Về chúng tôi

Mạng Yhocsuckhoe.com được điều hành bởi Dược phẩm Davinci Pháp. Chúng tôi luôn nỗ lực góp phần mang lại những giá trị thiết thực vì sức khỏe cộng đồng  Việt.

Phòng trị chàm thể tạng ở trẻ

 Bệnh có thể khởi phát sớm lúc bé mới 2-3 tháng tuổi. Khoảng 50% trẻ em chàm thể tạng vẫn còn bệnh khi đã trưởng thành.

Chàm thể tạng, còn gọi là viêm da thể tạng hay viêm da cơ địa, là một bệnh da thường gặp ở trẻ em. Bệnh cũng xuất hiện ở các nhóm tuổi khác, gây ngứa nhiều, hay tái phát, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh. 
 
Biểu hiện bệnh thay đổi theo tuổi
 
Bệnh có thể khởi phát sớm lúc đứa bé mới 2-3 tháng tuổi. Triệu chứng xuất hiện đột ngột làm da khô, tróc vảy và ngứa ở đầu và mặt, nhất là gò má hoặc các vùng khác của cơ thể, nổi mụn nước, vỡ ra và rỉ dịch, gây ngứa từng cơn... Trẻ thường phải chà xát lên giường, nệm hay các đồ vật khác vì ngứa, ngủ không ngon giấc. Da trẻ có thể nhiễm trùng do chà xát và cào gãi.
 
Ở trẻ em từ 2 tuổi cho đến dậy thì, thương tổn thường bắt đầu ở nếp gấp khuỷu tay hay đầu gối. Những vị trí khác cũng hay gặp là cổ, cổ tay, mắt cá hay nếp gấp giữa mông và đùi, gây ngứa, tróc vảy. Theo thời gian, da chàm thể tạng trở nên sần sùi, bị thương tổn trắng ra (hay sạm đi), da dày lên do cào gãi nhiều mà các bác sĩ thường gọi là hiện tượng “liken hóa”. Ngoài ra, vùng da dầy xuất hiện các nốt sần, ngứa liên tục.
 
Người lớn hiếm khi mắc bệnh chàm thể tạng. Hầu hết các trường hợp (90%) bệnh xuất hiện trước 5 tuổi. Khoảng 50% trẻ em chàm thể tạng vẫn còn bệnh khi đã trưởng thành. Triệu chứng chàm thể tạng ở người lớn có biểu hiện khác với trẻ em. Thông thường, thương tổn xuất hiện ở nếp gấp khuỷu tay hay đầu gối và gáy, diện tích thương tổn lan rộng trên cơ thể. Triệu chứng thể hiện rõ ở cổ và mặt, gây ảnh hưởng xấu đến da vùng quanh mắt, da rất khô, gứa liên tục, da tróc vảy nhiều hơn ở trẻ em, có thể gây nhiễm trùng da. Nếu bị chàm thể tạng trong khoảng vài năm, thương tổn sẽ trở nên dày và sậm màu hơn các vùng da còn lại, gây ngứa liên tục. 
 
Ở những người đã từng bị bệnh lúc nhỏ, khi trưởng thành không còn triệu chứng chàm thể tạng, tuy nhiên da có thể xuất hiện tình trạng khô, da dễ bị kích ứng, chàm bàn tay, tổn thương mắt như chàm mi, đục thủy tinh thể.
 
Nguyên nhân gây chàm thể tạng là do sự tương tác giữa yếu tố di truyền và môi trường sống. Trên thế giới có khoảng 10-20% trẻ em mắc bệnh chàm thể tạng. Con số này ở người lớn là 1-3%. Ngày nay số người mắc bệnh chàm thể tạng nhiều hơn so với cách đây 30 năm. Người ta không biết lý do tại sao, tuy nhiên có một số yếu tố sau đây làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
 
- Tiền sử gia đình có người thân bị chàm thể tạng, hen suyễn, hay viêm mũi dị ứng. Đây là yếu tố nguy cơ mạnh nhất. Nếu cha hoặc mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ bị chàm thể tạng hay một bệnh dị ứng, đứa trẻ sẽ có nguy cơ cao mắc chàm thể tạng. Một số trẻ bị cả 3 bệnh nói trên. Hen suyễn và viêm mũi dị ứng thường xuất hiện trước 30 tuổi và kéo dài suốt đời.
 
