Mỗi năm vào mùa rét, ở nhiều nơi, nhất là những vùng nông thôn, người dân thường đốt lửa, đốt than để sưởi ấm, chống lại giá rét khắc nghiệt. Đây là việc làm hết sức nguy hiểm, tuy nhiên, nhiều người do thói quen, do điều kiện kinh tế khó khăn... vẫn sử dụng những biện pháp chống rét này rất dễ ngộ độc. Trong khi đó, khí CO không màu, không mùi vị nên rất khó nhận biết, nhất là khi đang ngủ, mọi người sẽ dần lịm đi mà không biết gì. Chính vì vậy, nhận biết sớm và xử trí đúng giúp được người bị nạn thoát khỏi tử vong.
Dấu hiệu nhận biết sớm ngộ độc khí CO
Khởi đầu chỉ là các triệu chứng tản mạn và không đặc hiệu. Nếu ngộ độc nhẹ thường chỉ thấy đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, nôn, mệt mỏi, làm người bệnh dễ nhầm là bị nhiễm virut. Có người thấy da đỏ nhưng đây là triệu chứng không đặc hiệu.
Cảnh báo ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than.
Ở mức độ ngộ độc vừa: Nạn nhân thấy đau ngực, khó tập trung, nhìn mờ, khó thở khi gắng sức nhẹ, mạch nhanh, thở nhanh, hoại tử cơ, thất điều.
Khi bị ngộ độc nặng thấy đau ngực, hồi hộp, mất định hướng, co giật, hôn mê, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, thiếu máu cơ tim, bỏng da, tiểu tiện, đại tiện không tự chủ.
Bệnh nhân có thể bị ngất, tím ở môi và các đầu ngón tay, ngón chân; co cứng tay chân hoặc có những động tác bất thường. Nạn nhân thấy khó thở, thở trào bọt hồng. Tay chân sưng đau, nước tiểu sẫm màu, đỏ và ít dần.
Di chứng thần kinh, tâm thần gặp ở nhiều trường hợp ngộ độc CO, sau khi hồi phục người bệnh thay đổi tính cách, giảm trí nhớ, giảm tập trung, liệt nửa người, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, cử động chậm, tay chân cứng và run, cơ mặt bị liệt. Những biểu hiện này được gọi là hội chứng thần kinh - tâm thần muộn, chiếm tới 40% trường hợp nạn nhân bị ngộ độc khí CO.
Cách xử trí khi có người bị ngộ độc khí CO
Người bị ngộ độc khí CO thường ở trong phòng đóng kín cửa nhưng có động cơ đang nổ như: xe máy, máy phát điện hoặc bếp than, củi… mà bệnh nhân bất tỉnh hoặc tử vong thì nghĩ ngay đến ngộ độc khí. Cần nhanh chóng mở các cửa, khẩn trương đưa nạn nhân ra khỏi khu vực nhiễm độc và nhanh chóng đưa đến cấp cứu ở cơ sở y tế gần nhất để được xử lý và điều trị kịp thời vì khi ngộ độc mức độ CO trên 60% thì tỷ lệ hôn mê và tử vong cao.
Bản thân người đến cấp cứu nạn nhân cũng phải chú ý đảm bảo an toàn cho mình, đồng thời nhanh chóng gọi người khác hỗ trợ, gọi cấp cứu y tế như gọi 115. Nếu bệnh nhân thở yếu hoặc ngừng thở, phải tiến hành ngay việc thổi ngạt bằng hô hấp nhân tạo miệng - miệng hay miệng - mũi.
Nếu nạn nhân không còn tỉnh thì đặt bệnh nhân nằm nghiêng ở tư thế an toàn rồi vừa hà hơi thổi ngạt, vừa nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí đúng cách và kịp thời.
Tuyệt đối không để bếp than trong nhà
Để phòng tránh ngộ độc thì cần phải dùng than đúng cách. Tuyệt đối đốt than, củi trong nhà, trong lều, không cho động cơ xe máy, ôtô... nổ máy trong phòng kể cả khi mở cửa cũng rất nguy hiểm và đã có trường hợp tử vong.
Theo SKDS