Khi mang thai, ngoài việc cần được thăm khám và theo dõi định kỳ để có thể xử trí kịp thời, thai phụ cũng cần có chế độ ăn hợp lý. Trong y học cổ truyền có những món ăn giúp an thai, nâng cao sức khỏe…
Người bị ốm nghén, tốt nhất nên dùng thực phẩm dễ tiêu hóa nhưng giàu chất dinh dưỡng như sữa bò, đậu nành và các loại chế phẩm đậu, thịt nạc, gan heo, gà vịt, nên ăn nhiều rau cải trái cây giàu chất vitamin và calcium như bắp cải, cải bông, cà chua, cà rốt, bí đỏ, đậu cô ve, nho, lê, cam, quít, táo... Cách ăn là ăn từng ít một, chia ra nhiều lần trong ngày. Nếu bị táo bón, mỗi ngày vào hai buổi sáng tối, uống mỗi lần một muỗng canh mật ong, để giữ đại tiện được thuận lợi, giảm bớt sự tích độc trong cơ thể.
Một số thực phẩm có ích trong trường hợp này là hạt sen, đậu ván, khoai mài, đậu Hòa Lan, có thể phối hợp với gạo tẻ, gạo nếp, ý dĩ… nấu cháo để ăn. Vừa giúp điều hòa cơ thể, vừa giúp ăn ngủ được tốt hơn.
Ảnh minh họa
Cá chép an thai
Để giúp an thai và phòng ngừa phù thũng khi mang thai, có thể dùng một vài món ăn chế biến từ cá chép.
Trong sách Nam dược thần hiệu của danh y Tuệ Tĩnh có viết: “Lý ngư - cá chép có vị ngọt, tính bình, không độc, hạ khí, trừ hoàng đản (vàng da), trị máu cục trong bụng, làm an thai, tiêu thũng, trị ho đàm”.
Ngày nay, cá chép thường được dùng chữa ăn uống kém, ăn uống không tiêu, người cao tuổi suy nhược, đau lưng, nhức mỏi tay chân, ho hen nhiều đàm, giúp an thai, thông sữa.
Như vậy, cá chép là một loại thực phẩm rất tốt cho người cao tuổi, phụ nữ có thai, người bị ho đàm, nhức mỏi tay chân.
Sau đây là một vài món ăn - bài thuốc chế biến từ cá chép:
Canh cá chép nấu đậu đỏ
Nguyên liệu: cá chép 1 con 400 - 500g, đậu đỏ (xích tiểu đậu) 120g, đậu phụng (lạc) 120g, gừng tươi 3 lát, vỏ quít (trần bì) 1 miếng 4cm x 4cm. Gia vị: nước mắm, muối, tiêu, đường, hành lá.
Cách làm:
Cá chép làm sạch vảy, bỏ mang và ruột cá, khứa vài khứa hai bên mình cá, để ráo nước.
Đậu đỏ ngâm nước qua đêm (hoặc ngâm nước ấm 4 - 5 giờ cho mềm), xả lại nước sạch, để ráo. Đậu phụng rửa sạch.
Vỏ quít ngâm nước cho nở, cạo sạch lớp trắng bên trong, cắt ra làm bốn miếng nhỏ.
Hành lá bỏ phần gốc rễ, rửa sạch. Phần lá cắt khúc ngắn 1cm, phần cọng trắng (dọc hành) xắt nhỏ, giã nát, trộn với một ít nước mắm, muối, tiêu để ướp cá khoảng 20 phút cho thấm.
Chiên cá đến khi có màu vàng, mùi thơm là được. Sau đó cho đậu đỏ, đậu phụng và vỏ quít vào nồi, đổ nước vào quá mặt đậu 5cm, nấu sôi mạnh vài phút rồi hạ lửa nhỏ, nấu tiếp cho đến khi đậu nở mềm, cho cá chép và gừng tươi vào, nêm thêm ít muối + đường vừa ăn. Nấu tiếp 10 - 15 phút nữa là được.
Múc ra tô, rắc ít hành lá và tiêu lên trên, ăn nóng cả cái lẫn nước. Nếu người tiêu hóa đang yếu quá thì chỉ nên uống nước canh.