- Nơi sinh sống là những thành phố hay quốc gia phát triển, nhất là nơi có mức độ ô nhiễm môi trường cao hay vùng khí hậu lạnh làm tăng nguy cơ chàm thể tạng. Ví dụ, trẻ em người Việt sống ở London (Anh) có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những đứa trẻ sống tại Việt Nam.
 
- Giới tính: Nữ giới có tỷ lệ bệnh cao hơn so với nam.
 
- Tầng lớp xã hội: Bệnh gặp nhiều hơn ở người có điều kiện sống cao.
 
- Thức ăn không phải là nguyên nhân của bệnh, tuy nhiên dị ứng thức ăn làm cho chàm thể tạng nặng hơn. Trẻ em chàm thể tạng thường dị ứng với một số loại thức ăn như sữa và các sản phẩm từ sữa, quả hạch, sò…Trước khi cho trẻ ngưng bất cứ loại thức ăn nào, người nhà nên thảo luận với bác sĩ da liễu. Trẻ em cần được cung cấp đủ chất dinh dưỡng để tăng trưởng và phát triển bình thường.
 
Nói chung, hiện nay các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu về nguyên nhân của chàm thể tạng. Các nghiên cứu khẳng định có nhiều yếu tố tương tác với nhau để gây nên bệnh, đó là một số gene, môi trường sống và hoạt động của hệ thống miễn dịch cơ thể.
 
Việc chẩn đoán chàm thể tạng chủ yếu dựa vào biểu hiện lâm sàng. Để chẩn đoán, bác sĩ da liễu sẽ nhìn da bệnh nhân để tìm thương tổn. Bác sĩ cũng sẽ hỏi bệnh nhân một số câu hỏi, nhất là về tình trạng ngứa. Tiền sử gia đình cũng được khai thác để biết có người thân mắc một trong các bệnh chàm thể tạng, hen suyễn, viêm mũi dị ứng hay không.
 
Trong một số trường hợp, cần phải xét nghiệm tìm chất gây dị ứng (dị ứng nguyên) làm bệnh nặng hơn. Da người bệnh sẽ được tiếp xúc với một lượng nhỏ các dị ứng nguyên để bác sĩ kiểm tra xem có phản ứng hay không. Việc đánh giá được thực hiện sau khi tiếp xúc vài giờ, 24 giờ và 72 giờ.
 
Hiện nay, vẫn chưa có phương pháp điều trị khỏi hẳn chàm thể tạng, chúng ta chỉ có thể kiểm soát được bệnh mà thôi. Tuy nhiên, việc điều trị có vai trò quan trọng, giúp phòng ngừa chàm thể tạng trở nặng, làm dịu da, giảm đau và ngứa, giảm stress tâm lý, phòng ngừa nhiễm trùng, làm cho da không dày thêm...
 
Tùy vào tình trạng của mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ có kế hoạch điều trị khác nhau như sử dụng thuốc, chăm sóc da, thay đổi lối sống. Thuốc cũng như các phương pháp điều trị khác có tác dụng kiểm soát ngứa, giảm viêm da (đỏ, sưng), chống nhiễm trùng, bong vảy nếu có, ngăn ngừa hình thành thương tổn mới.
 
Có nhiều phương pháp điều trị chàm thể tạng tùy thuộc vào thể bệnh, giai đoạn bệnh với mục đích là kiểm soát tình trạng viêm, ngứa. Trong quá trình điều trị, dù chàm thể tạng đang ở giai đoạn nặng hay lui bệnh, vai trò của chăm sóc da đúng cách và sử dụng các sản phẩm làm mềm, giữ ẩm là rất quan trọng vừa có tác dụng hỗ trợ điều trị, vừa giúp duy trì da ở trạng thái tối ưu nhất.
 
