Sốt phát ban dạng sởi lây lan nhanh, vì sao?
Sốt phát ban thường gây ra bởi virut sởi hoặc virut Rubella. Bệnh lây theo đường hô hấp, khi hít thở chung nguồn khí với người bệnh. Bệnh có đặc điểm lâm sàng là sốt, viêm long đường hô hấp, đường tiêu hóa, viêm kết mạc mắt, phát ban có thứ tự. Bệnh thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ thuộc nhóm tuổi từ 6 - 36 tháng tuổi. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể gặp ở người lớn do chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm nhắc lại.
Virut sởi gây bệnh thế nào?
Virut sởi phát tán qua không khí xâm nhập niêm mạc đường hô hấp (như hắt hơi), do vậy, bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng, nếu kiểm soát không tốt có thể gây thành dịch. Sau đó, vào máu (nhiễm virut máu lần thứ nhất). Thời kỳ này tương ứng với thời kỳ ủ bệnh. Từ máu, theo các bạch cầu, virut đến các cơ quan đích (phổi, lách, hạch, da, kết mạc mắt...) gây tổn thương các cơ quan này và gây ra các triệu chứng lâm sàng trong thời kỳ toàn phát. Ban ở da và niêm mạc chính là hiện tượng đào thải virut và phản ứng miễn dịch bệnh lý của cơ thể.
Ngày thứ 2 - 3 từ khi mọc ban, cơ thể sinh kháng thể. Kháng thể trung hòa virut. Bệnh chuyển sang thời kỳ lui bệnh.
Giai đoạn ủ bệnh khoảng 8 - 11 ngày, bệnh nhân không có biểu hiện rõ ràng. Nếu là trẻ sơ sinh có thể kéo dài 14 - 15 ngày.
Giai đoạn khởi phát (viêm xuất tiết): Thông thường khoảng 3 - 4 ngày.Người bệnh đột ngột sốt nhẹ hoặc vừa, sau sốt cao. Kèm theo các biểu hiện viêm xuất tiết mũi, họng, mắt (chảy nước mắt nước mũi, ho, viêm màng tiếp hợp, mắt có gỉ kèm nhèm, sưng nề mi mắt). Ho, hắt hơi, chảy nước mũi, sau có thể có viêm thanh quản.
Giai đoạn toàn phát (giai đoạn mọc ban): Ban mọc vào ngày thứ 4 - 6 của bệnh. Dạng ban là ban dát sẩn, ban nhỏ hơi nổi gờ trên mặt da, xen kẽ là các ban dát màu hồng. Ban mọc rải rác hay lan rộng dính liền với nhau thành từng đám tròn 3 - 6mm, giữa các ban là khoảng da lành. Ban mọc theo thứ tự: Ngày thứ 1 mọc ở sau tai, lan ra mặt. Ngày thứ 2 lan xuống đến ngực, tay. Ngày thứ 3 lan đến lưng, chân. Ban kéo dài 6 ngày rồi bay theo thứ tự như nó đã mọc.
Khi trẻ sốt cao do sốt phát ban, cần lau mặt, người bằng nước ấm cho trẻ thường xuyên.
Cần phân biệt với các loại sốt phát ban khác
Do là sốt phát ban nên bệnh có thể nhầm với các loại sốt phát ban khác cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh có phát ban dạng sởi như:
Rubella: phát ban không có trình tự, ít khi có viêm long đường hô hấp; nhiễm enterovirus: phát ban không có trình tự, hay kèm rối loạn tiêu hóa. Phát ban do Mycoplasma pneumoniae: Sốt nhẹ, đau đầu và viêm phổi không điển hình. Sốt mò: Có vết loét hoại tử do côn trùng đốt; Phát ban mùa xuân trẻ em: Trẻ 6 tháng đến 2 tuổi, khởi đầu là tình trạng nhiễm khuẩn rồi có biểu hiện thần kinh, sau khi hết sốt thì ban mới mọc; Ban dị ứng: Kèm theo ngứa, tăng bạch cầu ái toan; Nhiễm virut Epstein-Barr: Hay kèm theo tăng bạch cầu đơn nhân.
