Viêm tai giữa tiết dịch (VTGTD) là bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh không có triệu chứng rõ ràng gây khó khăn trong chẩn đoán, là nguyên nhân thường gặp nhất làm giảm sức nghe, ảnh hưởng sự phát triển ngôn ngữ và nhận thức cũng như thay đổi hành vi giao tiếp xã hội của trẻ.
Diễn biến âm thầm
VTGTD diễn biến âm thầm nên các bậc cha mẹ khó nhận biết bệnh của trẻ nên bệnh thường phát hiện ở giai đoạn muộn hoặc xảy ra biến chứng, khi đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám một hoặc nhiều bệnh lý khác liên quan. Việc chẩn đoán VTGTD không những khó khăn đối với bệnh nhân người lớn, mà càng khó đối với bệnh nhi vì khó khai thác các triệu chứng đầy đủ do trẻ em không thể hợp tác trọn vẹn trong quá trình thăm khám.
Nguyên nhân chủ yếu của VTGTD là các viêm nhiễm vùng mũi họng như: viêm VA mạn tính, viêm VA - amidan quá phát, viêm mũi họng cấp... Vì vậy những trẻ bị VTGTD thường có các biểu hiện ở mũi họng. Ngược lại, triệu chứng ở tai thường rất mờ nhạt và không đặc hiệu. Chính vì vậy, đây cũng là lý do khiến cho bệnh lý VTGTD thường không được chẩn đoán và dễ dàng bị bỏ qua.
Một số biểu hiện thường gặp
Ở trẻ bị VTGTD, triệu chứng vùng mũi họng xảy ra trước (sốt, chảy mũi, bú kém, ho,...), sau đó là các triệu chứng ở tai (đau tai, chảy tai, sốt và hiện tượng bé hay đưa tay lên gãi tai…). Nếu VTGTD kéo dài không điều trị hoặc điều trị không đúng cách sẽ dẫn đến tình trạng trẻ có biểu hiện: nghễnh ngãng, mất tập trung, nghe kém và ù tai, kém linh hoạt, không phản ứng hoặc phản ứng chậm khi bố mẹ gọi, xem ti vi với âm lượng lớn... Ở các trẻ lớn hơn (tuổi đi học) thường có các biểu hiện: thay đổi tính tình, kém tập trung, kém linh hoạt, kết quả học tập kém đi. VTGTD nếu không điều trị sẽ diễn tiến theo 2 hướng:
Đối với cấp tính: Từ VTGTD sẽ bị bội nhiễm vi khuẩn gây viêm xương chũm cấp rồi gây các biến chứng như: xuất ngoại sau tai hoặc vào nội sọ gây viêm màng não, áp xe não, áp xe tiểu não… hoặc độc tố vi khuẩn ngấm vào tai trong, gây điếc vĩnh viễn hoặc một số trường hợp gây liệt mặt cho trẻ.
Đối với mạn tính: Quá trình viêm mạn tính tái phát nhiều đợt làm cho dịch trong hòm tai lúc đầu là thanh dịch sau đó trở thành dịch quánh nhày. Khi đó, viêm tai thanh dịch trở thành viêm tai keo hay viêm tai nhày. Áp lực âm trong hòm nhĩ hút màng nhĩ vào trong hòm tai, làm tiêu lớp sợi màng nhĩ, làm màng nhĩ bị suy yếu. Khi đó, viêm tai keo trở thành túi co kéo màng nhĩ hoặc xẹp nhĩ, tiêu hủy các cấu trúc xương của hòm tai như: xương con, tường thượng nhĩ… dẫn tới suy giảm sức nghe trầm trọng và cuối cùng hình thành viêm tai giữa nguy hiểm cholesteatoma.
Bệnh có thể phòng
Bệnh VTGTD chủ yếu xảy ra ở trẻ em và nếu không điều trị kịp thời hoặc điều trị không đúng cách sẽ làm trẻ giảm sức nghe, ảnh hưởng sự phát triển ngôn ngữ và nhận thức cũng như thay đổi hành vi giao tiếp xã hội của trẻ. Vì vậy, tất cả trường hợp VTGTD phải được theo dõi và chăm sóc chu đáo, nhằm phục hồi sức nghe cho trẻ, giúp trẻ phát triển trí tuệ bình thường và ngăn ngừa biến chứng, di chứng gây điếc không hồi phục, góp phần làm giảm gánh nặng cho xã hội. Hiện nay, tại các cơ sở y tế chuyên khoa tai mũi họng, VTGTD ở trẻ được điều trị bằng cách đặt ống thông khí qua màng nhĩ, đồng thời, giải quyết nguyên nhân bệnh bằng cách phẫu thuật nạo VA dưới nội soi bằng Micro Debrider (Hammer) hoặc cắt amidan.
Các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi dễ mắc VTGTD cần chủ động phòng bệnh bằng cách như: giữ ấm trẻ vào mùa đông; điều trị triệt để các viêm nhiễm vùng tai mũi họng, nhất là viêm hô hấp trên; bú sữa mẹ sớm; không cho đi nhà trẻ sớm (dưới 12 tháng tuổi); không cho trẻ bơi khi bị viêm hô hấp trên. Ngoài ra, phụ huynh không nên hút thuốc lá trong nhà để giữ không khí trong lành, tránh ô nhiễm. VTGTD có tần suất mắc bệnh rất cao và là nguyên nhân thường nhất gây điếc mắc phải ở trẻ em. Do đó, khi trẻ bị chảy mũi, ngạt mũi, ho, sốt, tiêu chảy; hoặc phát hiện trẻ nghễnh ngãng, không chú ý, mất tập trung hoặc trẻ ù tai, đau nặng tai, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa tai mũi họng để khám và phát hiện sớm, điều trị hiệu quả, góp phần đảm bảo trẻ phát triển tốt thể chất và tinh thần.
Theo SKDS