Viêm mủ màng ngoài tim ở trẻ em là một bệnh lý tương đối phổ biến và nặng. Biến chứng tức thời là chèn ép tim cấp được chẩn đoán và xử trí cấp cứu kịp thời tránh đe dọa tính mạng trẻ. Việc điều trị nguyên nhân cần được tiến hành triệt để, phối hợp chặt chẽ với điều trị toàn thân và kháng sinh thích hợp để tránh dẫn đến viêm dày dính màng ngoài tim co thắt, một biến chứng muộn đòi hỏi xử trí ngoại khoa bóc tách màng ngoài tim.
Viêm mủ màng ngoài tim là tình trạng khoang màng ngoài tim bị viêm nhiễm, mất bóng và thường chứa một lượng bất thường dịch dạng mủ có thể gây cản trở chức năng tống máu của tim ít hay nhiều tùy tốc độ tích lũy và khối lượng dịch.
Đây là một bệnh cảnh rất phổ biến và nặng nhất của tràn dịch màng ngoài tim mà nguyên nhân là do các vi khuẩn gây mủ, đặc biệt là tụ cầu vàng và phế cầu xâm nhập khoang màng tim theo đường máu hoặc đường kế cận, gây tổn thương viêm dưới dạng mủ tại khoang màng ngoài tim.
Viêm mủ màng ngoài tim rất dễ gây nhiễm độc toàn thân.
Nguyên nhân do đâu?
Bệnh gặp phổ biến ở các nước chậm phát triển, điều kiện hiểu biết sức khỏe chưa đầy đủ, không thường xuyên vệ sinh cơ thể, vệ sinh ngoài da kém. Đa số trường hợp xuất hiện trong bệnh cảnh nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu, viêm phổi do tụ cầu hoặc phế cầu, viêm da mủ hoặc áp-xe cơ do tụ cầu. Tuy nhiên, nhiều trường hợp xuất hiện như một biểu hiện nhiễm khuẩn tiên phát tại khoang màng tim, gây khó khăn trong chẩn đoán.
Cách phát hiện sớm
Khi mắc, bệnh nhân có biểu hiện toàn thân, điển hình và nổi bật là tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm độc phối hợp với tình trạng khó thở do chèn ép tim. Trong trường hợp bệnh kéo dài, suy dinh dưỡng xảy ra rất sớm. Ngoài ra còn có thể gặp các biểu hiện hoặc những triệu chứng của bệnh nguyên nhân và là đường của nhiễm khuẩn màng tim, đặc biệt là các nhiễm khuẩn da và phần mềm (chốc lở, mụn nhọt, viêm quầng, viêm tổ chức da, viêm cơ), viêm xương, viêm mủ khớp, viêm phổi.
Biểu hiện của tràn dịch màng ngoài tim
Trên lâm sàng có thể gặp các biểu hiện của tràn dịch màng ngoài tim khác nhau tùy giai đoạn diễn biến bệnh và mức độ nặng của tràn dịch.
Ở giai đoạn khởi phát, chủ yếu là triệu chứng bệnh nguyên (ổ bệnh nguyên phát), kèm theo mệt mỏi, đau vùng trước tim và tiếng cọ màng tim. Giai đoạn này có thể từ vài giờ đến nhiều ngày.
Ở giai đoạn toàn phát, thường có đầy đủ các biểu hiện sau đây do tràn dịch màng ngoài tim: đau vùng trước tim, đau tăng khi nằm ngửa, dịu đi khi ngồi cúi ra trước; ho, khó thở, tím tái; ứ đọng ngoại vi: phù, gan to, tĩnh mạch cổ nổi, đái ít; mạch nhanh, nhỏ; ngực lặng (không nhìn thấy tim đập). Khi khám thấy tiếng tim mờ (xa xăm); Mạch đảo (pulsus paradoxus) là dấu hiệu đặc trưng của chèn ép tim cấp. Có thể chỉ biểu hiện kín đáo là mạch yếu đi rõ rệt ở thì thở vào. Nhưng chắc chắn và rõ rệt nhất là sự thay đổi huyết áp. Bình thường HA tối đa lúc thở vào sâu thấp hơn lúc ngừng thở là 10mmHg, khi thấp hơn 10-20 là nghi ngờ, thấp hơn 20 là chắc chắn có tràn dịch màng tim (nếu bệnh nhân không thở máy, không mắc bệnh hen và khí phế thũng). Hiện tượng này xảy ra do thất phải nở to trong khi thở vào chèn ép tâm thất trái đang bị dịch màng ngoài tim hạn chế khả năng giãn nở nên không hút đủ lượng máu thông thường để tống ra ngoại biên. Mạch đảo là dấu hiệu rất quan trọng trong bệnh cảnh tràn dịch màng ngoài tim, chứng tỏ đang có ép tim cấp, vì còn có thể gặp trong viêm dày dính màng ngoài tim, hen phế quản nặng, bệnh cơ tim hạn chế, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, sốc giảm thể tích.
Ngoài ra, đối với nhiều trường hợp làm các xét nghiệm thấy có những biểu hiện nhiễm khuẩn toàn thân: do các ổ bệnh tiên phát hoặc do nung mủ màng ngoài tim. Đó là biểu hiện phản ứng viêm cấp tính, bao gồm: số lượng bạch cầu và tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính tăng cao trong máu ngoại vi; protein C phản ứng (C reative protein: CRP) tăng cao; tốc độ lắng máu tăng cao; cấy máu đôi khi tìm thấy vi khuẩn gây bệnh, đa số là tụ cầu, nhưng có thể gặp liên cầu, Hemophilus Influenzae và một số vi khuẩn hiếm gặp khác.
Cấy mủ tại các ổ tổn thương nguyên phát ở da, cơ, xương hoặc khớp có thể phát hiện được các vi khuẩn gây tràn dịch màng ngoài tim. Và những biểu hiện cận lâm sàng do tràn dịch màng ngoài tim cấp tính.
Dễ nhầm lẫn
Trước đây, khi chẩn đoán siêu âm chưa phổ biến, cần dựa vào kết quả chọc dò màng tim, ngày nay có thể dựa vào một trong hai kết quả sau: hình ảnh siêu âm có lượng dịch bất thường trong khoang màng tim; chọc dò màng tim. Tuy nhiên, trên lâm sàng cần chẩn đoán phân biệt với một số trường hợp sau: tràn dịch màng tim trong bệnh cảnh có sốt: thấp tim, viêm màng ngoài tim trong đợt cấp của các bệnh tạo keo, đặc biệt đợt cấp của Lupus ban đỏ rải rác, viêm màng ngoài tim co thắt (Hội chứng Pick), thường do lao hoặc tràn mủ màng tim không điều trị hoặc điều trị quá muộn...
Lời khuyên của thầy thuốc
Để phòng bệnh, cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ, đặc biệt là trẻ nhỏ, tránh nhiễm khuẩn da và phần mềm (chốc lở, mụn nhọt, viêm quầng, viêm tổ chức da, viêm cơ), viêm xương, viêm mủ khớp, viêm phổi. Khi có các biểu hiện nghi ngờ như: có biểu hiện nhiễm khuẩn, nhiễm độc, có những biểu hiện bệnh ngoài da, phần mềm, xương khớp, viêm phổi, đau ngực, khó thở không tương xứng với bệnh cảnh tại phổi... cần đến cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán kịp thời. Chẩn đoán và điều trị sớm các tình trạng bệnh có thể tránh gây biến chứng viêm mủ màng tim.
Theo SKDS