Biến chứng của bệnh
Khi mắc bệnh nếu không được điều trị hoặc do bệnh nhân tự ý điều trị dẫn đến bội nhiễm và có những biến chứng như:
Biến chứng đường hô hấp: Viêm thanh quản: Ở giai đoạn sớm xuất hiện ở giai đoạn khởi phát hay có Croup giả, gây cơn khó thở do co thắt thanh quản. Ở giai đoạn muộn do bội nhiễm (hay gặp do tụ cầu, liên cầu, phế cầu...), xuất hiện sau mọc ban. Diễn biến thường nặng: sốt cao, ho, khàn tiếng, khó thở, tím tái.
Viêm phế quản: Thường do bội nhiễm, xuất hiện vào cuối thời kỳ mọc ban. Biểu hiện sốt lại, ho nhiều.
Viêm phế quản - phổi: Do bội nhiễm, thường xuất hiện muộn sau mọc ban. Bệnh nặng có sốt cao, khó thở, khám phổi có ran phế quản và ran nổ. Đây là nguyên nhân gây tử vong trong bệnh sởi, nhất là ở trẻ nhỏ.
Biến chứng thần kinh: Viêm não - màng não - tủy cấp do virut sởi.
Viêm não: Là biến chứng nguy hiểm gây tử vong và di chứng cao. Gặp ở 0,1 - 0,6% bệnh nhân sởi. Thường gặp ở trẻ lớn (tuổi đi học), vào tuần đầu của ban (ngày 3 - 6 của ban). Khởi phát đột ngột, sốt cao vọt, co giật, rối loạn ý thức: hôn mê, liệt 1/2 người hoặc 1 chi, liệt dây III, VII, hay gặp hội chứng tháp - ngoại tháp, tiểu não, tiền đình...
Viêm màng não kiểu thanh dịch (do virut sởi).
Viêm tủy: Liệt 2 chi dưới, rối loạn cơ vòng.
Viêm màng não mủ do bội nhiễm: Viêm màng não mủ sau viêm tai, viêm xoang, viêm họng... do bội nhiễm.
Viêm não chất trắng bán cấp xơ hóa (Van Bogaert): Hay gặp ở tuổi 2 - 20 tuổi, xuất hiện muộn có khi sau vài năm, điều này nói lên virut sởi có thể sống tiềm tàng nhiều năm trong cơ thể bệnh nhân, ở những bệnh nhân có đáp ứng miễn dịch bất thường. Diễn biến bán cấp từ vài tháng đến 1 năm. Bệnh nhân tử vong trong tình trạng tăng trương lực cơ và co cứng mất não.
Biến chứng đường tiêu hóa: Viêm niêm mạc miệng, cam tẩu mã (xuất hiện muộn, do bội nhiễm xoắn khuẩn Vincent (Leptospira vincenti) là một loại xoắn khuẩn hoại thư, gây loét niêm mạc miệng, lan sâu rộng vào xương hàm gây hoại tử niêm mạc, viêm xương, rụng răng, hơi thở hôi).
Viêm ruột: Do bội nhiễm các loại vi khuẩn như Shigella, E.coli...
Lời khuyên của thầy thuốc
Tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh. Cần tiêm phòng vaccin sởi và tuân thủ đúng lịch cho trẻ 6 - 9 tháng tuổi trở lên, có tác dụng bảo vệ cao. Bệnh sởi do virut lây lan rất mạnh, phát tán qua đường hô hấp vào không khí, những người không có miễn dịch hoặc miễn dịch kém thì khả năng lây nhiễm cao. Do bệnh có nguy cơ lây lan cao, vì thế khi sốt chưa rõ nguyên nhân người bệnh cần được cách ly ở phòng riêng, không đến chỗ đông người. Khi có sốt cao, phải đến khám tại các cơ sở y tế để tìm nguyên nhân và cách điều trị đúng.
Khi mắc bệnh lưu ý không nên nghe theo quan niệm sai lầm dân gian là phải kiêng gió, kiêng nước, kiêng ăn vì khi không vệ sinh cơ thể sạch sẽ rất khó hạ sốt. Kiêng ăn làm sức đề kháng kém và dễ bị nhiễm khuẩn. Khi chăm sóc trẻ bệnh, có thể tắm cho trẻ bằng nước ấm, lau mát thường xuyên và tăng cường dinh dưỡng bằng nhiều loại thức ăn mềm, chia nhỏ bữa ăn và tuân thủ chỉ định của thầy thuốc.
Theo SKDS