Những đứa trẻ có hệ thống miễn dịch tốt đều có sức khỏe tốt, hiếm khi bị bệnh, ngoan và thông minh.
Trên thực tế ở bệnh viện và các phòng khám hàng ngày, phần lớn các thầy thuốc đều nhận thấy: Những đứa trẻ có hệ thống miễn dịch tốt đều có sức khỏe tốt, hiếm khi bị bệnh, ngoan và thông minh. Phần lớn chúng đều bụ bẫm.
Sức khỏe của hệ miễn dịch
Sự khỏe mạnh của hệ miễn dịch sẽ làm cho cơ thể chúng ta ngày càng khỏe mạnh hơn. Sức chống đối với các bệnh tật đặc biệt là những bệnh nhiễm trùng và ung thư sẽ gia tăng và hiệu quả ở trẻ em là ít bệnh, vui vẻ và học tập tốt. Hiện nay đã có rất nhiều công trình nghiên cứu Y học trên thế giới và ở Việt Nam đã chứng minh điều đó.
Nhưng làm thế nào để có được hệ miễn dịch khỏe mạnh? Đây là câu hỏi vừa đơn giản nhưng cũng rất phức tạp, nhiều người biết nhưng không dễ gì thực hiện. Điều đầu tiên là phải có một chế độ ăn uống đủ chất, nhất là ở trẻ em và những thanh thiếu niên. Thức ăn phải đầy đủ các thành phần protid, glucid, lipid, các chất vi lượng, vitamin… Những chất này sẽ giúp cơ thể chống lại được với bệnh tật. Nên ăn uống cân đối với mọi thành phần của thức ăn, tức là phải có một chế độ ăn hợp lý.
Một số công trình nghiên cứu cho thấy, ngoài việc có yếu tố di truyền tốt, việc thêm vào thực phẩm một số chất kích thích hệ miễn dịch cũng có tác dụng tốt. Những chất này phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho con người, dễ sử dụng và không có tác dụng phụ. Tuy nhiên việc làm này không phải lúc nào cũng có người đồng ý.
Nên có cuộc sống lành mạnh
Cuộc sống lành mạnh, quân bình không quá nhiều stress ở người lớn và quân bình giữa học tập và vui chơi ở trẻ em sẽ là một liều thuốc bổ vô cùng quan trọng nhằm xây dựng hệ thống miễn dịch. Tập thể dục, năng động trong cuộc sống, những cố gắng cải thiện môi trường để có một môi trường sống tốt hài hòa với thiên nhiên … cũng đã được nhiều nhà khoa học quan tâm.
Bú sữa mẹ là một trong những biện pháp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ sơ sinh
Tránh xa và loại bỏ trong đời sống những thói quen xấu làm ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung và hệ miễn dịch nói riêng như: ngủ không đủ giấc, thức quá khuya hay thức đêm và ngủ ban ngày làm đảo lộn đồng hồ sinh học. Những thói quen khác gây nguy hại không những cho bản thân mà còn cho những người xung quanh như: hút thuốc lá, hút thuốc lào, uống rượu quá mức, nghiện game, nghiện bài bạc… Những thói quen này có khi còn vi phạm pháp luật.
Ở trẻ em, có một vấn đề mà nhiều người hiện nay chưa chú ý đến là sự quân bình của hệ thống các vi khuẩn trong hệ tiêu hóa, sự phát triển bình thường và cân bằng của hệ sinh thái trong đường ruột của trẻ em đóng một vai trò hết sức quan trọng. Vì có đến 70 - 80% khả năng đáp ứng tốt của hệ miễn dịch ở trẻ em bắt nguồn từ hệ tiêu hóa và các hạch bạch huyết liên quan đến hệ tiêu hóa. Việc mất quân bình về sinh thái giữa các vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại sẽ làm đảo lộn môi trường trong lòng ruột và gây lên những rối loạn về miễn dịch làm cho đứa trẻ dễ bị mắc bệnh về đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa; thông thường làm viêm phổi và tiêu chảy có kèm theo sốt. Đó cũng là một mối lo lắng gây nhiều phiền toái cho những bậc phụ huynh
Bú sữa mẹ cũng là một trong những biện pháp rất có giá trị trong việc tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ sơ sinh. Tốt nhất là bú hết 6 tháng đầu sau đó có thể bú dặm các loại sữa khác. Chúng tôi đã chứng kiến có những em bé trong 6 tháng đầu chỉ bú sữa mẹ rất khỏe mạnh không hề bị các bệnh về hô hấp hay tiêu hoá. Bú sữa mẹ còn giúp tăng cường tình cảm giữa người mẹ và đứa bé là tăng thêm tình mẫu tử và cảm giác hạnh phúc ở người mẹ.
Tiêm phòng các loại vắc-xin cũng là cách kích hoạt chủ động hệ thống miễn dịch của cơ thể. Nên tiêm phòng ngay từ nhỏ các bệnh hay lay nhiễm và nguy hiểm chó cơ thể trẻ em như viêm gan siêu vi, sởi, tả, viêm não… Tuy vừa qua có một số tai biến do tiêm phòng; nhưng nhìn tổng thể những lợi ích về tăng cường hệ miễn dịch của tiêm phòng mang lại là vô cùng lớn lao. Những tai biến chỉ chiếm một số rất ít; và có thể chấp nhận được nếu chúng ta loại trừ được sơ suất hay tình trạng thiếu trách nhiệm của nhân viên phụ trách việc chích ngừa.
Theo SKDS