Mang thai làm suy yếu hệ miễn dịch, vì vậy mẹ bầu thường dễ mắc virus gây cảm cúm hơn những người khác.
Cách để bảo vệ bản thân chống lại cảm
Bạn có thể tăng hệ miễn dịch để chống cảm bằng những gợi ý sau:
- Ăn uống lành mạnh, cân bằng, gồm nhiều rau quả tươi, các loại hạt. Thực phẩm này cung cấp nhiều vitamin và chất chống oxy hóa, đặc biệt là vitamin C giúp bạn chống cảm lạnh và cảm cúm hiệu quả.
- Uống đủ nước. Ngoài nước lọc, bạn có thể uống trà thảo dược và nước quả. Hai loại nước này giúp thải độc ra khỏi hệ miễn dịch, lại cung cấp cho cơ thể nhiều loại vitamin và chất khoáng. Nên cố gắng hạn chế đồ uống chứa caffein và chứa đường khi bạn đang mang thai.
- Nghỉ ngơi khi mệt và cố gắng giảm thiểu căng thẳng.
- Tập thể dục vì nó giúp tăng lưu thông máu và bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật nói chung. Bên cạnh đó, bạn cần tránh xa khói thuốc lá vì khói thuốc không chỉ gây hại cho bào thai mà còn nhanh chóng làm yếu hệ miễn dịch của mẹ.
Xử lý cảm lạnh khi mang thai
Cảm lạnh có thể làm bạn thấy khổ sở vì nó kéo theo một số triệu chứng như đau họng, ho, nghẹt mũi, đau đầu, sốt nhẹ... Việc điều trị cảm lạnh tốt nhất là nghỉ ngơi ngay khi bạn thấy mệt. Uống đủ nước để bạn không bị mất nước.
Ngoài ra, còn có nhiều gợi ý khắc phục cảm lạnh, tùy thuộc vào triệu chứng:
- Nếu nghẹt mũi, bạn nên cố gắng hít hơi nước. Thêm 2-3 giọt tinh dầu khuynh diệp vào một bát nước nóng. Chùm một chiếc khăn tắm lên đầu và cố gắng hít hơi nước. Bạn cũng có thể bật vòi hoa sen và ngồi trong phòng tắm 10 phút.
- Để tránh nghẹt mũi vào ban đêm hoặc khi bạn ra ngoài, nên nhỏ vài giọt tinh dầu khuynh diệp vào khăn giấy và hít thường xuyên. Có thể thay thế bằng tinh dầu bạc hà.
- Nếu bị đau họng và ho, bạn nên nhấm nháp mật ong và chanh pha trong nước ấm.
- Nếu bạn bị nhức đầu hay sốt, có thể dùng thuốc hạ sốt nhưng phải hỏi bác sĩ trước đã để chắc chắn là thuốc an toàn cho thai phụ.
Đối phó với cảm cúm khi mang thai
Nếu bị cúm, bạn có thể kèm các triệu chứng như sốt, đau đầu, ớn lạnh, đau nhức cơ bắp, mệt mỏi, giảm cảm giác ngon miệng... Điều tốt nhất khi bị cúm là nghỉ ngơi cho đến khi bạn hồi phục. Ngoài ra, bạn có thể thử những gợi ý sau đây:
- Uống đủ nước, nếu bạn bị sốt để ngăn chặn bị mất nước. Bạn cũng có thể uống nước ép quả giàu vitamin C, chẳng hạn nước cam, giúp tăng miễn dịch.
- Bạn có thể dùng paracetamol để hạ sốt và làm dịu đau nhức nhưng phải hỏi bác sĩ trước.
- Nằm trên giường nếu bạn cảm thấy không được khỏe nhưng đừng để nóng quá và ra nhiều mồ hôi.
- Mặc dù bạn không muốn ăn nhưng nên cố ăn cái gì đó bổ dưỡng như quả tươi, cháo ấm, sữa ấm.
Thời điểm nên đi khám
Nếu các triệu chứng của cảm không giảm sau một vài ngày hoặc bạn bị khó thở thì bạn nên đi khám. Bạn có thể bị nhiễm trùng thứ cấp, chẳng hạn nhiễm trùng ngực cần điều trị gấp. Do hệ miễn dịch kém đi khi mang thai nên cảm thông thường cũng có thể gây biến chứng nặng.
Nếu bạn lo ngại về sức khỏe của mình, tốt hơn cả là đi khám ngay.
Ảnh hưởng của cúm tới bào thai
Hãy yên tâm là em bé của bạn vẫn được bảo vệ khỏi cúm. Tuy nhiên, nếu mẹ bị sốt cao thì khả năng em bé cũng bị ảnh hưởng.
Ảnh hưởng của thuốc kháng sinh tới bào thai
Có nhiều thuốc kháng sinh được khuyến cáo là an toàn cho thai kỳ nhưng một số khác thì không. Nên nói với bác sĩ bạn đang mang thai bao nhiêu tuần trước khi được chỉ định dùng thuốc.
Có thể tiêm phòng cúm khi mang thai
Tiêm phòng cúm khi mang thai là an toàn. Chưa có bằng chứng nào chứng tỏ tiêm phòng cúm khi mang thai là gây hại cho mẹ hay bé.
Theo afamily.vn