Về chúng tôi

Mạng Yhocsuckhoe.com được điều hành bởi Dược phẩm Davinci Pháp. Chúng tôi luôn nỗ lực góp phần mang lại những giá trị thiết thực vì sức khỏe cộng đồng  Việt.

Nhận biết các thể mày đay

Trong các bệnh dị ứng thì mày đay là bệnh phổ biến và hay gặp nhất, tỷ lệ mắc bệnh này trong cộng đồng dân cư ở nước ta khoảng 19-24%. Các bệnh này do nhiều nguyên nhân gây nên có thể bị nhầm lẫn với một loạt các bệnh ngoài da khác và việc xác định chẩn đoán đặc hiệu không phải dễ dàng.

Mày đay được chia ra 2 loại là mày đay cấp và mạn tính.

Mày đay cấp là tình trạng mày đay kéo dài dưới 6 tuần và chủ yếu xuất hiện ở những bệnh nhân có yếu tố cơ địa và phổ biến ở trẻ em. Các biểu hiện mày đay xuất hiện trong hoàn cảnh có liên quan đến các dị nguyên nhất định hoặc sau nhiễm virut. Nhiều bệnh nhân mày đay cấp có thể tự khỏi mà không cần đến bác sĩ.

Mày đay mạn là tình trạng mày đay kéo dài liên tục hoặc ngắt quãng trên 6 tuần, thường gặp ở lứa tuổi trung niên và nữ mắc nhiều hơn nam. Mày đay mạn không thường gặp ở bệnh nhân có yếu tố cơ địa và khó khăn để xác định nguyên nhân.

Nhận biết các thể mày đay

Chữa bệnh mày đay trước tiên cần xác định nguyên nhân và loại bỏ chúng.

Mày đay do đâu?

Nguyên nhân do dị ứng: Có rất nhiều nguyên nhân gây nên, trong đó việc dùng thuốc là nguyên nhân chính gây mày đay. Tất cả các loại thuốc và các đường đưa thuốc vào cơ thể như uống, tiêm, xông, hít, đặt dưới lưỡi, bôi ngoài da... đều có thể gây mày đay. Thức ăn cũng là nguyên nhân gây mày đay, các loại thức ăn giàu protein dễ gây bệnh hơn các loại thức ăn khác. Các loại mỹ phẩm: phấn, son, nước hoa, xà phòng,... là nguyên nhân chính gây mày đay cho phụ nữ. Ngoài ra, các dị nguyên như: bụi, phấn hoa, nấm mốc, lông súc vật... cũng là những tác nhân gây mày đay.

Nguyên nhân yếu tố vật lý: Đây là dạng mày đay xảy ra không theo cơ chế dị ứng. Trường hợp này thường do các yếu tố vật lý (nóng, lạnh, ánh nắng mặt trời, áp lực, chấn thương...) gây nên. Các biểu hiện này thường xuất hiện chậm sau 3-12 giờ. Cơ chế có thể do các tế bào mast ở tổ chức dưới da của những cá thể quá mẫn cảm, các tế bào này dễ dàng thoát bọng (degranulation), phóng thích các chất hóa học trung gian khi tiếp xúc với những yếu tố nêu trên và gây nên bệnh cảnh lâm sàng của mày đay.

Dấu hiệu nhận biết

Mày đay dị ứng: Sau khi dùng thuốc, thức ăn hoặc tiếp xúc với dị nguyên (nhanh có thể vài phút, chậm có thể hàng ngày) người bệnh có cảm giác nóng bừng, ngứa xuất hiện sớm, thường làm người bệnh mất ngủ, càng gãi càng làm sẩn phù to nhanh hoặc xuất hiện những sẩn phù khác và ở những vùng đó xuất hiện những sẩn phù màu hồng hoặc đỏ đường kính vài milimet đến vài centimet. Người bệnh cảm thấy râm ran một vài chỗ trên da như côn trùng đốt.

Các tổn thương này hình tròn hoặc bầu dục xuất hiện ở nhiều nơi, có thể chỉ khu trú ở đầu, mặt cổ, tứ chi hoặc bị toàn thân. Ở một số trường hợp, các triệu chứng kèm theo đôi khi có khó thở, đau bụng, đau khớp, chóng mặt, buồn nôn, sốt cao.

