Sa dạ con là bệnh lý khá phổ biến ở những phụ nữ lớn tuổi, nhất là khi phải trải qua nhiều lần sinh đẻ. Tuy nhiên, cũng nhiều trường hợp sa dạ con gặp ở người trẻ, dù chỉ sinh ít con và ở mỗi người, mức độ sa dạ con hoàn toàn khác nhau.
Khi bị sa dạ con, bệnh nhân có cảm giác nặng và căng tức ở vùng âm hộ, thậm chí thấy rõ một khối tròn lồi hẳn ra ngoài âm đạo. Thông thường, sa dạ con được chia làm ba mức độ.
Thai phụ sau khi sinh cần ăn nhiều trái cây, rau xanh phòng táo bón gây sa dạ con
Mức độ 1: Dạ con sa nhưng cổ dạ con vẫn còn trong âm đạo
Mức độ 2: Cổ và một phần thân dạ con lồi ra bên ngoài âm đạo.
Mức độ 3: Toàn bộ dạ con lồi ra phía ngoài âm đạo, có thể bị viêm nhiễm hay bị loét.
Thông thường bệnh hay gặp ở những phụ nữ phải lao động nặng nhọc, mang vác nặng quá sớm sau sinh. Khi mới sinh đến khoảng 1-2 tháng, tử cung vẫn còn to và nặng, chưa co lại hoàn toàn. Trong khi các cơ và dây chằng nâng đỡ ở đáy chậu còn đang mềm yếu, chưa phục hồi sau thai nghén. Nếu thai phụ làm việc lao động nặng nhọc, gắng sức, đi lại quá nhiều khiến dạ con bị sa xuống.
Vì thế, khi mới sinh, sản phụ nên đi lại nhẹ nhàng, vừa tránh được tình trạng bế sản dịch, vừa giúp dạ con co bóp, co lại trở về bình thường.
Phụ nữ sau sinh cũng cần ăn nhiều rau xanh, hoa quả để không bị táo bón. Việc gắng sức rặn khi đi ngoài cũng có thể làm dạ con sa nhiều hơn. Sản phụ cũng nên cho con bú mẹ vừa tốt cho em bé, lại giúp tử cung co bóp tống sản dịch ra ngoài và giúp tử cung co nhỏ lại.
Sau khi sinh, có thể luyện tập phương pháp Kegel. Bởi vì mang thai và sinh con có thể làm suy yếu các cơ sàn chậu và mô liên kết, các bài tập này giúp liên tục bóp và thư giãn các cơ của khung xương chậu - trong khi mang thai và sau đó. Để thực hiện các bài tập, thắt chặt cơ xương chậu như thể dừng lại dòng nước tiểu. Đối với người bình thường có thể giảm nguy cơ bị sa tử cung bằng cách duy trì trọng lượng khỏe mạnh, tránh béo phù có thể làm giảm nguy cơ bị sa tử cung. Ngoài ra, cần kiểm soát ho, điều trị ho mạn tính, viêm phế quản, và không hút thuốc… cũng là một phương pháp giảm nguy cơ sa dạ con.
Về điều trị, đối với những trường hợp biểu hiện nhẹ, dạ con có thể co lên sau khi nghỉ ngơi, không làm việc gắng sức. Hoặc bác sĩ có thể can thiệp phục hồi thành âm đạo, đeo vòng để đẩy tử cung lên… còn những trường hợp nặng, dạ con lồi cả khối to ra ngoài thì thường phải phẫu thuật cắt bỏ dạ con.
Ngoài ra, khi có dấu hiệu sa âm đạo, không được chủ quan mà cần đi khám chuyên khoa để được can thiệp ngay khi ở mức độ nhẹ. Tùy vào trường hợp cụ thể, khi thăm khám kỹ càng bác sĩ mới có thể đưa ra lời khuyên.
Theo SKDS