Do ăn uống thiếu vệ sinh, điều kiện sinh hoạt kém, rác thải chung quanh nhà tạo điều kiện cho ruồi phát triển dễ mắc bệnh lỵ do amíp phát triển. Đây là bệnh lây qua qua đường tiêu hóa, có xu hướng kéo dài và mạn tính nếu không được điều trị tích cực.
Kén amip qua thức ăn, nước uống... xâm nhập vào cơ thể người qua đường tiêu hoá. Khi tới dạ dày, nhờ tác dụng của dịch vị phá vỡ vỏ, bốn nhân trong kén được giải phóng phát triển sau đó chúng di chuyển xuống cư trú ở hồi manh tràng. Khi thành ruột bị tổn thương (do vi khuẩn khác hoặc chấn thương) amip nhỏ mới tấn công được vào thành ruột, sinh sản tại đó và tiết ra các men tiêu protein dẫn đến hoại tử tế bào niêm mạc ruột. Tại thành ruột, lúc đầu amip gây ra những điểm xung huyết ở niêm mạc, sau đó tạo nên các cục nhỏ trên mặt niêm mạc rồi dần dần hoại tử và tạo thành những vết loét. Những vết loét gần nhau có thể thông với nhau tạo thành vết loét lớn hơn, sâu tới lớp cơ và cùng với các vi khuẩn tạo nên các ổ áp xe sâu, có thể gây thủng ruột và viêm phúc mạc mủ. Khi các vết loét gây tổn thương mạch máu thành ruột, amip có thể thâm nhập vào máu và theo dòng máu đi khắp cơ thể gây tổn thương các cơ quan khác ngoài ruột như gan, phổi, não v.v.. Tại đây amip có thể tạo thành các ổ áp xe.
Do ăn uống thiếu vệ sinh, điều kiện sinh hoạt kém, rác thải chung quanh nhà tạo điều kiện cho ruồi phát triển dễ mắc bệnh lỵ do amíp phát triển
Tiến triển của bệnh
Bệnh do amíp là bệnh nhiễm đơn bào Entamoeba histolytica, bệnh gây tổn thương đặc trưng là loét ở niêm mạc đại tràng và có khả năng gây ra các ổ áp xe ở những cơ quan khác nhau (gan, não...). Bệnh có xu hướng kéo dài và mạn tính nếu không được điều trị tích cực. Mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm amíp.
Đối với bệnh lỵ amíp (amíp ruột): Thời gian ủ bệnh có thể kéo dài từ 1-2 tuần cho tới 3 tháng. Lúc đầu mới mắc người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, chóng mặt, đau bụng... ở thời kỳ toàn phát, bệnh biểu hiện với 3 giai đoạn chủ yếu là:
Giai đoạn cấp tính: Thường gặp là những hội chứng lỵ, bao gồm đau bụng quặn từng cơn, mót rặn và đại tiện phân nhầy máu, đôi khi xen kẽ với tiêu chảy, mỗi lần đi tiêu ít phân, nhưng đi nhiều lần trong ngày.
Giai đoạn bán cấp: Bệnh nhân đau bụng ít, tiêu chảy phân lỏng ít nhày nhớt, ít khi có cảm giác mót rặn, đôi khi có táo bón.
Giai đoạn mạn tính: Sau giai đoạn cấp tính hay bán cấp, bệnh trở thành mạn tính với triệu chứng bệnh giống như viêm đại tràng mạn, đau bụng lẩm nhẩm, liên tục và rối loạn tiêu hóa, thường là tiêu chảy, đầy hơi, ăn không tiêu đối với một số thức ăn, bệnh nhân suy nhược, không muốn ăn, sụt cân. Vì vậy, khi thấy có những biểu hiện nghi ngờ như: Đau quặn bụng, mót rặn, đại tiện nhiều lần, phân nhầy, lẫn máu… thì cần đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn cụ thể.
Theo SKDS