Trẻ kén ăn thường có những dấu hiệu dễ nhận thấy dưới đây. Các mẹ nên nắm bắt được những dấu hiệu này và có hình thức điều chỉnh phù hợp với con.
“Con không ăn món đó đâu”
Kén ăn là tình trạng phổ biến ở trẻ. Có đến một nửa số trẻ trong độ tuổi từ 2-6 có dấu hiệu kén ăn ở một số thời điểm nhất định. Một trong những hình thức phổ biến của việc kén ăn từ chối không ăn. Ở trẻ đang tập đi và trẻ sơ sinh có thể là đẩy thức ăn ra ngoài, nhổ thức ăn hoặc ném đồ ăn ra khỏi khay (đĩa). Điều quan trọng là nên tiếp tục cung cấp các thực phẩm này. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng để một đứa trẻ chấp nhận một món ăn mới thì có khi phải cho trẻ tiếp xúc với món ăn đó đến cả 15 lần.
Trẻ kén ăn thường tìm mọi cách để từ chối thức ăn.
Từ chối ăn những thức ăn yêu thích
Với trẻ, ngày hôm nay có thể khác ngày hôm qua. Một ngày nào đó con bạn có thể thích ăn nước sốt táo hoặc cà rốt nhưng ngay ngày hôm sau chúng có thể “giận dữ” từ chối món ăn mà ngày hôm qua chúng rất thích. Điều này là hoàn toàn bình thường và không phải là dấu hiệu gì đáng báo động. Bạn chỉ cần tiếp tục cung cấp những thực phẩm đã được trẻ thích ăn trước đó và đừng quá lo lắng về việc “trẻ không thích” món đó.
Lặp đi lặp lại một món ăn hàng ngày
Có khi nào con bạn chỉ đòi ăn hoặc ăn một cách rất ngon lành một món ăn trong cả ngày không? Nếu có thì đây là một hình thức của việc kén ăn được gọi là “food jag” – tức là trẻ chỉ thích ăn một món duy nhất trong một ngày. Việc này hoàn toàn không có gì đáng lo ngại cả.
Nhiệm vụ của bạn là hãy để trẻ ăn những thực phẩm mà trẻ thích nhưng vẫn tiếp tục cung cấp các loại thực phẩm phong phú khác nhau. Điều này sẽ khuyến khích trẻ thử nghiệm những thức ăn mới.
Không muốn thử những món mới
Nhiều trẻ sẽ từ chối thử những món ăn mới. Điều này cũng hoàn toàn bình thường. Chỉ cần bạn tiếp tục giới thiệu những món mới và để cho trẻ trải nghiệm. Cuối cùng trẻ sẽ dám “mạo hiểm” để thử nghiệm những món ăn này. Mẹ nên tránh việc “ẩn” những thực phẩm mới trong những món ăn mà trẻ thích ăn bởi vì điều này có thể khiến trẻ mất lòng tin vào bữa ăn hàng ngày.
Trẻ kén ăn hiếm khi ăn hết khẩu phần.
Cực kì lộn xộn trong bữa ăn
Những biểu hiện của việc lộn xộn như: khóc, ném đồ ăn, lật bát… cũng cho thấy con bạn là một đứa trẻ kén ăn. Bạn có thể vẫn cung cấp thức ăn cho con nhưng nếu trẻ tỏ ra quá lộn xộn thì đừng cố gắng bắt trẻ ăn. Thay vào đó, hãy đợi cho đến lúc trẻ đói và hào hứng với việc ăn uống. Để xảy ra một cuộc chiến trên bàn ăn với con là điều không bao giờ nên làm.
Không quan tâm đến bữa ăn
Trẻ có thể bị hấp dẫn bởi những món đồ chơi mới trong phòng chơi hoặc một con vật cưng nào đó đang quanh quẩn bên bàn ăn. Trong trường hợp này, việc ngồi xuống bàn ăn ăn một cách ngon lành không mấy hấp dẫn những đứa trẻ này. Một số trẻ thậm chí chỉ thích ăn khi quá đói hoặc có món ăn yêu thích của chúng ở trên bàn. Vì thế việc để cho trẻ ngồi ăn cùng với bữa ăn gia đình là rất quan trọng. Việc này sẽ giúp trẻ tập trung và có không khí ăn uống hơn.
Hiếm khi ăn hết khẩu phần
Một đứa trẻ kén ăn sẽ thường xuyên bỏ dở thức ăn thừa trong bát. Thói quen này có thể ảnh hưởng đến cân nặng của trẻ về lâu dài nhưng trong một thời gian ngắn thì không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ. Nhiều mẹ quá coi trọng việc trẻ ăn hết bao nhiêu thực phẩm trong ngày. Tuy nhiên, nếu trẻ không phù hợp với lượng thực phẩm theo tiêu chuẩn thì cũng đừng ép trẻ ăn.
Ăn chậm
Trẻ kén ăn thường ăn rất chậm. Một bữa ăn thường có thể kéo dài đến cả tiếng đồng hồ và bạn thì luôn phải chờ rất lâu bên bàn ăn để con có thể cắn hoặc ăn được một miếng thức ăn nào đó. Thật khó khăn để một đứa trẻ kén ăn có thể ăn nhanh nhưng bạn cần thiết lập sự cân bằng giữa việc cho trẻ thời gian để tự kiểm soát bữa ăn của mình với việc khuyến khích trẻ ăn uống một cách chủ động. Một bữa ăn kéo dài khoảng 25 đến 30 phút là hợp lý.
Theo afamily.vn