Một số loại thuốc chính trong điều trị chàm thể tạng
 
Chất giữ ẩm, làm mềm da
 
Bôi ít nhất 2 lần/ngày, cần thiết để giảm mất nước qua da, ngăn ngừa sự khô da thường liên quan đến chàm thể tạng. Để đạt kết quả tốt, bôi chất giữ ẩm trong vòng 3 phút ngay sau khi tắm, lúc đó da vẫn còn ẩm ướt. Có một lớp bảo vệ, da sẽ bớt khô, bớt ngứa và cảm thấy dễ chịu hơn. Chất làm mềm da an toàn khi sử dụng thường xuyên và có nhiều dạng: dạng mỡ cho da rất khô, dạng kem và dung dịch cho chàm nhẹ đến trung bình hay chàm tiết dịch. Một số loại được bôi trực tiếp vào da, trong khi số khác dùng dạng thay thế cho xà phòng hoặc thêm vào nước tắm. Chất làm mềm da có sẵn trên thị trường rất nhiều và có thể thử một vài loại trước khi tìm ra loại phù hợp nhất cho mình. Trước tiên nên thử một lượng nhỏ trên da bởi vì có một số người nhạy cảm với các chất chứa trong chất làm mềm da.
 
Steroids bôi
 
Khi bệnh có thể kiểm soát được thì chỉ cần chất làm mềm da, tuy nhiên, ở những đợt bùng phát, khi da trở nên viêm thì cần sử dụng một loại kem steroids. Thuốc steroids bôi có 4 mức độ: nhẹ, trung bình, mạnh và rất mạnh. Độ mạnh của steroids điều trị tùy thuộc vào tuổi bệnh nhân, độ nặng của bệnh, diện tích vùng cơ thể cần bôi.
 
Bôi steroids một lớp mỏng lên vùng da bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ. Bệnh sẽ được đánh giá đều đặn. Chỉ nên sử dụng thuốc steroids mà bác sĩ kê toa cho chính mình, không nên mượn một thuốc bôi không phù hợp của người khác. Nhiều người băn khoăn về việc sử dụng steroids và tác dụng phụ của chúng. Nếu steroids dùng hợp lý và theo chỉ dẫn của bác sĩ thì khả năng gây tác dụng phụ là rất hiếm. Các tác dụng phụ được báo cáo phần lớn là do sử dụng loại rất mạnh trong thời gian dài.
 
Steroids uống
 
Đôi khi được sử dụng trong những trường hợp rất nặng và dưới hướng dẫn của một bác sĩ chuyên khoa da liễu, khi mà steroids bôi tỏ ra kém hiệu quả. Bác sĩ nên theo dõi kỹ các tác dụng phụ khi điều trị.
 
Thuốc điều hòa miễn dịch bôi: là những thuốc mới đã có để điều trị bệnh chàm thể tạng.
 
Các điều trị khác: thuốc kháng Histamine giúp giảm ngứa, viêm. Băng ướt để làm dịu da khô ngứa. Đối với chàm rất nặng, có thể xem xét sử dụng ánh sáng cực tím và các thuốc ức chế miễn dịch.
 
Chăm sóc da cho bệnh nhân chàm thể tạng
 
Tắm rửa hàng ngày, nên giới hạn thời gian tắm trong khoảng 5-10 phút (vì nhiều hơn sẽ làm cho da khô). Không nên tắm nước nóng vì sẽ làm mất đi lớp dầu tự nhiên trên da; dùng nước hơi âm ấm thì tốt hơn. Chỉ nên dùng xà phòng dịu nhẹ, không có hương liệu hoặc dùng các chất làm sạch thay thế xà phòng mà có tính giữ ẩm.
 
Nên giữ móng tay ngắn và không sắc nhọn. Điều này giúp giảm khả năng gãi nhiều làm tổn thương da. Có thể phải đeo găng tay vào ban đêm để ngăn ngừa cào gãi trong khi ngủ.
 
Giữ nhiệt độ và độ ẩm dễ chịu nhất cho người bệnh. Tránh tình huống không khí quá khô, nóng làm bệnh nhân đổ mồ hôi và tỏa nhiệt nhiều. Đây là yếu tố khởi phát chu kỳ gãi hoặc ngứa.
 
Giặt quần áo nên sử dụng các sản phẩm giặt dành cho da nhạy cảm với lượng vừa đủ như khuyến cáo. Sử dụng đủ nước để làm sạch chất tẩy rửa.  
 
Theo VnExpress

Liên hệ với chúng tôi

  • Số 4/9/259 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam.
  • (+84.4) 22 42 01 68 // 85 85 26 70 - Fax: (+84.4) 3650 1791
  • contact@davincipharma.com
Thời tiết hôm nay