Sau khi ăn, nếu mẹ bầu ăn hoa quả, uống trà, tập thể dục… sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa và sự hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể.
1. Ăn hoa quả
Sau khi ăn 1 – 2 giờ đồng hồ, thức ăn mới được tiêu hóa hết trong cơ thể. Nếu ăn hoa quả ngay sau khi ăn cơm sẽ làm chậm quá trình tiêu hóa này, làm thức ăn tồn đọng lâu trong dạ dày, có thể gây đầy hơi, tiêu chảy, táo bón và một số triệu chứng khác. Bà bầu giữ thói quen này trong thời gian dài có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa.
Cách tốt nhất là trước bữa ăn khoảng 20 – 40 phút, bà bầu ăn một lượng nhỏ trái cây hoặc uống 1 – 2 ly nước ép trái cây. Bởi trong trái cây và nước ép trái cây rất giàu fructose và glucose có thể nhanh chóng hấp thu vào cơ thể, cải thiện lượng đường trong máu. Chất xơ tự nhiên trong trái cây cũng hỗ trợ rất tốt cho quá trình tiêu hóa trong cơ thể. Cách ăn như thế này có thể áp dụng rất hữu hiệu đối với bà bầu bị tăng cân quá nhiều vì nó giúp bạn kiểm soát được sự thèm ăn và ngăn ngừa tích tụ chất béo trong cơ thể.
Tuy nhiên, bà bầu không nên ăn một số loại trái cây như hồng, táo, dứa khi đói vì dễ gây bệnh đau dạ dày.
2. Uống trà
Uống trà sau khi ăn, đặc biệt là ăn tối, làm loãng dịch tiêu hóa tiết ra từ dạ dày, gây ảnh hưởng đến việc tiêu hóa thức ăn. Ngoài ra, trong trà có chứa rất nhiều axit tannic mà khi kết hợp với protein trong thức ăn sẽ tạo thành chất kết tủa rất khó tiêu hóa.
Nhưng quan trọng hơn cả là trà cản trở sự hấp thu chất sắt của cơ thể. Bạn nên biết nếu uống khoảng 15g trà khô pha với nước sẽ làm giảm sự hấp thu sắt đến 50%. Vì vậy, bà bầu giữ thói quen uống trà sau khi ăn sẽ ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa của cơ thể và gây thiếu máu.
3. Vận động mạnh
Sau khi ăn là thời gian các cơ quan tiêu hóa trong cơ thể con người như dạ dày, gan, tụy… hoạt động tích cực và cần cung cấp một lượng máu lớn cho các cơ quan này. Nếu lúc này bà bầu vận động mạnh sẽ khiến tăng nhu cầu oxy ở các chi và cần thiết phải vận chuyển một lượng máu lớn đến các cơ. Do đó làm giảm một nửa lượng máu cần cung cấp cho các cơ quan tiêu hóa, khiến các cơ quan này không thể “vận hành” đúng công suất, khiến việc tiêu hóa và hấp thụ thức ăn bị cản trở. Hơn nữa, khi thức ăn vẫn còn một lượng lớn trong dạ dày chưa được tiêu hóa hết mà đã vận động mạnh có thể khiến bà bầu bị buồn nôn, nôn ói và đau bụng.
Vì vậy, sau khi ăn, bà bầu nên nghỉ ngơi một thời gian mới bắt đầu di chuyển hoặc thay đổi vị trí. Nếu muốn đi bộ thư giãn thì nên tiến hành sau đó khoảng 1 giờ đồng hồ hoặc tập thể dục cường độ mạnh phải sau 2 giờ đồng hồ.
4. Tắm
Tắm sau khi ăn, nhất là sau khi ăn no sẽ làm ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa. Bởi khi tắm, mạch máu dưới da giãn nở, máu lưu thông nhiều hơn khiến lượng máu cần cung cấp cho hệ tiêu hóa bị giảm, dịch tiêu hóa tiết ra cũng không đủ. Cách tốt nhất sau khi ăn xong, bà bầu nên nghỉ ngơi thư giãn một lúc mới được đi tắm.
Bên cạnh đó, bà bầu cũng không nên tắm khi đói bụng vì có thể làm giảm lượng đường trong máu, gây mệt mỏi, thậm chí choáng ngất.
5. Đọc sách
Đọc sách, báo sau khi ăn là thói quen thường thấy của không ít người. Đây là một thói quen không tốt vì khi đọc sách, báo hoặc làm việc liên quan đến tư duy làm tăng nồng độ máu trong não, kết quả là làm giảm tương đối lượng máu cung cấp cho hệ tiêu hóa, ảnh hưởng đến sự tiết dịch dạ dày. Theo thời gian, thói quen này gây ra chứng khó tiêu, đầy hơi, đau bụng và một số triệu chứng khác.
Theo SKDS