Ở Việt Nam, những loài cá đồng như: cá chép, cá rô, cá diếc, cá trôi... đều có thể bị nhiễm sán lá gan nhỏ và dễ dàng truyền bệnh cho người. Khi người ăn cá sống như món gỏi cá, hoặc cá nấu chưa chín, ấu trùng sẽ theo thức ăn vào đường ruột gây bệnh.
Vì sao người bị nhiễm sán lá gan nhỏ?
Sán lá gan nhỏ C.sinensis có hình lá, thân dẹt, màu đỏ nhạt. Sán dài 10-12mm, rộng 2-4mm. Trên thân sán có cả bộ phận sinh dục đực và cái. Tinh hoàn chia nhánh, chiếm gần hết phía sau thân sán. Buồng trứng ở khoảng giữa thân, tử cung chạy ngoằn ngoèo, trong chứa nhiều trứng. Trứng sán rất nhỏ, kích thước 16-17µm x 26-30µm, hình bầu dục, một cực có nắp giống hình chóp mũ, một cực phình to hơn giống chiếc lọ phình đáy. Trứng màu vàng sẫm, vỏ mỏng, nhẵn.
Chụp cắt lớp thấy sán lá gan nhỏ trong gan.
Sán lá gan nhỏ ký sinh ở các ống mật nhỏ trong gan, khi nhiều sán, chúng phá hủy nhu mô gan và ký sinh ở tổ chức gan. Sán sống bằng cách thẩm thấu các chất dinh dưỡng từ dịch mật.
Sán lá gan đẻ trứng tại các ống mật. Trứng theo mật xuống ruột và theo phân ra ngoài. Trứng sán cần môi trường nước để phát triển thành ấu trùng lông. Ấu trùng lông bơi tự do trong nước tìm tới ký sinh ở một số loài ốc để phát triển thành vĩ ấu trùng (ấu trùng đuôi). Vào ốc, chúng sống ở phần ruột ốc. Sau đó vĩ ấu trùng rời ốc đến các loài cá nước ngọt để phát triển thành nang ấu trùng nằm trong các thớ thịt của cá, đây là giai đoạn dễ nhiễm bệnh cho người. Ở Việt Nam, những loài cá chép, cá rô, cá diếc, cá mè, trôi... đều có thể là vật chủ trung gian của sán lá gan nhỏ. Khi người ăn cá sống (như món gỏi cá) hoặc cá nấu chưa chín kỹ, ấu trùng theo thức ăn vào đường ruột, di chuyển tới ống mật lên gan. Khoảng 26 ngày sau chúng phát triển thành sán trưởng thành và gây bệnh. Loài sán lá gan nhỏ Clonorchis sinensis có thể sống trong cơ thể người 15-25 năm.
Tổn thương gan do sán
Sán gây những tổn thương nghiêm trọng ở gan, gây kích thích thường xuyên đối với gan, chiếm chất dinh dưỡng và gây độc. Do sán thường bám chặt vào ống mật, dùng mồm để hút thức ăn nên lâu dần gan sẽ bị xơ hóa lan tỏa ở khoảng cửa, tổ chức gan bị tăng sinh và có thể dẫn tới hiện tượng xơ hóa gan, cổ chướng, thoái hóa mỡ ở gan. Mặt khác độc tố do sán tiết ra có thể gây nên các tình trạng dị ứng, đôi khi có thể gây thiếu máu. Gan bị to rõ rệt (có thể tới 4kg). Ở mặt gan có những điểm phình giãn, có màu trắng nhạt và tương ứng với sự giãn nở của ống mật.
Dấu hiệu mắc bệnh sán lá gan nhỏ
Biểu hiện của bệnh sán lá gan nhỏ phụ thuộc vào mức độ nhiễm và phản ứng của cơ thể người. Nếu nhiễm ít sán, thường không có triệu chứng gì đặc biệt. Trường hợp nhiễm sán lá gan nhỏ với số lượng trên 100 con thì bệnh biểu hiện qua 2 giai đoạn sau:
Giai đoạn khởi phát: bệnh nhân thường bắt đầu với các triệu chứng rối loạn dạ dày ruột như chán ăn, ăn không tiêu, đau âm ỉ vùng gan, tiêu chảy hoặc táo bón thất thường. Trên da có thể thấy phát ban, nổi mẩn ngứa.
Giai đoạn toàn phát: người bệnh đau vùng gan nhiều hơn, kèm theo thiếu máu, vàng da, cổ chướng có thể xuất hiện ở giai đoạn muộn. Nếu có bội nhiễm do vi khuẩn, bệnh nhân có thể sốt thành từng cơn hoặc sốt kéo dài.
Xét nghiệm phân có thể tìm thấy trứng sán, có giá trị chẩn đoán bệnh nhân đã mắc bệnh. Nếu không tìm thấy trứng sán, các xét nghiệm miễn dịch cùng với siêu âm, chụp cắt lớp vi tính... có giá trị chẩn đoán. Siêu âm vùng gan có thể phát hiện được sán lá gan và các tổn thương do sán lá gan.
Điều trị bằng thuốc đặc hiệu
Dùng thuốc diệt sán praziquantel liều 75mg/kg. Bệnh nhân mắc sán lá gan nhỏ cần phải được theo dõi điều trị tại các cơ sở y tế có chuyên khoa ký sinh trùng.
Các biện pháp phòng bệnh
Hiện nay, ở một số địa phương có tập quán ăn gỏi cá, nên tỷ lệ người nhiễm bệnh tăng cao, trung bình 20%. Bệnh thường gặp ở vùng nuôi cá bằng phân tươi và có tập quán ăn gỏi cá. Vì vậy, để phòng bệnh, cần thực hiện các biện pháp sau: ăn chín uống sôi, không ăn gỏi cá hoặc ăn cá nấu chưa chín. Món lẩu hải sản là thực đơn được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, bạn chỉ nên ăn cá và hải sản chín kỹ trong nồi lẩu. Do bệnh cũng thường lây cho chó mèo khi chúng ăn cá sống. Từ chó mèo nhiễm sán, bệnh dễ lây sang người qua đường tiêu hóa. Vì vậy, cần bảo vệ vật nuôi, không để chó mèo ăn cá sống. Có thể dùng thuốc tẩy sán cho chó mèo. Bệnh sán lá gan có chu kỳ phức tạp qua 3 vật chủ, nên chỉ cần phá vỡ một khâu của chu kỳ là bệnh không thể lan truyền được, chẳng hạn diệt ốc. Quản lý phân hợp vệ sinh: không dùng phân tươi nuôi cá, bón ruộng. Cần ủ phân đúng quy định, không phóng uế bừa bãi.
Theo SKDS