Sốt là một phản ứng của cơ thể và là một triệu chứng thường gặp, nhưng bản chất của mỗi loại sốt có khác nhau. Đa số các trường hợp sốt là do cơ thể mắc bệnh nhiễm khuẩn, tuy vậy, có một số trường hợp tuy mắc bệnh nhiễm khuẩn nhưng không sốt hoặc sốt nhẹ. Mọi lứa tuổi đều có thể bị sốt nhưng đáng quan tâm nhất là trẻ em, trẻ sơ sinh.
Nguyên nhân đa dạng
Có rất nhiều nguyên nhân gây sốt ở trẻ. Ở trẻ sơ sinh, khi bị sốt có thể do nhiễm khuẩn, ví dụ nhiễm khuẩn ở rốn do dụng cụ cắt rốn hoặc bàn tay nữ hộ sinh không vô khuẩn tuyệt đối hoặc nhiễm khuẩn do khi lọt lòng bị sặc nước ối. Trẻ sơ sinh nhiễm khuẩn có thể bị nặng hơn khi viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, viêm phổi, nhất là trẻ sinh thiếu tháng, nhẹ cân.
Bệnh nhiễm khuẩn gây sốt ở trẻ gặp nhiều nhất là viêm đường hô hấp (hô hấp trên hoặc hô hấp dưới) như viêm mũi, họng hoặc viêm tai giữa. Viêm mũi họng ở trẻ có thể gây ho, chảy nước mũi, hắt hơi. Nếu bị viêm thanh quản thì ngoài sốt, trẻ còn bị khản tiếng hoặc mất tiếng. Viêm tai giữa ở trẻ thường có sốt (có khi sốt rất cao, lên tới trên 390C), trẻ có thể đau trong tai khiến trẻ quấy khóc nhiều (trẻ dùng tay ngoáy vào tai, nhất là khi trẻ bú), nhất là ban đêm.
Trẻ cũng bị sốt khi mắc bệnh tay - chân - miệng. Mắc bệnh này thì song song với sốt, trẻ bị nổi phỏng rộp ở gan bàn chân, bàn tay, trong miệng làm cho trẻ ăn, uống khó khăn nên khóc nhiều. Một số bệnh nhiễm khuẩn ở giai đoạn đầu chỉ sốt nhẹ (trên 370C) như viêm ruột thừa nhưng sau đó thân nhiệt có thể tăng lên. Một số bệnh nhiễm khuẩn nặng gây sốt cao ở trẻ như sốt phát ban (sởi, sốt xuất huyết Dengue, thủy đậu), viêm màng não (do vi khuẩn não mô cầu, hemophilus influenzae), nhiễm khuẩn huyết. Trẻ cũng có thể sốt mà không do nhiễm khuẩn như một số bệnh về máu, sốt sau khi tiêm một vài loại vắc-xin (thường sốt nhẹ do phản ứng của cơ thể).
Xử trí như thế nào?
Khi thân nhiệt của trẻ trên 370C thì gọi là trẻ sốt. Trẻ có thể sốt nhẹ (dưới 380C) hoặc sốt cao (trên 380C) hoặc sốt rất cao (trên 400C). Trong một ngày, biểu hiện sốt ở trẻ có thể có dao động (lúc sốt nhẹ, lúc sốt cao hoặc rất cao). Khi trẻ đã bị sốt thì nên vài ba giờ cần cặp nhiệt độ cho trẻ 1 lần để biết mức độ sốt và quy luật của các cơn sốt ở trẻ nhằm cung cấp cho bác sĩ lúc cần thiết.
Cần cởi bớt quần áo hoặc tã lót và cho trẻ nằm ở nơi thoáng mát. Không nên cho trẻ nằm trong phòng máy lạnh ở nhiệt độ thấp và cũng không nên quạt mát cho trẻ bằng cách cho quạt xoáy gió vào trẻ. Nếu trẻ còn bú mẹ thì nên cho trẻ bú nhiều hơn bình thường cả về số lần, cả về thời gian.
Đối với trẻ lớn, trong trường hợp cần thiết, có thể cho trẻ tắm nước ấm (nhiệt độ của nước thấp hơn nhiệt độ của cơ thể vài ba độ) nhưng phải tắm ở nơi kín gió, không có gió lùa. Cần cho trẻ ăn thức ăn nhuyễn, lỏng, dễ tiêu (bột, cháo, súp). Cần cho trẻ uống nhiều nước để bù vào lượng nước bị mất do sốt, nhất là sốt cao, kéo dài. Loại nước thông dụng hiện nay là dung dịch oresol (0RS) và dùng theo hướng dẫn sử dụng.
Nếu không có 0RS thì có thể pha dung dịch thay thế gồm muối ăn và đường mía hoặc đường glucoza. Cứ 2 thìa gạt (loại thìa cà phê) muối ăn với 8 thìa gạt đường cho vào 1 lít nước đã đun sôi để nguội, lắc thật đều cho tan hết muối và đường rồi cho trẻ uống với liều lượng như uống ORS.
Nên cho trẻ uống thêm nước cam, chanh tươi. Nếu thấy trẻ không giảm sốt, thậm chí sốt còn tăng lên thì nên cho trẻ dùng thuốc hạ nhiệt, loại thông dụng và an toàn là paracetamol. Đối với trẻ nhỏ thì nên dùng loại viên đạn đặt hậu môn cho trẻ, liều lượng trung bình là 5-10mg/kg cân nặng của trẻ. Đối với trẻ lớn hơn hoặc không có viên paracetamol đầu đạn thì cho uống paracetamol với liều lượng như sau: dưới 1 tuổi, cho uống 60mg/lần; từ 1-3 tuổi, cho uống từ 60-120mg/lần; từ 3-6 tuổi, cho uống 120mg/lần; từ 6-12 tuổi, cho uống 240mg/lần. Cứ sau từ 4-6 giờ cho uống 1 lần (nếu như trẻ vẫn còn sốt trên 380C).