầu hết trường hợp, chỉ cần thực hành một chế độ dinh dưỡng do thầy thuốc hướng dẫn. Nếu không hạ được nồng độ đường trong máu xuống mức bình thường (dưới 0.95g/L hay dưới 6,11 millimol/L) thì mới cần dùng đến insulin và thuốc này có hiệu quả nhất để duy trì được mức đường huyết ổn định. Không dùng thuốc chữa ĐTĐ dạng viên uống. Nếu được điều trị thích hợp, có thể giảm đến 50% số con sinh ra nặng cân và những biến chứng cho trẻ sơ sinh. Sau đẻ cần theo dõi chặt chẽ: Cần kiểm tra lại nồng độ đường huyết sau 6 tuần.
Phát hiện sớm ÐTÐ thai nghén
Các phụ nữ có yếu tố nguy cơ bị ĐTĐ thai nghén như quá cân, gia đình có người từng bị bệnh… cần được xét nghiệm ngay từ lần đi khám thai đầu tiên bằng cách đo nồng độ đường trong máu lúc đói nhằm mục đích có thể điều trị sớm, tránh biến chứng. Nếu có kết quả dương tính hay nghi ngờ, cần gặp thầy thuốc chuyên khoa về nội tiết để được theo dõi và chữa trị. Để thai không phơi nhiễm với những nguy cơ, điều thiết yếu là phải phát hiện sớm ĐTĐ ngay từ khi bắt đầu có thai, vì vậy, mọi phụ nữ có thai dù không có yếu tố nguy cơ cũng đều cần tìm đường trong nước tiểu hay nồng độ đường trong máu theo chỉ định của thầy thuốc.
Test dung nạp glucose được làm để xác định có bị bệnh ĐTĐ khi mang thai không hoặc sự dung nạp glucose khi có thai. Có thể làm test khi đói hoặc khi no, lấy máu từ chọc hút máu ở ngón tay hay ở máu tĩnh mạch.
Người bệnh được uống dung dịch đường glucose hay bữa điểm tâm đặc biệt... sau đó được làm test để đo nồng độ glucose, thường làm vào tuần 24 - 28 của thai nghén, làm sớm khi tiền sử gia đình có bệnh tiểu đường hay đã từng bị tiểu đường khi có thai ở lần có thai trước. Cũng có khuyến cáo mọi phụ nữ có thai nên làm test phát hiện bệnh. Test cũng làm khi nghi ngờ bị bệnh cho dù nồng độ glucose trong máu đo khi đói vẫn bình thường.
Phòng ngừa lâu dài
Khi đã có thai thì không thể tránh những bất thường về chuyển hoá nhưng vẫn có thể hạn chế nguy cơ bị bệnh ÐTÐ thai nghén ngay từ trước khi có thai bằng sự thực hành một lối sống lành mạnh:
Vận động hằng ngày, chế độ ăn cân đối… Ăn đường không gây ra bệnh ÐTÐ nhưng một chế độ ăn quá ngọt, quá nhiều mỡ và/hoặc luôn ăn vặt đồ ngọt cộng với lối sống trì trệ dễ gây ra tăng cân trên mức bình thường và chính những điều đó là yếu tố thuận lợi để sinh bệnh ÐTÐ.
Theo SKDS