Trong món canh này, đậu đỏ có tác dụng lợi tiểu, nhuận trường, tiêu phù thũng, trừ phong thấp, đau nhức tay chân. Phối hợp cá chép với đậu đỏ, đậu phụng, thêm ít gừng tươi và trần bì sẽ tạo ra một món ăn thơm ngon, bổ dưỡng và có tác dụng chữa trị được trường hợp người cao tuổi suy nhược cơ thể, ăn ngủ kém, đau lưng, tay chân nhức mỏi, phù chân; phụ nữ có thai bị phù chân, thai động không yên. Có thể chỉ dùng gừng và hành củ, không dùng trần bì cũng được.
Cách 2 - 4 ngày ăn 1 lần.
Lưu ý: những người đang bị loét dạ dày, hành tá tràng, hoặc đang bị mụn nhọt, không nên ăn món canh này.
Cá chép long nhãn, hoài sơn
Nguyên liệu: cá chép 1 con 400 - 500g, long nhãn nhục 15 - 20g, hoài sơn (củ khoai mài) hoặc hạt sen 15 - 20g, câu kỷ tử 15 - 20g, hồng táo 4 - 6 quả.
Cách làm: cá chép đánh vảy, bỏ ruột, rửa sạch, cho vào cái tô sành. Cho long nhãn, hoài sơn, câu kỷ tử, táo tàu vào tô, thêm ít đường đỏ, ít rượu trắng hoặc rượu vang. Đậy kín tô sành, đem chưng cách thủy trong 3 giờ là được. Dùng ăn nóng vào lúc đói bụng.
Trong món này, long nhãn có tác dụng bổ huyết, an thần; hoài sơn hoặc hạt sen và hồng táo có tác dụng kiện tỳ, ích phế; câu kỷ tử có tác dụng bổ can thận.
Các loại dược liệu kết hợp với cá chép sẽ rất bổ dưỡng, an thần, an thai, có ích cho hoạt động của tỳ, phế, thận.
Khi phụ nữ mang thai, chân thường phù nhẹ, sau khi nghỉ ngơi sẽ tự hết, đó là hiện tượng bình thường.
- Nếu phù thũng dẫn đến phù mặt, tứ chi, kéo dài không tiêu thì đó chính là bệnh phù thũng khi mang thai. Có thể sử dụng món ăn sau:
Dùng 1 con cá chép (khoảng 250g), mộc nhĩ 25g.
Cá chép đánh sạch vảy, bỏ ruột. Mộc nhĩ ngâm mềm, rửa sạch, cắt nhỏ.
Xào cá, mộc nhĩ với ít dầu ăn, thêm gia vị. Ăn hết trong 1 ngày, cách 5 ngày ăn 1 lần, ăn 3 lần sẽ thấy kết quả.
- Trường hợp thai phụ bị phù thũng không giảm:
Lấy một con cá chép 400 - 500g, bỏ ruột, bỏ mang, không bỏ vảy, cho một ít gia vị vào bụng cá, lấy giấy gói cá lại, dùng chỉ buộc cho chặt, bên ngoài dùng đất sét nhão bọc kín. Cho vào lò than, nướng đến khi đất sét khô nứt thì lấy ra, bỏ lớp bùn giấy. Dùng ăn nhạt, ăn hết trong một ngày.
Cũng cần lưu ý đến trường hợp thai phụ bị phiền muộn (tử phiền) mà ngày nay gọi là bệnh trầm cảm với một số triệu chứng: rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, lo âu vô cớ, dễ cáu gắt, buồn rầu, khó tập trung, người luôn u uất, không thích hoạt động, không muốn ăn uống…. Trường hợp này cần có sự tư vấn và theo dõi của thầy thuốc chuyên môn.
Các trường hợp thai phụ bị bệnh khác, cũng cần được thầy thuốc thăm khám và trị liệu thích hợp.
Qua đó, chúng ta thấy việc chữa trị bệnh cho phụ nữ đang mang thai rất cần thận trọng. Không nên tự ý chữa trị hoặc theo lời mách bảo của những người không chuyên môn.
Trong Đông y, có rất nhiều loại thuốc kỵ thai mà thầy thuốc cần phải thuộc lòng để biết cách phòng tránh khi chữa bệnh cho thai phụ.
Tóm lại, khi mang thai cần được thăm khám, theo dõi theo định kỳ để có cách xử trí kịp thời. Nếu có những triệu chứng bất thường, cần có sự thăm khám và trị liệu của thầy thuốc để phòng ngừa những tai biến ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của thai phụ và thai nhi.
Theo SKDS