U tế bào mầm ở trẻ em: Lành ít dữ nhiều
Có không ít bệnh ung thư xuất phát từ u tế bào mầm (UTBM), nhất là ở trẻ em trong độ tuổi từ 0-3. ThS-BS Trương Đình Khải - Giảng viên ĐHYD TP.HCM cho biết, UTBM rất ác nhưng nếu phát hiện sớm và điều trị đúng thì tiên lượng rất tốt. Thậm chí với một số loại, khả năng chữa khỏi sẽ cao ( 80-100%).
UTBM được chia thành hai nhóm: UTBM sinh dục và UTBM ngoài sinh dục.
UTBM sinh dục - Dễ nhận diện, dễ bỏ qua
UTBM sinh dục nằm ở buồng trứng trẻ gái và tinh hoàn trẻ trai nên không khó để phát hiện. Chẳng hạn như UTBM buồng trứng, dấu hiệu nhận biết rất nổi trội: trẻ có cảm giác nặng bụng, đau quặn ở dưới rốn, biếng ăn, mất ngủ, táo bón hoặc tiểu nhiều lần… Nhưng vì UTBM buồng trứng thường xuất hiện khi trẻ gái bước vào tuổi dậy thì (10-15 tuổi), gia đình thường nghĩ rằng đó là đau bụng kinh hoặc do rối loạn kinh nguyệt của tuổi dậy thì nên không đưa con đi khám. Thường UTBM buồng trứng được phát hiện tình cờ qua siêu âm bụng - khi trẻ được khám một bệnh lý khác. Dù 75% là lành tính, nhưng nếu chẳng may rơi vào ác tính, thì sức tàn phá của UTBM rất lớn. Nếu phát hiện quá trễ, trẻ có thể bị cắt bỏ một hoặc hai buồng trứng và nguy cơ vô sinh là không tránh khỏi.
Với trẻ em trai, UTBM sẽ dẫn đến ung thư tinh hoàn (95% các ung thư tinh hoàn xuất phát từ tế bào mầm). Triệu chứng sớm là tinh hoàn sưng to, cứng, không đau. Nhưng khi người bệnh thấy đau lưng, bụng to với nhiều hạch ở bụng, có hạch cổ hoặc nữ hóa tuyến vú thì bệnh đã tiến xa.
UTBM ngoài sinh dục - Khó phát hiện, dễ nhầm lẫn
Đây là những u nằm cạnh đường giữa của cơ thể: tuyến yên, cạnh cột sống, nằm trong ổ bụng, vùng chậu, trung thất, cổ, vùng cùng cụt…
UTBM lồng ngực (trung thất, tim, phổi): Phần lớn là ác tính nhưng cũng có một số rất ít lành tính. Thường khi bị khối u chèn đường thở, trẻ sẽ bị khó thở hoặc ho khan; khối u chèn thực quản gây nuốt nghẹn. Cha mẹ lầm tưởng trẻ bị bệnh hô hấp thông thường.
UTBM ổ bụng: Thường gặp ở vùng phúc mạc cạnh hai bên cột sống, được biểu hiện bằng một khối u nhỏ sờ tay thấy, nhưng không gây đau nên rất dễ được cho qua. Đến khi khối u vỡ gây xuất huyết trong hoặc chèn ép thận, niệu quản gây ứ nước ở thận, khiến trẻ bị chướng bụng, khó chịu… nhập viện thì bệnh đã trở nặng.
UTBM vùng cổ: UTBM sẽ nằm cạnh cột sống cổ, không hề có triệu chứng đau, mỏi… nhưng có thể sờ thấy một khối u khoảng 3cm nằm cạnh đốt sống cổ và khi khám, thầy thuốc rất dễ nhầm lẫn với hạch cổ. Việc điều trị không đúng sẽ khiến bệnh nặng hơn.
UTBM vùng tuyến yên: Nằm ngay đường giữa của cơ thể, từ cột sống cổ đi lên. Thường được phát hiện khi có rối loạn thị giác, khứu giác hoặc tăng áp lực hộp sọ. Trẻ càng nhỏ thì càng khó phát hiện vì không nói được. Còn với trẻ lớn hơn, khi than nhìn mờ, đau đầu, người nhà thường nhầm lẫn với tật khúc xạ nên đưa con đi khám mắt.
UTBM vùng chậu: Triệu chứng giống UTBM buồng trứng nhưng diễn tiến xấu hơn và thường gặp ở trẻ từ 0-3 tuổi. Trong chẩn đoán, thầy thuốc thiếu kinh nghiệm cũng có thể bị nhầm lẫn.
U quái vùng cùng cụt: Dị tật này thường được phát hiện trước sinh, qua thăm khám tiền sản.
Chẩn đoán và điều trị
Ngoài thăm khám lâm sàng, thầy thuốc sẽ chỉ định cho bệnh nhi làm một số xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán UTBM, nhằm xác định vị trí của khối u trong cơ thể, cũng như đánh giá và xếp giai đoạn bệnh chính xác, từ đó có kế hoạch điều trị cụ thể.
Điều trị UTBM tùy thuộc vào kích thước, vị trí và giai đoạn của khối u, thường phẫu thuật hoặc hóa trị hoặc kết hợp cả hai. Trong đó, việc điều trị UTBM sinh dục có phần thuận lợi hơn UTBM ngoài sinh dục, do vị trí dễ nhận diện. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm, điều trị đúng thì khả năng điều trị khỏi của cả hai loại UTBM này rất cao, từ 80-100%. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh nên lưu ý sớm những dấu hiệu bất thường ở trẻ và đưa con đi khám ngay tránh để quá muộn. Vì ở giai đoạn muộn, khả năng điều trị khỏi chỉ còn lại 10-25%. Thậm chí, có em còn mất luôn khả năng làm cha, làm mẹ nếu bị UTBM sinh dục.
Riêng u quái cùng cụt, dù ở vị trí dễ thấy và thầy thuốc cũng có thể phẫu thuật dễ dàng, nhưng theo BS Khải, đây là một ca khó, trẻ thường phải được mổ sớm ngay khi chào đời (trừ một số không đủ điều kiện sức khỏe mới phải đợi). Đáng nói, dù là u quái nhưng u quái cùng cụt không đồng nghĩa với lành tính và phần ác tính thường nằm sâu trong vùng chậu nên khi phẫu thuật phải cắt trọn, không làm vỡ vỏ bao u quái. Phẫu thuật không đúng, bệnh sẽ tái phát, thậm chí dễ di căn.
Theo Phụ Nữ