Nhiều phụ nữ gặp phải tình trạng bị đau ngực khi mang thai, hầu hết nguyên nhân đau tức ngực khi mang thai có liên quan đến những thay đổi bình thường của cơ thể và không nguy hiểm.
Nguyên nhân
Đau ngực khi mang thai thường là do thay đổi về thể chất của mẹ thích ứng với thai nhi phát triển. Các hormon thay đổi trong thai kỳ sẽ làm tăng lưu lượng máu và những thay đổi các mô ngực, điều này có thể khiến ngực bạn trông to ra, đau cứng và rất nhạy cảm khi chạm phải. Cảm giác đau tức ngực giống như bị đau ngực trước kỳ kinh nguyệt nhưng có xu hướng nặng hơn.
Từ tuần thứ 8 trở đi, ngực thai phụ bắt đầu to hơn và sẽ tiếp tục phát triển trong suốt thai kỳ. Với những người mang thai lần đầu, ngực sẽ to hơn rất nhiều. Nhiều trường hợp có cảm giác hơi ngứa như bị rạn da và thậm chí ngực cũng bắt đầu xuất hiện những vết rạn. Các mạch máu hiện lên trên ngực có thể nhìn thấy rõ ràng và lúc này bạn nên mặc áo ngực cỡ lớn để có cảm giác thoải mái.
Ngoài ra, có thể do trong thời gian mang thai người mẹ bị tức ngực và ợ nóng. Do hormon gia tăng trong thời kỳ mang thai nhằm duy trì niêm mạc tử cung, đồng thời làm mềm các dây chằng khiến thực quản co hẹp lại. Khi đó, axit dạ dày có thể trào ngược trở lại vào cổ họng và thực quản, gây mùi chua đặc trưng. Ngoài ra, thai nhi đang lớn ép cơ hoành và dạ dày cũng là nguyên nhân gây đau ngực có liên quan đến ợ nóng khi mang thai. Để giảm sự khó chịu trên, thai phụ cần ăn bữa nhỏ, tránh các loại thực phẩm nhiều gia vị. Tránh thức ăn có dầu mỡ. Uống nhiều nước. Chọn áo ngực phù hợp có thể làm giảm cơn đau.
Khi nào cần khám bác sĩ?
Nếu đau vú nặng, đau một bên vú, có kèm sốt thì nên đi khám ngay. Ngoài ra, khi có những dấu hiệu như: Đau ngực đột ngột, kèm ho hoặc khó thở; Cơn đau từ ngực lan xuống hai cánh tay; Đau ngực kèm sốt; Đau ngực kèm chóng mặt, khó thở, đổ mồ hôi bất thường… Những cơn đau như thế có thể cảnh báo bệnh ở tim, phổi, bắt buộc bạn phải đến cơ sở y tế để được thăm khám.
Theo SKDS