Đái dầm là chứng đi tiểu không tự chủ lúc ngủ. Các bà mẹ thường hay lo lắng về chứng tiểu dầm của con mình. Vậy chứng bệnh này như thế nào? Với trẻ em, ở lứa tuổi nào thì đái dầm được coi là bình thường. Ở lứa tuổi nào sẽ bị coi là bất bình thường?
S.BS.Trần thị Mộng Hiệp cho biết, ở trẻ em, từ 0 đến 3 tuổi là lúc các bé chưa tự chủ được ý muốn của bản thân nên tè dầm là chuyện bình thường, lớn lên thêm chút khi có "nhu cầu" các bé sẽ kêu "bô" hay "đi tè" để bố mẹ giải quyết giúp. Nhưng từ 5 tuổi trở lên, thường là trên 7 tuổi mà bé vẫn đi tè "tự nhiên" ban đêm thì là biểu hiện không bình thường. Cần đưa trẻ tới khám ở các bệnh viện để sớm có cách điều trị hiệu quả.
Vì sao trẻ đái dầm?
Theo TS.BS.Trần thị Mộng Hiệp, nên hiểu đái dầm là hiện tượng trẻ đi tiểu không tự chủ lúc ngủ, vào ban đêm hoặc lúc trẻ ngủ trưa. Nếu trẻ vẫn đi tiểu không tự chủ lúc thức thì hiện tượng này thường là bệnh lý, không nên đánh đồng đái dầm lúc ngủ và lúc thức là giống nhau.
Nguyên nhân chủ yếu của chứng bệnh đái dầm lúc ngủ chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên bệnh có thể do tình trạng bàng quang chưa trưởng thành vì trẻ còn nhỏ, hoặc do giảm bài tiết vào ban đêm một chất nội tiết (còn gọi là hócmôn) chống bài niệu ở một số trẻ. Bệnh cũng có thể do nguyên nhân tâm lý: trẻ bị căng thẳng về tâm lý như bị cô giáo la mắng, bị bạn bè tách khỏi nhóm, bị ám ảnh lo sợ hay phải thường xuyên chứng kiến những cuộc cãi vã của bố mẹ, cha mẹ ly dị, hoặc mẹ cho ra đời thêm một đứa em... là những yếu tố tâm lý tác động gây tiểu dầm ở trẻ em.
Đồng thời nguyên nhân đái dầm còn do di truyền, cứ một trong cha hoặc mẹ mắc đái dầm lúc còn nhỏ thì 44% trẻ có khả năng bị bệnh hoặc khi cả cha lẫn mẹ mắc chứng này thì 77% trẻ sẽ đái dầm.
Ngoài ra, còn có những nguyên nhân thực thể chiếm tỉ lệ 1 - 2% như các dị dạng đường niệu, nhiễm trùng tiểu...hoặc chứng táo bón cũng gây chứng đái dầm ở trẻ.
Liệu khi trẻ đái dầm thường xuyên, thì có ảnh hưởng đến sức khỏe? Trẻ có thể phát triển bình thường như các trẻ khác hay không?
TS.BS.Trần thị Mộng Hiệp cho biết, việc trẻ mắc chứng đái dầm không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự phát triển thể chất bình thường của trẻ. Nhưng nếu đái dầm vẫn tiếp tục tiếp diễn ở trẻ lớn, đặc biệt trên 10 tuổi trở lên thì sẽ gây cho các bé nhiều vấn đề tâm lý phức tạp. Các bé sẽ là tâm điểm chú ý của bạn bè, bị chê cười, mất tự tin, căng thẳng, buồn rầu và có thể rơi vào mặc cảm. Lâu ngày, tâm tính các bé sẽ trở nên bất thường, khó chịu và khó hòa nhập. Tình trạng này kéo dài không tốt cho sự phát triển của bé về sau.
Ảnh minh họa.
Làm gì khi con trẻ mắc chứng đái dầm?
Các bậc cha mẹ đừng tỏ ra quá lo lắng về hiện tượng này và đừng la mắng trẻ vì sẽ làm cho bé căng thẳng hơn và đái dầm có thể tăng thêm.
Tốt nhất, cha mẹ nên kiên trì và thông cảm, chú ý nhắc nhở bé đi tiểu trước khi đi ngủ và không nên uống nước 2 - 3 giờ trước khi đi ngủ. Có thể sử dùng loại đồng hồ báo thức có khả năng phát hiện sớm các giọt nước tiểu đầu tiên để đánh thức trẻ dậy. Cách thức này hứa hẹn 70 đến 80% thành công.
Nên ghi lại những lần bé đái dâm vào 1 quyển sổ hoặc lịch để theo dõi, khi trẻ chiến thắng đái dầm một lần, hay khen ngợi và động viên khen thưởng bé. Việc làm này sẽ khiến các bé rất quyết tâm cố gắng.
Thay, giặt đồ cho bé cẩn thận trước khi đến lớp để gạt bỏ mặc cảm tự ti trước thầy cô, bạn bè. Nên tránh cho trẻ chứng kiến những cuộc cãi vã của người lớn và nên quan tâm đến các yếu tố tác động tâm lý trên trẻ trong mọi quan hệ với thầy cô, bạn bè, anh chị em ruột...
Khi dùng các biện pháp kể trên mà trẻ vẫn tiểu dầm thì có thể dùng thuốc. Tuy nhiên không cần điều trị thuốc khi trẻ dưới 6 tuổi.
Khi nào nên đưa trẻ đi khám bệnh?
Tỷ lệ đái dầm tự hết khoảng 15% mỗi năm, khoảng 1% trẻ 15 tuổi vẫn còn đái dầm. Quyết định điều tri và chọn lựa phương pháp điều trị tuỳ thuộc vào tuổi của trẻ, ảnh hưởng của đái dầm tới lòng tự trọng của trẻ và chức năng của gia đình.
Nếu trẻ đái dầm thường xuyên từ 6 tuổi trở nên thì cha mẹ nên đưa con khám bác sĩ chuyên khoa, Viện y học cổ truyền.
Một số bệnh dễ nhầm với đái dầm
Nếu nếu bé cứ tiểu thoải mái, không biết nín ngay cả khi còn thức thì đấy không phải là đái dầm mà là tiểu không kiểm soát. Đây là một căn bệnh bàng quang thần kinh, cần được khám để điều trị thích hợp.
Nếu quần bé luôn ẩm ẩm, khai khai nhưng bé vẫn đi tiểu bình thường, vẫn biết nín tiểu, không để nước tiểu xè ra ào ào khi ngủ thì đó là bệnh rò nước tiểu bẩm sinh. Bệnh này chủ yếu xảy ra ở bé gái, thường do 2 thận của bé ở cùng bên, một trên, một dưới. Nước tiểu từ thận trên theo ống dẫn nước tiểu không chảy xuống hết bàng quang mà lại đi thẳng ra cửa mình. Bé cần được phẫu thuật để ống nước tiểu lạc chỗ này được "tập kết" về bàng quang.
Theo vnmedia.vn