Tự kỷ là một khuyết tật phát triển liên quan đến rối nhiễu về kỹ năng xã hội, ngôn ngữ và hành vi của trẻ. Trẻ bị tự kỷ không những chậm phát triển về quan hệ xã hội, ngôn ngữ mà còn có những rối loạn hành vi, ảnh hưởng lớn đến gia đình và xã hội. Tuy nhiên, đáng lo ngại hơn khi căn bệnh thời đại này lại chưa được quan tâm và hiểu rõ một cách đầy đủ.
Khoa Tâm bệnh Bệnh viện Nhi trung ương đã gần trưa vẫn còn khá đông người bệnh. Dắt theo một trẻ nhỏ khuôn mặt lơ ngơ tới khu vực chờ khám bệnh, chị Hiền ở khu tập thể Thanh Xuân (Hà Nội) không giấu được sự lo âu, buồn bã khi chia sẻ với chúng tôi. Theo chị, cháu bé đã hơn 3 tuổi nhưng chỉ bập bẹ được một vài câu, lúc nào cũng ngơ ngẩn và thỉnh thoảng lại có hành động bất bình thường.
Cùng chờ con khám bệnh như Hiền là chị Thúy ở khu Linh Đàm. Khác với con chị Hiền, thằng bé con chị Thúy đã tới tuổi vào lớp 1 nhưng lại vô cùng hiếu động, không hề tập trung chú ý làm bất cứ việc gì mà chỉ nghịch ngợm, phá phách. “Vợ chồng em công việc khá bận, ít có thời gian chăm sóc con nên gần như khoán trắng cho người giúp việc, với hai cái máy trò chơi điện tử và điện thoại làm bạn với cháu. Ai ngờ để cháu chơi nhiều quá khiến nó bị tăng động, giảm chú ý, tới lớp chẳng chịu học hành gì…”, chị Thúy buồn bã nói.
Theo bác sĩ Nguyễn Mai Hương, Phó trưởng Khoa Tâm bệnh, tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển sớm ở trẻ em và diễn tiến suốt đời. Trẻ tự kỷ có những biểu hiện bất ổn từ lúc 7 - 8 tháng tuổi, khi những đứa trẻ khác đã biết thể hiện cảm xúc thì trẻ tự kỷ lại thờ ơ, phản ứng cảm xúc không phù hợp với môi trường. Lớn lên hơn nữa, trẻ thường có các dấu hiệu rối loạn ngôn ngữ và còn kèm theo các rối loạn hành vi như gây hấn, kích động. Đáng lo ngại hơn phần lớn các gia đình lại ít chú ý đến các biểu hiện khác thường của trẻ nên chậm phát hiện trẻ bị tự kỷ, gây khó khăn trong quá trình điều trị.
Cần sự chung tay
Tổ chức Y tế thế giới đánh giá, bệnh tự kỷ đang trở thành một vấn đề mang tính xã hội và được coi là căn bệnh của thời đại. Đối với các quốc gia phát triển, việc đánh giá, chẩn đoán, điều trị và hỗ trợ trẻ tự kỷ thường được tiến hành sớm khoảng từ 18 đến 36 tháng tuổi.
Trong khi đó tại nước ta, bệnh tự kỷ lại chưa được quan tâm đúng mức từ phía gia đình và cả xã hội. Đây vẫn được xem là lĩnh vực rất mới mẻ và chưa có nhiều công trình nghiên cứu. Hiện nay, cho dù chưa có những số liệu chính xác về số trẻ bị tự kỷ ở nước ta, nhưng thực tế tình trạng đáng lo ngại này đang có chiều hướng gia tăng. Nghiên cứu của Bệnh viện Nhi trung ương cho thấy, nếu như năm 2006 chỉ có 200 trẻ bị tự kỷ tới khám và điều trị thì hiện con số này đã lên tới hơn 1.600 cháu/năm, trong đó tỷ lệ trẻ tự kỷ đến khám và chẩn đoán muộn chiếm tới hơn 43%.
PGS-TS Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, cho biết, số lượng cán bộ y tế, tâm lý, giáo viên được đào tạo chuyên sâu về tự kỷ còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục, can thiệp trẻ tự kỷ cũng chưa được trang bị đầy đủ các thiết bị dành riêng cho việc luyện tập, thậm chí chúng ta cũng chưa có hệ thống quản lý các cơ sở giáo dục, can thiệp trẻ tự kỷ.
Chính điều này khiến nhiều cha mẹ có con tự kỷ cảm thấy hoang mang, lo lắng trong việc điều trị bệnh cũng như hỗ trợ trẻ hòa nhập xã hội. Một điều tra cho thấy, có gần 52% phụ huynh bị sốc khi phát hiện con bị tự kỷ và 76% nghĩ cách làm cho con khỏi bệnh nhưng đa số phụ huynh lại lúng túng, không biết phải làm gì.
Phát hiện sớm tự kỷ là một trong những phương thức điều trị căn bệnh này hiệu quả nhất khi y học hiện đại chưa tìm ra phương pháp hay loại thuốc nào chữa được bệnh. Việc điều trị cho trẻ tự kỷ mang ý nghĩa nâng đỡ, giúp trẻ đa dạng hóa kỹ năng, tự chăm sóc bản thân và dễ hòa nhập hơn với cộng đồng. Do đó, các bậc phụ huynh thấy trẻ đã 12 tháng tuổi mà có những biểu hiện như không bập bẹ nói; không có cử chỉ giao tiếp như chỉ tay, bắt tay, nhìn mắt, cười đáp; không nói được từ đơn khi 16 tháng, không nói được câu 2 từ khi 24 tháng… thì cần đưa trẻ tới bệnh viện chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.
Theo SKDS