Trời nắng nóng là thời điểm thường có nhiều người già và trẻ nhỏ phải nhập viện. Thậm chí những người khoẻ mạnh không biết cách phòng tránh cũng sẽ dễ ốm.
Những người dễ mắc bệnh vì trời nóng
BSCK I, Nguyễn Trí Dũng, Viện Lão khoa quốc gia cho biết bất kỳ ai cũng có thể bị đổ bệnh do nắng nóng nhưng trẻ em, người già, người thừa cân, người lao động nặng nhọc, và những người mắc bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường… là những đối tượng có nguy cơ cao dễ đổ bệnh. Với những đối tượng này, nếu có dấu hiệt bất thường cần được đưa đến viện sớm.
Miền Bắc đang rơi vào những ngày nắng nóng sớm
Theo vị bác sỹ Dũng, trung bình mỗi người già thường mang trong người 3 bệnh mãn tính, giữa thời tiết nắng nóng bất thường như thế này là cơ hội để các bệnh “ thi nhau biểu tình”. Khi ấy, sức đề kháng của các cụ đã suy kiệt, rất dễ gây những hậu quả khó lường. Hay gặp nhất là bệnh tăng huyết áp, các bệnh về hô hấp, một số bệnh mãn tính ở người già (cơ, xương, khớp), tim mạch… Vì thế, con cháu nên chú ý đến người già khi thời tiết thay đổi bất thường đặc biệt trong lúc nắng nóng.
Còn đối với trẻ nhỏ, trẻ rất nhạy cảm với thời tiết. Số trẻ phải nhập viện tại các BV Nhi T.Ư và các khoa nhi đều do mắc các bệnh hô hấp, tiêu chảy, sốt cao…đã xuất hiện nhiều ca mắc viêm não. Khi trẻ có biểu hiện ho, sốt…cần cho trẻ đến khám tại các cơ sở y tế để sớm phát hiện bệnh.
Uống nhiều nước, hạn chế ra nắng
Để phòng tránh bệnh tật trong những ngày nắng nóng, BS Dũng khuyến cáo mọi người cần uống nhiều nước, trung bình từ 2-2,5l/ngày. Tuyệt đối không đợi cho tới khi cơ thể cảm thấy khát mới uống nước.
Các bác sỹ cũng khuyên rằng, nếu là lao động chân tay nặng nhọc trong thời tiết nắng nóng thì cần phải uống 4 cốc nước mát mỗi giờ. Không nên uống các loại nước chứa cồn, nước có ga hoặc có quá nhiều đường bởi chúng làm cho cơ thể mất nước. Tránh các loại đồ uống lạnh vì nó có thể gây co dạ dày. Nên ăn đủ chất ( cơm, thịt, cá) đặc biệt là rau xanh và hoa quả.
Uống đủ nước là một giải pháp chống gây bệnh do nắng nóng
Theo các bác sỹ, từ 11h trưa đến 15h chiều là thời điểm nắng nóng nhất và dễ gây ốm. Những người bắt buộc phải làm việc ngoài trời nên bắt đầu công việc với cường độ chậm rồi tăng dần, không nên làm việc quá gắng sức vì sẽ làm tăng gánh nặng cho tim. Thời gian tập thể dục buổi sáng cũng nên điều chỉnh: tập sớm hơn vào buổi sáng, muộn hơn vào buổi chiều và thời gian tập rút ngắn lại.
Trên nhiều diễn dàn, các bà mẹ cũng bắt đầu chia sẻ với nhau về cách phòng tránh bệnh trong mùa nắng nóng. Nhiều người đưa ra lời khuyên, nếu dùng máy lạnh, không nên để chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài phòng quá 5 độ để tránh cơ thể bị shock nhiệt. Còn nếu dùng quạt, không bật quá lớn và chiếu trực tiếp dễ gây cảm và ho.
Theo nhiều bà mẹ chia sẻ, các gia đình không nên cho trẻ đi bơi, tắm hay nghịch nước lúc trời đang nắng nóng. Khi tắm dùng nước ấm rồi giảm nhiệt dần, không tắm trực tiếp bằng nước lạnh cũng không cho ngâm trong bồn quá lâu dễ bị cảm. Khi trẻ toát nhiều mồ hôi thì phải lau bằng khăn khô, cho uống nước ít một để bù nước…
Theo SKDS