Thời tiết nắng mưa, nóng lạnh thất thường khiến trẻ dễ mắc bệnh về đường hô hấp. Và mới chỉ bước vào những ngày giữa tháng 8, bệnh nhi nhập viện đã tăng cao.
Cả nhà cùng... vào viện
Tại hành lang khoa Nhiễm D, BV. Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM, chị Nguyễn Thị Út (ngụ Trà Vinh) buồn rười rượi vì cả chồng và cậu con trai 15 tháng tuổi đều cùng lúc nhập viện vì bệnh sốt xuất huyết và bệnh hô hấp. “Cháu nhà tôi vừa nhập viện hai tuần trước vì tiêu chảy và về nhà được mấy hôm thì hai cha con lại cùng lúc phải nhập viện. BS nói chồng tôi bị sốt xuất huyết, con cũng sốt nhưng do bệnh hô hấp trên”. Chăm không nổi cùng lúc chồng nằm tầng dưới và con nằm, chị Út phải điện nhờ cả bà nội, bà ngoại lên phụ chăm chồng con. Chị cho biết, cùng phòng với con mình, hơn 10 bệnh nhi khác cũng được chẩn đoán bị viêm đường hô hấp, viêm phổi.
Còn tại BV. Nhi Đồng 1, bệnh nhân “nêm” kín các phòng bệnh. Riêng trong ngày 12/8, khoa Hô hấp, BV. Nhi Đồng 1 có số bệnh nhi đang nằm điều trị lên 355 trẻ trên tổng số 100 giường bệnh. Trung bình một ngày có 40 - 50 bệnh nhi nhập viện, tăng gấp đôi so với những ngày trước. Các bệnh hô hấp nhập viện điều trị chủ yếu là viêm tiểu phế quản và viêm phổi. Ngoài ra, trẻ bị suyễn nhập viện gia tăng, khoa ghi nhận các trường hợp suyễn nặng rơi vào những trẻ chưa từng được chẩn đoán suyễn nên chưa có xử trí và phòng ngừa thích hợp. Tại hành lang khoa Hô hấp, BV. Nhi Đồng 1 TP.HCM, anh Quân (45 tuổi, ở Long An) phải vừa quạt vừa dỗ con là bé Minh Khôi (31 tháng tuổi) nín khóc. Minh Khôi nhập viện 2 ngày trước để điều trị suyễn nhưng vì phòng bênh đã quá tải nên anh phải kiếm một chỗ ngoài hành lang để cho con nằm. anh Quân cho biết, năm ngoái, con trai anh cũng nhập BV. Nhi Đồng 1 điều trị bệnh hô hấp đến 10 ngày mới được xuất viện.
BV. Nhi Đồng 2 cũng trong tình trạng quá tải. Bác sĩ (BS) Trần Thị Thu Loan, Trưởng khoa Hô hấp, BV. Nhi Đồng 2 cho biết, bệnh hô hấp đang vào mùa, số lượng trẻ nhập viện tại khoa đang gia tăng mạnh. Tính chung trẻ điều trị thường và nằm dịch vụ thì khoa hô hấp hiện có khoảng 400 trẻ đang nằm viện nhưng chỉ có 150 giường bệnh, tăng gấp đôi so với những ngày bình thường.
Các BS dự báo, từ tháng 8, bệnh hô hấp vào đợt cao điểm, đến tháng 10 bệnh sẽ tăng lên đỉnh điểm nên tình trạng quá tải bệnh nhi nhập viện sẽ còn kéo dài.
Lưu ý vệ sinh phòng bệnh cho trẻ
BS. Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, BV. Nhi Đồng 1 cho biết, để giảm sức ép quá tải, BV tăng cường điều trị ngoại trú và lọc bệnh phòng khám để sàng lọc các trường hợp nhập viện giảm quá tải cho một số khoa như khoa Hô hấp. Toàn BV, chỉ có khoảng 5% số bệnh nhi được sàng lọc để nhập viện trong tổng số khám tại phòng khám. Hiện, BV lên phương án chuyển bớt bệnh nhi hô hấp thể nhẹ qua các khoa khác hỗ trợ thêm.
BS. Tuấn lưu ý, với trẻ dưới 2 tháng tuổi, khi thấy trẻ có biểu hiện bỏ bú, bú kém (bú 1/2 lượng sữa bình thường trẻ bú), ở trẻ lớn hơn 2 tháng tuổi nếu không uống được, nôn tất cả mọi thứ trẻ ăn, ngủ li bì khó đánh thức thì cần nhanh chóng đưa trẻ nhập viện. Nếu trẻ ho kéo dài hơn 1 tuần, khó thở, thở nhanh hơn bình thường hoặc thở co lõm lồng ngực thì nên đưa trẻ đi khám ngay. Đa số các trường hợp nhiễm khuẩn hô hấp không có các dấu hiệu nguy hiểm trên thì sẽ khỏi nếu chăm sóc đúng cách ở nhà. Phụ huynh cần lưu ý, nên chia cữ ăn, cữ bú thành nhiều cữ nhỏ, làm sạch mũi thường xuyên cho trẻ bằng nước muối sinh lý. Không nên lạm dụng kháng sinh, có thể dùng một số thuốc điều trị triệu chứng, nếu có biểu hiện trở nặng phải nhanh chóng đưa trẻ đến BV.
BS. Tuấn khuyên, phải luôn giữ ấm trẻ khi trời lạnh và tạo cảm giác thoáng mát khi trời nắng trở lại. Lưu ý không nên cho trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ dưới 2 tháng tuổi tiếp xúc với người bị cảm ho, dù là cảm ho thông thường. Nếu virút lây cho trẻ dưới 2 tuổi thì nguy cơ trẻ bị viêm tiểu phế quản là rất lớn, nếu trẻ sơ sinh bị viêm tiểu phế quản thì có đến 50% số trẻ phải nhập viện. Bên cạnh đó, cần sử dụng quạt máy đúng cách, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, vệ sinh tay sạch sẽ khi chăm sóc trẻ, không cho trẻ ăn uống thực phẩm lạnh... để chủ động phòng bệnh cho trẻ.
Còn theo BS. Loan, thời tiết chuyển từ nắng qua mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để virút, vi trùng sinh sôi nhiều, ảnh hưởng đến sức đề kháng của trẻ làm bé khó thích nghi. Ngoài ra, mùa này trẻ nhập học trở lại nên khả năng lây lan bệnh cao hơn.
Theo SKDS