Trong đợt tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết vừa qua, đến các bệnh viện ở TP.HCM như: Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Bệnh Nhiệt đới, người viết nghe được rất nhiều trường hợp bệnh, lấy ra đây để làm bài học cho tất cả mọi người…
Điển hình như trường hợp của cháu H., 6 tuổi, được cấp cứu tại khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2. BS. Nguyễn Trần Nam, Phó khoa Nhiễm cho biết, bé H. được người nhà đưa đến nhập viện trong tình trạng mệt lả, toàn thân lừ đừ, chân tay lạnh, suy hô hấp. Kết quả khám và xét nghiệm cho thấy bệnh nhi sốt xuất huyết nặng dẫn đến sốc nhiễm trùng, tổn thương đa cơ quan như: não, thận, gan. Theo lời kể của người nhà cháu thì khi cháu bắt đầu chớm bệnh, gia đình nghĩ cháu chỉ bị cảm sốt thông thường nên ra ngoài hiệu thuốc mua 2 ngày thuốc hạ sốt cho cháu uống. Sau khi uống một ngày, thấy cháu đã bớt nóng nên chủ quan, không cho cháu đi khám. Vì thế sau khi uống hết ngày thuốc thứ 2, thấy cháu vẫn còn sốt thì lại tiếp tục mua thêm 2 ngày thuốc hạ sốt nữa. Kết quả là đến hết ngày thứ 4, thấy cháu sốt dữ dội mới đưa cháu đi khám bệnh. Cũng may là chưa xảy ra chuyện đáng tiếc xảy ra đối với cháu.
BS. Nguyễn Trần Nam khuyên, trong bất kỳ trường hợp nào khi thấy trẻ có những biểu hiện bất thường về đường hô hấp và tiêu hóa, đặc biệt là biểu hiện sốt, người nhà nên đưa bé đến bệnh viện khám sớm. Do đó, khi có biểu hiện sốt thì phải nghĩ ngay đến sốt xuất huyết. Cần cảnh giác với các trường hợp âm tính giả bởi thực tế có đến gần 30% trường hợp sốt xuất huyết đã được khám lại bị bỏ sót. BS. Nam cho biết hầu hết trường hợp sốt xuất huyết đều tự khỏi, chỉ khoảng 10% dẫn đến biến chứng.
Thạc sĩ, BS. Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết: từ đầu năm đến nay đã có 6 bé tử vong. “Một trong những lý do dẫn đến bệnh nặng, tử vong là sự chủ quan, lơ là trong việc theo dõi phát hiện bệnh giai đoạn sớm, dẫn đến nhập viện trễ. Với những trẻ lớn, bố mẹ cứ tưởng tự khỏi nên không đưa đi khám sớm”, BS. Tuấn nhận định.
Cũng theo BS. Tuấn, những triệu chứng của sốt xuất huyết ban đầu thường dễ nhầm lẫn các bệnh hô hấp khác như: nhiễm siêu vi, viêm họng, viêm hô hấp trên, viêm phế quản, tay chân miệng... Trong giai đoạn đầu của bệnh rất khó chẩn đoán, nhất là 1 - 3 ngày đầu. Trẻ thường sốt cao, lừ đừ, mệt mỏi như cảm thông thường. Lưu ý với sốt xuất huyết, uống thuốc hạ sốt thì giảm nhiệt nhưng sau đó nóng trở lại. Sốt cao từ 390 trở lên quá 2 ngày thì cần phải đi khám bệnh sớm và theo dõi chặt chẽ. “Thông thường ngay từ đầu bệnh nhân đã sốt cao, khởi phát đột ngột chứ không sốt nhẹ rồi tăng dần. Những bệnh khác trẻ không giảm sinh hoạt đáng kể còn riêng sốt xuất huyết thì bé rất đừ, hầu như không thể thực hiện các hoạt động thường ngày như: xem tivi, đọc sách báo, chơi đùa...”, BS. Tuấn cho biết.
Theo SKDS
Cần lưu ý, trẻ bị tái phát sốt xuất huyết thường diễn tiến nặng hơn lần trước vì cơ thể đã có phản ứng miễn dịch tác dụng bất lợi. Sốc sốt xuất huyết thường rơi vào ngày thứ 4 - 6. Người bệnh thay vì giảm sốt, khỏe hơn thì có dấu hiệu nặng như lừ đừ, bứt rứt, vật vã, đau bụng, buồn nôn, nôn ói. Ngoài ra dấu hiệu xuất huyết xuất hiện rõ và tiến triển nặng như chảy máu răng, xuất huyết tiêu hóa, chảy máu mũi, ói ra máu, đi cầu phân đen...