Mày đay tiếp xúc: Khi tiếp xúc với những chất như mỹ phẩm, hóa chất có thể gây nổi mày đay tại chỗ trong vòng vài phút đến vài giờ. Bệnh hay gặp ở những người tiếp xúc với hóa chất, chất tẩy rửa. Nhiều trường hợp bị mày đay do mang găng tay cao su. Về cơ chế nó có thể xảy ra dưới dạng phản ứng miễn dịch hoặc không miễn dịch, các phản ứng này thường nhẹ.

Mày đay do côn trùng đốt: Đây là mày đay dạng sẩn do tăng mẫn cảm với các vết đốt của một số côn trùng như muỗi, mòng, bọ chét, mạt, kiến, ong, sâu róm... Triệu chứng là những dát hoặc nốt sẩn tụ thành từng đám chủ yếu ở vùng da trần, đặc biệt là tay, chân và vùng đầu, mặt, cổ, rất ngứa và thường bị gãi trầy xước.

Mày đay vật lý: Mày đay vật lý được đặc trưng bởi những dát sẩn xảy ra sau một tác nhân vật lý nào đó. Chúng xảy ra ở khoảng 50% số bệnh nhân mày đay mạn tính. Loại mày đay này có thể chia ra các dạng như: mày đay do sức ép hoặc rung động (mặc quần áo bó sát, nắm chặt tay điều khiển máy cần cẩu, lái xe ôtô...); mày đay do lạnh (thời tiết lạnh, nước lạnh, hoặc cầm nắm đồ vật lạnh); mày đay do nóng (xuất hiện ở những vùng da hở do phơi nhiễm với ánh nắng mặt trời hoặc do nóng khi tiếp xúc).

Mày đay mạn tính không rõ nguyên nhân: Là thể bệnh hay gặp, hay tái phát và không tìm được nguyên nhân gây bệnh. Mày đay mạn tính chủ yếu xảy ra ở người lớn, có đến 40% số bệnh nhân mày đay mạn tính kéo dài hơn 6 tháng, đến 10 năm sau vẫn sẽ bị nổi mày đay. Bệnh có xu hướng diễn biến lui bệnh rồi lại tái phát, triệu chứng nặng hơn về đêm gây cho người bệnh cảm giác khó chịu, buồn bực, ảnh hưởng đến sinh hoạt và lao động, học tập.

Lời khuyên của thầy thuốc

Mề đay có thể bị nhầm lẫn với một loạt các bệnh ngoài da khác có ngứa như viêm da cơ địa dị ứng, dị ứng thuốc, viêm da tiếp xúc, côn trùng cắn, hồng ban đa dạng, vảy phấn đỏ chân lông. Vì vậy, việc khai thác tiền sử bệnh là rất quan trọng, nhất là ở lần khám đầu tiên. Nên khi có dấu hiệu mắc bệnh cần đến cơ sở chuyên khoa dị ứng miễn dịch lâm sàng để khám.

Đối với bệnh nhân, cần để ý theo dõi các yếu tố thuận lợi, thúc đẩy xuất hiện các triệu chứng mề đay như các yếu tố vật lý, thức ăn, thuốc. Cần thiết quan sát kỹ hình thái tổn thương, kích thước, màu sắc, vị trí kể cả mức độ ngứa, cảm giác đau, nóng rát nếu có để thông báo với bác sĩ, từ đó tìm ra nguyên nhân loại trừ thì việc kiểm soát bệnh dễ dàng hơn.

Trong giai đoạn cấp tính, cần giảm ăn đường và muối vì đường trong máu tăng cao sẽ gây ra hiện tượng quá mẫn cảm. Những thức ăn gây kích thích như: rượu, trà, cà phê, thuốc lá, tiêu, ớt; những thức ăn có nhiều đạm: tôm, cua, bò, gà, đồ hộp, lạp xưởng, chocolate, trứng, sữa... cần hạn chế và cần áp dụng chế độ loại trừ. Nếu mề đay không xuất hiện thì bắt đầu ăn thêm từng món nghi ngờ... Khi có triệu chứng mề đay, phù môi, sưng mặt hoặc khó thở phải đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.

Theo SKDS

Liên hệ với chúng tôi

  • Số 4/9/259 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam.
  • (+84.4) 22 42 01 68 // 85 85 26 70 - Fax: (+84.4) 3650 1791
  • contact@davincipharma.com
Thời tiết hôm nay